Nhà nghèo

(Dân trí) - Chiều ấy đi làm về, thu quần áo của con mang đi ngâm, chị bỗng thấy nhiều tờ tiền màu xanh lá cây thò ra. “Bảy trăm ngàn”, chị tái mặt, thừ ra mất vài giây, rồi mới giật giọng gọi con.

Chồng con thế, ai mà không thương không yêu.

Chồng con thế, ai mà không thương không yêu.

Nhìn thái độ của mẹ thằng bé cũng hoảng theo, vội thanh minh: “Con đi học về từ ba giờ, đứng chơi ở sân thì thấy tiền rơi, sợ gió cuốn nên con nhặt gọn để vào túi”.

Giọng chị run run: “Con tiêu đồng nào chưa? Mà lấy của ai, ở đâu thì bảo thật mẹ, để sang trả rồi xin lỗi người ta”. Mặt thằng bé nhăn nhó đau khổ, vẫn khăng khăng: “Con nhặt được trên sân thật mà”.

Chị kéo nó đi suốt gần hai chục nhà trọ xung quanh hỏi thăm xem có ai mất hay đánh rơi tiền, mà lạ cái chẳng thấy ai kêu. Chị quát: “Nhà này nghèo thật nhưng cũng không thể chứa chấp đứa ăn cắp và những thứ chôm chỉa được”.

Chị trào nước mắt vì cảm giác bất lực không dạy nổi con, liền tức tối đánh chửi nó ầm xóm, bố nó về nghe chuyện cũng sôi tiết, tẩn cho trận khác, đến vài hôm sau lại nhiếc cho thêm phen nữa, vẫn thấy ngứa mắt và nhục nhã vì thằng con. Muốn tin nó lắm mà mọi việc cứ sờ sờ ra, quá là xấu hổ. Số tiền ấy chị cất đi để ai kêu mất thì trả.

Mãi gần tháng sau lúc bà chủ đi thu tiền nhà, cô gái nhà bên mới lí nhí xin khất vì tháng trước lơ đễnh rút lương hơn một triệu để trong túi mà rơi đâu mất bảy trăm. Bà chủ nhà sực nhớ: “Toàn tờ một trăm à?” Con bé ngơ ngác gật, bà liền chỉ sang nhà chị.

Chị vừa đưa tiền vừa mắng con bé một trận to. Lại ứa nước mắt, thương thằng con bị đánh oan, bị nghi ngờ, dằn hắt suốt những ngày qua. Cô gái thành thật xin lỗi: “Em đã sống quá bàng quan, cứ đi làm về mệt là đóng chặt cửa”. Đúng thật là cô ấy chẳng giao du với ai bao giờ, làm ca về sớm là phóng xe về quê, khéo có mỗi bà chủ nhà biết tên. Anh chị cùng xin lỗi con, chị thở phào vì nỗi lo cánh cánh đã qua.

Chồng chị trước học sư phạm, ra làm giáo viên dạy Vật lý, mãi chẳng được vào biên chế, “Tiền đâu mà đòi đi thi công chức”. Anh làm hợp đồng, đến khi trường đủ chỉ tiêu thì lại cho nghỉ. Anh về nhà lang thang, hụt hẫng, vì vợ vì con nên không thể để mình được đứng yên, cứ đều đặn sáu tháng một lần đi gửi bộ hồ sơ mới ở sở giáo dục đào tạo tỉnh, hi vọng còn có trường nào đó cần. Đồng thời, anh khéo tay nên tính đi làm thợ sửa xe, nhưng chẳng đủ vốn để mở rộng, thuê địa điểm nên cũng ít khách, đành xin đi làm công nhân.

Nhưng vẫn nhớ những ngày trên bục giảng, nên anh cứ ôm theo cặp đi, bên trong để ít sách, rồi để hợp đồng thử việc, sách về an toàn lao động và nội quy công ty... mấy ngày đầu chưa quen với việc ngồi lì tám tiếng, vận động mỗi đôi tay, không có lúc nào ngơi, chỉ có một tiếng buổi trưa để ngủ vạ vật nên anh có vẻ mệt mỏi. Lại nhớ những xưa bóng bẩy, ra đường khối người gọi bằng thầy thật nhưng lương thì vẫn phải trầy trật, gom góp mới đủ sống, tính ra cũng bằng mức anh công nhân hiện giờ.

Tháng đầu anh hãnh diện đưa toàn bộ lương cho vợ, vì lương cao hơn lương cũ. Chị biết anh vất vả, nên đưa lại cho anh một ít, anh lại chỉ lấy có nửa chỗ ấy. Những tháng tiếp theo, anh luôn khoe “làm dư sản lượng nên được thưởng”, chị khẽ đáp “vâng”. Anh nói tiếp “Tháng này anh lấy tiêu vặt một triệu nhé”, chị mỉm cười gật đầu. Song chị vô tình phát hiện bảng lương mà anh cố giấu. Thì anh chỉ cầm đúng ba trăm nghìn để phòng thân mà thôi.

Chị luôn cố gắng và cầu mong sao anh sẽ không biết được rằng vợ biết anh có mức lương như vậy. Sợ anh tự ti, chị luôn tỏ ra mình ổn, bên cạnh đó động viên chồng giữ gìn sức khỏe, dành thời gian về làm thầy giáo của con trai là tốt lắm rồi. Chồng và con như thế ai mà không thương không yêu.

TSL