Người già cô đơn
(Dân trí) - Ông mất cách đây đã mấy năm, còn lại một mình bà trong căn nhà nhỏ trên khu đất cao. Bốn ngôi nhà xung quanh không còn một người nào cả, đều là những mảnh đất hoang khi chủ nhân đã lần lượt về cội.
Bà có đến tận sáu người con, nhưng ở tuổi cần đến con cháu nhất, thì bà vẫn chỉ đơn bóng một mình. Thi thoảng chạy xe qua nhà bà, tôi đều thấy xót xa khi thấy dáng một người đã ở tuổi xế chiều, hiu quạnh bên ô cửa sổ, hai mắt nhìn xa xăm với những suy nghĩ không rõ thành lời, chẳng xâu được thành ý.
Tôi hỏi bà sao không bật ti vi lên xem cho đỡ buồn. Bà bảo bà xem mãi cũng thấy chán, chẳng có gì hay cả.
Tôi hỏi bà sao không dọn về nhà cô chú nào ở cùng cho vui. Bà bảo bà cũng muốn lắm, nhưng nhà hai đứa con gái thì không ở được rồi. Còn nhà bốn anh con trai thì có đến ba anh đã đi xuất khẩu lao động, bà chẳng thể ở cùng với các cô con dâu được, ai cũng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Còn một anh thứ thì bảo đón mẹ về, rồi làm cho mẹ cái nhà tạm ở riêng bên cạnh, để mẹ tự cơm nước cho thoải mái.
Nói đến thế rồi, bà chỉ còn biết ngậm ngùi: “Đằng nào cũng phải ở riêng, thì bà ở đây còn gần ông hơn cháu ạ”.
Người già mà, đôi khi họ hay chạnh lòng lắm, nên chỉ cần xa xôi một chút thôi, là họ đủ hiểu được ai muốn mình ở gần hay không. Nói xong, bà lại chìm vào im lặng. Bây giờ mà làm tội con cháu phải nuôi bà, nặng gánh suy nghĩ vì bà, bà thật sự cũng không cam. Nên bà, cuối cùng, bất đắc dĩ phải chọn cách ở một mình, như là vẫn khỏe mạnh lắm.
Thật ra, điều bà cần chỉ là những bữa cơm được sum vầy bên con cháu, chứ không phải là cái điều hòa vô tri vô giác con cái chung nhau lắp cho bà vì sợ bà bị nóng, cái tủ lạnh xa hoa mà ở thời bà chẳng bao giờ cần dùng đến, hay cái ti vi to đùng có bao nhiêu người ngồi nói chuyện với nhau nhưng chẳng ai nghe bà nói, cũng không phải là đôi ba gói bánh, hộp sữa lâu ngày đứa này đứa kia thay nhau gửi về. Bà cũng chả cần mặc đẹp cho ai ngắm, chả cần lễ nghĩa chi cho phức tạp ngày này ngày khác…
Bà vẫn còn dư sức tự chăm sóc bản thân, vẫn có thể nấu cơm, kho thịt cá, và chăm vườn. Những luống rau, giàn mướp của bà lúc nào cũng thẳng tắp, trĩu quả. Con cháu thi thoảng lại chạy qua đánh một ít về nhà ăn. Mỗi khi như thế, bà vui lắm, vì ít ra bà vẫn còn giúp ích được gì đó cho các con. Nhưng chỉ được đôi ba lúc thôi, rồi toàn bộ không gian quanh bà lại rơi vào một trạng thái tĩnh mịch đến vô cùng.
Bà già rồi, bà còn có những nỗi sợ không tên mỗi đêm về. Bà sợ những âm thanh loạt xoạt khi gió lùa qua vườn cây sát bên phòng, vì cứ tưởng tượng có ai về thăm. Những đêm rằm hay mùng một, bà thức trọn. Đèn điện bật sáng trưng, nhưng bà vẫn run người cầu mong có đứa nào thương mẹ đến ngủ cùng. Những người già bầu bạn với bà ở quanh đây, họ đều đã bỏ bà ở lại một mình. Ông cũng đã không còn.
Hai cô con gái của bà cũng thương mẹ. Nên cứ tranh thủ được tuần vài ba đêm lại thay nhau sang ở cùng với ba. Nhưng rồi cũng bữa được bữa không, vì hai cô còn bận việc nhà mình nữa. Những đêm có con gái nằm cạnh bên, bà ngủ say một giấc từ tối đến sáng, thậm chí còn kéo gỗ một vài khi. Nhưng chỉ cần vắng họ, là bà trằn trọc cả đêm, thao thức, sợ hãi…
Rồi cũng đến lúc chẳng ai phải đùn đẩy trách nhiệm cho ai nữa. Ngọn đèn leo lắt trước gió bị thổi tắt. Bà đi. Con cháu khóc than vang trời, bảo ước gì mẹ sống nhiều thêm một chút để có dịp được báo hiếu.
Nghe chua chát thật đấy, đến mức chỉ muốn hỏi một câu, họ đã bao giờ thật sự nghĩ đến việc mình phải báo hiếu như thế nào hay chưa?
Linh