Nhật ký mẹ bầu 43 tuổi từng mất 3 con, sảy thai 2 lần

(Dân trí) - Sau hành trình mang thai đầy đau đớn và mệt mỏi, với 3 lần mất con, hai lần sảy thai và một lần sinh vật vã nhưng trống rỗng, hạnh phúc cuối cùng cũng mỉm cười với vợ chồng Hilary Freeman khi cô lần giở từng trang nhật ký.

Tháng 11, 2014

Tim tôi rộn lên và đôi tay run rẩy. Tôi đang ở một mình, viết sách trong một khách sạn ở Pháp, và đợi chờ trong lo lắng.

Hôm qua tôi bỗng cảm thấy mệt và nhận ra chu kỳ đã chậm mất 1 ngày, ngực thì đau. Tôi mua que thử dù lòng tự bảo "chỉ tốn tiền mà thôi".

Hôm nay tôi thử. Hai vạch mờ xuất hiện: Tôi có thai rồi.

Nước mắt chảy dài trên má, tôi bắt đầu thổn thức: "Lại nữa. Làm ơn đừng có nữa".

Không phải tôi không muốn đứa con này. Tôi muốn nó hơn mọi thứ trên đời. Nhưng sự thật là tôi sợ. Đây là lần mang thai thứ tư của tôi chỉ trong vòng có hơn 2 năm và tôi đã mất đi 3 đứa con mà tôi rất mong chờ rồi.

 


Vợ chồng Hilary Freeman và Mickael từng mất 3 đứa con sau 1 lần thai chết lưu và 2 lần sảy thai

Vợ chồng Hilary Freeman và Mickael từng mất 3 đứa con sau 1 lần thai chết lưu và 2 lần sảy thai

 

Tháng 9 năm 2012, con gái Elodie của chúng tôi chết trong bụng mẹ ở tháng thứ sáu. Tôi buộc phải chấm dứt thai kỳ sau khi bác sĩ thông báo con bé mắc một hội chứng bất thường hiếm gặp và không thể sống sót.

5 tháng sau, tôi bị sảy khi thai mới có 6 tuần rưỡi và tháng Tám vừa rồi tôi lại mất một đứa con nữa khi nó mới có 9 tuần tuổi.

Chẳng ai biết tại sao. Bác sĩ cho rằng đó là do không may mắn. Họ khuyên tôi đừng bỏ cuộc.

Đối với tôi, mang thai không phải khoảng thời gian vui vẻ, háo hức gì, chỉ toàn đau đớn, sợ hãi, máu và sự mất mát.

Thế nên, sau khi vứt que thử thai đi, tôi đã thề nếu lần mang thai này không được, tôi sẽ không cố nữa. Những gì từng trải qua, với tôi đã quá đủ rồi.

Tôi gọi điện cho chồng, Mickael, khi ấy đang ở nhà của chúng tôi tại London. Giống như tôi, anh ấy cũng đầy lo lắng. Vài ngày sau trên đường quay về Anh, tôi báo cho bác sĩ riêng. Cô ấy bảo chờ thêm vài tuần, nếu cần sẽ đặt lịch khám trong viện.

Dường như không ai, nhất là tôi, tin em bé lần này sẽ thực sự được ra đời.

 


Sau 3 tuần chăm sóc đặt biệt trong bệnh viện, em bé cuối cùng cũng được về nhà. Kết quả chụp chiếu, xét nghiệm cho thấy bé hoàn toàn khỏe mạnh, với trái tim khỏe và không có tổn thương não.

Sau 3 tuần chăm sóc đặt biệt trong bệnh viện, em bé cuối cùng cũng được về nhà. Kết quả chụp chiếu, xét nghiệm cho thấy bé hoàn toàn khỏe mạnh, với trái tim khỏe và không có tổn thương não.

 

Tháng 12, 2014

9 tuần đã trôi qua, tôi đang nằm trên bàn kiểm tra, cố giữ nhịp thở và nắm chặt tay chồng khi bác sĩ siêu âm. Vì đã mất Elodie bởi một hội chứng bất thường, tôi cần phải siêu âm 4 tuần một lần để phát hiện mọi vấn đề có thể xuất hiện.

Một tháng trôi qua trong căng thẳng, mỗi ngày tôi đều bị ám ảnh với việc phải kiểm tra các dấu hiệu sảy thai: ra máu, mất triệu chứng mang thai. Và mỗi lần thấy mọi thứ vẫn đang ổn, tôi lại thở phào nhẹ nhõm được khoảng 1 giờ trước khi lo lắng quay trở lại.

Ngực tôi căng lớn và đau, tôi buồn nôn, thấy mình thật cồng kềnh. Tất cả chẳng có ý nghĩa gì, tôi biết. Tôi thậm chí đã chuẩn bị tâm lý để nghe kết quả siêu âm lần này không có tim thai, hoặc nếu có, thì sẽ làm phát hiện ra điều gì đó bất thường nghiêm trọng với phôi thai.

