Nguy cơ “tình cũ”

“Tình cũ, rũ không được”. “Tình cũ không rủ cũng tới”. Hai câu ngạn ngữ nói trên nghiêng về đàn bà và đó là nguy cơ thực sự của tình yêu.

Đàn bà ôm ấp quá lâu kỷ niệm về người tình cũ, nhất là những kỷ niệm ngọt ngào và lãng mạn. Khi cuộc sống hiện tại có chút trục trặc là họ lại hoài nhớ những kỷ niệm đó. "Con cá mất là con cá to" và lúc ấy chỉ cần một cuộc điện thoại, thậm chí chỉ một tin nhắn là đủ để họ nhảy sang ao, đầm khác để gặp lại "con cá ngày xưa".

Nguy cơ “tình cũ” - 1

Đàn bà ôm ấp quá lâu kỷ niệm về người tình cũ, nhất là những kỷ niệm ngọt ngào và lãng mạn. Ảnh minh họa

 

Hòa vô tình gặp lại Hiếu ở công trường xây dựng gần cổng trường con trai cô đang học. Hiếu là chỉ huy trưởng công trình ở đó. Mặc dù cuộc gặp gỡ ngắn ngủi chỉ diễn ra trong vài phút, mặc dù đứng cách xa một cánh tay với nhưng Hòa vẫn ngửi thấy mùi mồ hôi quen thuộc của "người cũ", vẫn tưởng tượng ra khuôn ngực vạm vỡ, cánh tay rắn rỏi mỗi khi ôm ghì cô trong vòng tay.

Hiếu hỏi Hòa: "Em hạnh phúc không?". Hòa không nói gì, mặt hơi cúi xuống, khuôn miệng hơi nhếch cười chua chát. Chỉ cần cử chỉ ấy thôi, Hiếu đã phần nào hiểu được cuộc sống hiện tại của Hòa.

Ngay tối hôm ấy, Hiếu nhắn tin cho Hòa. Trước khi nói lời tạm biệt, Hiếu còn cài cắm câu thăm dò: "Thôi em vào ngủ đi không ông xã lại chờ". "Không. Giờ này anh ấy đã về đâu. Ngày nào cũng như ngày nào. Về đến nhà là say khướt".

Những gã đàn ông tham lam rất biết lợi dụng tâm lý "tình cũ không rủ cũng tới" của đàn bà. Có thể lúc này anh ta không còn yêu người đàn bà cũ nữa nhưng cũng vẫn muốn tìm lại "cảm giác xưa cũ" xem như thế nào. Phải là người thật sự có văn hóa và bản lĩnh mới biết sống không lợi dụng người khác. Hiếu không phải là người bản lĩnh lại tham lam nên Hòa không thể không vướng vào lưới "tình cũ" và "cháy" hết mình với người đàn ông một thời của mình mà quên cả gia đình hiện tại.

Đem tình yêu so sánh với đời sống vợ chồng là một sự so sánh khập khiễng. Tình yêu nhiều mộng mơ hơn hiện thực, còn cuộc sống vợ chồng thì hiện thực hơn mơ mộng. Tình yêu được ví như rượu vang còn vợ chồng thì như nước lọc. Mà đàn bà lại hay so sánh kiểu khập khiễng thế.

Khi nghe "tình cũ" ca lại bài ca tình yêu mùi mẫn, lẽ ra đàn bà có thể hỏi: "Anh yêu em thế sao ngày xưa không cưới em?", song đàn bà không nghĩ ra được câu hỏi đó vì tư duy của họ không phải là thứ tư duy logic kiểu như đàn ông. Đàn bà sống duy tình, chỉ cần được yêu thôi, thế là đủ rồi. Còn đàn ông lại nghĩ khác. Tình yêu sống trong trái tim nhưng không thể sống bằng hai trái tim mà còn cần phải có gì đó đảm bảo cho hai trái tim tồn tại. Đó là cách tư duy logic của đàn ông.

Riêng cách tư duy của hai giới đã khác nhau rồi, do đó sự trục trặc trong đời sống vợ chồng là chuyện khó tránh. Song nếu đời sống vợ chồng cứ có trục trặc, đàn bà lại ôm ấp những kỷ niệm xưa cũ thì thật sự nguy hiểm.

Nguy cơ “tình cũ” - 2

Đàn ông tất thảy đều ích kỷ trong tình yêu. Ảnh minh họa

 

Đàn ông tất thảy đều ích kỷ trong tình yêu. Họ sẽ vô cùng đau khổ và ghen tuông khi biết rằng người đàn bà của mình đang ôm ấp kỷ niệm xưa cũ. Đàn ông rất tinh và nhạy cảm. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt và thái độ nghe điện thoại của vợ là người đàn ông biết ai gọi điện tới và họ nói gì. 

Nếu họ biết được ánh mắt long lanh của vợ khi nghe điện thoại của "tình cũ" thì sẽ có hai tình huống: Hoặc là sẽ ghen tuông ầm ĩ, ngăn cấm, yêu cầu vợ chặn số điện thoại của "tình cũ", hoặc là sẽ im lặng để tỏ ra mình cao thượng. Tuy vậy, dù ở tình huống nào thì trái tim đàn ông cũng đang rỉ máu, trừ trường hợp anh ta không yêu vợ.

Theo Minh Châu

Gia đình và Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm