Những tấm lưng còng

(Dân trí) - Hồi nhỏ, anh hay thắc mắc, sao có những người già lưng chẳng còng bao nhiêu mà lưng nội lại còng nhiều thế. Nội cười hiền xoa đầu cháu: “Ờ, chắc họ chưa già bằng nội đó con. Khi bằng tuổi họ, lưng nội cũng thẳng lắm mà!”.

 
Những tấm lưng còng


Những đứa trẻ thường kiểm tra sự lớn bổng phổng phao của mình bằng cách đo chiều cao với bố mẹ. Anh lại hay đo chiều cao với nội hơn. Mỗi khi đi học về, nơi đầu tiên anh ghé qua là gian bếp. Nội đứng trong đó, lúi húi chuẩn bị đồ ăn. Với anh, hình ảnh nội đứng ở bếp trong làn khói mờ ảo là một khoảnh khắc màu nhiệm hệt như những câu chuyện cổ tích nội thường kể.

 

Anh sà vào mở nắp xoong này đến xoong khác, miệng ỉ ôi, “có gì ăn chưa nội ơi, con đói sắp chết rồi”. Nội đưa tay dí lên trán anh“chết chi mà chết, nội nấu xong rồi, thay áo quần rửa ráy rồi vô ăn”.

 

Nội hay mặc chiếc áo có hoa văn hình lá. Loại vải thời đó, cũng chẳng thể xác định là vải gì, chỉ biết cái màu tím nhạt cùng những chiếc lá cứ làm anh liên tưởng đến giậu mồng tơi. Thế nên, anh đặt tên cho chiếc áo của nội là áo mồng tơi. Cái túi áo mồng tơi là nơi anh thích nhất. Cứ ai cho gì, nội cũng cất vào đó để dành cho anh. Khi thì cái kẹo, khi thì cái bánh, có lúc là viên bi lấp lánh.

 

Anh hí hửng khi từng ngày trôi qua cứ thấy mình sắp cao lên bằng nội. Dạo anh bắt đầu trổ giò, chẳng mấy chốc anh chính thức cao hơn nội. Lúc này, anh mới hay, trong lúc anh không ngừng cao lên thì nội cũng còng hơn. Cái lưng của nội chẳng thể thẳng như ngày xưa. Dù rằng, mỗi sáng sớm, nội vẫn siêng tập thể dục, sau đó còn ra quét vườn, cuốc đất. Nội chẳng chịu ngồi yên một chỗ. Ngày trẻ, khi tham gia du kích, nội gan lì lắm. Giặc cầm lưỡi lê đi lùng bộ đội khắp làng, vào tới nhà, thấy nội ngô nghê giả điếc cũng đành chịu. Chúng đâu biết, nội che chở cả một tiểu đội trong nhà.

 

Nội điển hình cho mẫu phụ nữ truyền thống, tần tảo, hy sinh vì chồng vì con. Nội là vợ thứ ba của ông khi ông lỡ duyên với hai người trước. Nội cũng như tất thảy những người phụ nữ khác lúc bấy giờ, im lặng, nhẫn nại mà sống phận đàn bà thấp bé.

 

Lưng nội mỗi ngày mỗi sụt xuống, cái gậy trở thành vật bất ly thân. Mỗi đêm khó ngủ, nội nằm nghiêng, lăn qua trở về, thở dài âu lo cho đứa con này, đứa cháu nọ.

 

Nội thường cười khề khà mãn nguyện mỗi khi anh chịu khó ngồi đấm lưng cho nội. Anh biết, không hẳn là anh mát tay, đấm bóp như thế làm nội đỡ đau nhức, song, nội vui vì anh vẫn còn quấn quýt bên nội.

 

Nội về trời khi cái tấm lưng còng chẳng còn đủ sức chống chọi với thời gian thêm nữa. Tuổi già như lá rụng về cội, nội nằm lại trên mảnh vườn phía sau nhà.

 

Ga tàu một ngày mưa lớn, anh bắt gặp một bà lão lưng còng bưng giỏ bánh lọc đi mời khách. Cái lưng còng của bà cụ như một dấu chấm hỏi nằm chơ vơ, lăn lóc giữa đời. Bà cụ đó, hẳn cũng như nội, cả đời cứ phải cúi mặt ngồi ăn mâm dưới, ăn sau, đến khi già cũng chẳng thể ngầng cao đầu ngồi mâm chiếu cao để hưởng thụ.

 

Anh nhìn sang mẹ, bất giác lại lo. Mẹ nói lưng chừng, chẳng biết khi về già lưng mẹ có còng xuống như nội và bà ấy hay không. Câu hỏi trôi tuột vào hư không khiến anh mông lung nhớ ngày xưa cũ. Đã có những mùa gặt, lưng mẹ cúi xuống để hái những bông lúa chín vàng. Mỗi sáng, khi anh còn ngái ngủ, mẹ khom lưng quét những chiếc lá rụng đầy sân. Mẹ cũng gò lưng bên thành giếng để múc nước giặt đồ… Tấm lưng ấy, đã luôn cúi xuống như thế liệu rồi có còng đi vì năm tháng. Đỡ đần cho chồng cho con, tới cuối đời người phụ nữ vẫn phải cúi xuống để chống gậy, dò dẫm những bước đi còn lại.

 

Đàn ông bọn anh đều đắm đuối trước những vai trần và tấm lưng ong. Để rồi đôi khi hờ hững mà quên mất, mình có cơ hội vào đời mà chạy theo thân lưng ong ấy là nhờ những tấm lưng đã còng xuống, là lưng của nội, của mẹ. Chợt nhớ rằng, hẳn ngày xưa, nội và mẹ cũng từng là những tấm lưng ong đẹp đẽ và thướt tha như thế.

 

Diệu Ái