"Mọi thứ đều ổn", bác sĩ siêu âm nói. Ông ấy còn cho tôi nghe nhịp tim rất nhanh và mạnh của con.

Tôi chẳng thể kìm được nước mắt cứ lăn xuống gò má. Màn hình siêu âm mịt mờ chẳng rõ, nhưng tôi vẫn xin bác sĩ một tấm ảnh scan, phòng khi đây là hình ảnh duy nhất về đứa trẻ này mà tôi từng được thấy.

Tôi vẫn không thể ngừng lo lắng, chuyện về Elodie luôn đeo bám tôi. Đối với tôi, mang thai là một quá trình cần can thiệp y khoa để kéo dài. Tôi ghen tị với những người mẹ mang thai lần đầu với tinh thần lạc quan đến sáng trong.

Tháng 1, 2015

Kết quả siêu âm lần 2 khi thai 3 tháng tuổi cho thấy em bé vẫn ở đó, vẫn sống, và phát triển tốt. Tôi chưa cảm nhận được những cử động của con, nhưng có thể nhìn thấy nó trên màn hình.

"Em bé rất lớn", bác sĩ trấn an tôi.

Hơn cả tin tốt lành, các kết quả xét nghiệm đều cho thấy đứa trẻ này rất ít có nguy cơ mắc hội chứng rối loạn nào. Để hoàn toàn chắc chắn, tôi làm thêm một xét nghiệm máu. Hai tuần sau mới có kết quả. Khoảng thời gian ấy, tôi cố thuyết phục rằng mình sẽ là người nằm trong 1% may mắn. Nhưng có âm thanh nào đó trong đầu vẫn dai dẳng tra tấn tôi, nói với tôi rằng thế nào cũng có chuyện không hay. 1/200 em bé sinh ra vẫn chết lưu mà bác sĩ không biết tại sao.

Tháng 3, 2015

Thai 18 tuần. Tôi đi được gần một nửa đường trong thai kỳ và may mắn dường như vẫn bên cạnh. Tôi đau lưng, khó thở, nhưng đó là những triệu chứng bình thường của người mang thai.

Tôi bắt đầu thả lỏng hơn và không còn vài lần mỗi ngày kiểm tra xem có ra máu hay không nữa.

Hôm qua, một người phụ nữ trên xe buýt nhận ra tôi mang bầu. Tôi rất vui. Khi tôi mang thai Elodie, không ai nhận ra tôi có bầu cả vì hội chứng rối loạn khiến con bé không phát triển.

Lần đầu tiên em bé trong bụng đạp, trên chuyến tàu muộn tôi trở về nhà sau khi ăn tối nhà bạn, cảm giác cay đắng ngọt ngào. Tôi lại nhớ, rất sống động, cảm giác khi Elodie lần đầu đạp bụng tôi, và sự trống rỗng đớn đau khi con bé không còn đạp nữa.

Đôi khi tôi có cảm giác như con bé ám theo cả thai kỳ của tôi.

Ở tuần thứ 20, tôi biết mình mang thai con gái. Một chút thất vọng. Tôi muốn nó là con trai để không gợi nhắc đến lần mang thai đầu tiên. Nhìn ảnh siêu âm của nó, tôi không thể ngừng nghĩ đến Elodie từ nét mặt, đến đôi tay nhỏ xíu, cân nặng của con bé khi tôi ôm nó  rất ngắn ngủi trong lòng.

Tháng 4, 2015

Tôi trông ra dáng bà bầu và bạn bè bắt đầu gửi tặng nào quần áo, sách, tã lót và đồ chơi. Tôi lịch sự từ chối tất cả, nói rằng vẫn còn quá sớm.

Những người lạ hỏi tôi đây có phải lần đầu mang thai không. Tôi chẳng biết phải trả lời thế nào. Nhận là đúng thì cứ như tôi đang phủ nhận Elodie, nói là không thì tôi lại phải kể câu chuyện của mình.

Khi một bác sĩ vô tâm gọi tôi là "mang thai lần đầu", sâu thẳm trong lòng tôi đau. Tôi muốn nói để cô ấy biết cô ấy thật thiếu nhạy cảm. Tôi từng sinh nở rồi và điều đó đã biến tôi thành một bà mẹ, dù con tôi không sống được.

Một đêm ở tuần thứ 24, tôi gặp ác mộng. Tôi chảy máu và em bé không cử động nữa. Tỉnh dậy đầy run rẩy, tôi lạnh toát mà lại vã mồ hôi. Chỉ an tâm trở lại khi thấy rằng con vẫn đạp. Tôi lo sợ vô cùng vì đây chính là thời điểm tôi từng mất Elodie.

Đi qua được mốc này giống như nhấc được đá tảng đè trên vai. Chúng tôi đã đi qua giới hạn những gì từng trải qua, tôi chưa bao giờ mang thai được đến giai đoạn này.

Vợ chồng tôi bắt đầu thảo luận xem nên đặt tên con là gì, và nghĩ đến chuyện trang trí phòng em bé. Cuối cùng chúng tôi cũng cho phép mình tin rằng hai vợ chồng sắp có con. Lần đầu tiên tôi cảm thấy hào hứng và hình dung con trông sẽ thế nào.

Tháng 5, 2015

Sau vài tuần được an tâm, vui vẻ (hình ảnh mới nhất cho thấy em bé phát triển tốt và thậm  chí đã có rất nhiều tóc), ở tháng thứ bảy, kết quả xét nghiệm cho thấy tôi bị tiểu đường thai kỳ.

Tôi vẫn luôn nằm trong nhóm thai phụ nhiều nguy cơ do tuổi tác, đến giờ nguy cơ của tôi lại còn cao hơn và phải vào viện khám mỗi ngày. Cứ như tôi mắc phải lời nguyền. Thật không công bằng. Lo lắng bắt đầu quay trở lại khi những gì tôi nghe được là tiểu đường có thể làm thai nhi phát triển quá to và tăng nguy cơ chết lưu.

Rồi điều tồi tệ nhất cũng đến. Vì nguy cơ thai chết lưu, tôi phải sinh con ở tuần thứ 38. Ngay lập tức tôi hồi tưởng đến lần sinh Elodie, đầy tàn bạo và man rợ. Vì con bé chết trong bụng mẹ nên phải đẩy nó ra ngoài. Rất đau đớn. Ban đầu là cơn đau chính xác của việc chuyển dạ, rồi tôi chảy máu, bong nhau thai, mất máu ồ ạt. Tất cả nằm ngoài tầm kiểm soát, tôi thậm chí còn bị ảo giác.

Khi đề cập đến chuyện sinh Elodie lần trước với bác sĩ, tôi được tấn an rằng loại thuốc thúc thai ra lần trước tôi dùng chỉ được chỉ định cho những trường hợp thai đã chết lưu, và thuốc này gây đau đớn rất nhiều. Một cuộc sinh nở bình thường sẽ không như vậy. Sẽ dễ hơn nhiều và sẽ nhanh thôi.

Tháng 6, 2015

Ngày 26, sớm hơn 1 tháng so với ngày dự sinh, tôi nhận thấy bị rò nước ối. Bệnh viện yêu cầu tôi đến ngay kiểm tra. Bác sĩ cho biết vì nguy cơ nhiễm trùng, tôi cần sinh ngay trong tuần này. Tôi mất ngủ cả đêm trên băng-ca trong phòng xét nghiệm.

Sáng hôm sau, thật may là đã có giường trống trong phòng sinh. Sau 3 giờ rất nhanh, rất đau đớn, tôi cuối cùng cũng sinh con.

7.30 sáng Chủ Nhật, 28/6, Sidonie Jessica, con gái chúng tôi ra đời.

Nhưng sau đó, khoảng 12 y bác sĩ lao vào phòng, vây quanh con bé. Vì sinh non nên phổi con bé có vấn đề. Ngay lập tức người ta đưa nó băng qua dãy hành lang để đến khu chăm sóc tích cực sơ sinh, tôi thậm chí còn chưa được ôm nó.

Tôi hoảng loạn, sợ hãi cùng kiệt sức và lảo đảo. 3 đêm rồi tôi không ngủ. Mọi chuyện vừa như một giấc mơ. Tôi rất yếu, tôi không thể chịu đựng thêm được nên chìm vào ngủ trong vài giờ, tỉnh dậy trong cảm giác tội lỗi. Vài giờ sau tôi mới lại được nhìn thấy con, trong lồng kính, gắn liền với dây dợ và được cho ăn bằng ống. Tim tôi tan nát khi phải nhìn con như vậy, nhưng bác sĩ nói rằng rồi sẽ ổn thôi.

Hôm nay

Sidonie đã được hơn 4 tháng, ngày càng đáng yêu. Con bé rồi sẽ biết ngồi, và cả biết bò nữa. Có con bé khiến nỗi đau mất Elodie và những đứa con khác của tôi nguôi ngoai hơn. Nhìn con bé lớn lên chúng tôi càng thấy rõ những gì mình đã mất. Nhưng chúng tôi có một kết thúc có hậu, và hạnh phúc vì mình đã không từ bỏ.

Huyền Anh
Theo Dailymail

 

Nhật ký mẹ bầu 43 tuổi từng mất 3 con, sảy thai 2 lần - 3