Nghệ thuật... cãi nhau
(Dân trí) - Tranh cãi và giận dỗi là một trong những “hương vị” tất yếu của tình yêu. Những cuộc cãi cọ bình thường rất ít khi gây ra đổ vỡ tình cảm. Do vậy bạn không cần ngạc nhiên khi biết có những quy luật biến “chiến tranh” thành “liều thuốc” cải thiện mối quan hệ.
1. Không mất bình tĩnh
Điều hay làm: Trong cơn giận dữ, mọi người “thẳng miệng” lăng mạ nhau, nói những lời lẽ xúc xiểm có sức gây tổn thương to lớn mặc dù chính họ không muốn làm như thế.
Điều nên làm: Không tấn công người ấy bằng những lời nói không đẹp.Nên tập trung vào vấn đề bạn đang cố gắng hàn gắn. Hãy đảm bảo rằng cuộc chiến không kết thúc trong thù hận đến nỗi “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”.
2. Không “đi chệch hướng”
Điều hay làm: Phụ nữ mỗi khi tranh cãi thường biến cuộc thảo luận thành dỗi hờn và nước mắt. Thế là “lạc đề” rồi.
Điều nên làm: Hãy xác định rõ bạn đang tranh cãi vấn đề gì. Thành thực nói lên điều khiến bạn chưa hài lòng và cố gắng giải quyết. Nhớ rằng nếu cứ mải mê tranh cãi và giữ khư khư ý kiến của mình, hai bạn rất khó tìm ra giải pháp thích hợp.
3. Không vòng vo
Điều hay làm: Cãi nhau mà không biết điều mình muốn đạt được, bạn cứ nói dài dòng mà không biết khi nào dừng lại.
Điều nên làm: Nhận biết mình là người khởi đầu thảo luận, hãy cố đạt được mục đích trước khi đưa nó đi xa hơn. Nghĩ về kết quả cuối cùng, có thể ở một mức độ nào đó bạn hài lòng. Nhờ vậy, nếu chẳng may nổ ra khẩu chiến, bạn vẫn biết mục đích nói của mình là gì và đạt được sự thỏa thuận làm vừa lòng cả hai bên.
4. Nói lời xin lỗi
Điều hay làm: Lấy cớ tranh cãi làm nguyên nhân hai bạn giận nhau.
Điều nên làm: Một khi hai bạn đi đến sự đồng thuận, một lời nói xin lỗi rất cần thiết trong tình huống này. “Xin lỗi” sẽ có ý nghĩa rất nhiều với người ấy, đặc biệt giúp quan hệ của hai bạn gắn bó hơn.
5. Không cãi nhau trước mặt bọn trẻ
Điều hay làm: Tức tối điều gì đó và bắt đầu la mắng bạn đời thậm chí khi lũ trẻ ở đó.
Điều nên làm: Cho dù vấn đề có nghiêm trọng đến mức nào, bạn cũng nên để sau khi bọn trẻ đã ngủ. Gây gổ trước mặt con cái là hành động không tốt, rất dễ làm lũ trẻ tổn thương về mặt tâm lý, đặc biệt nếu xảy ra thường xuyên.
Ngoài ra, chờ đợi cũng giúp bạn “hạ hỏa” hơn và tranh cãi đỡ “căng thẳng”.
6. Cãi nhau trong tình trạng say xỉn
Điều hay làm: Bạn ra ngoài uống một vài cốc và trở về nhà cãi cọ với bạn đời chỉ vì chuyện lặt vặt.
Điều nên làm: Nếu khó chịu vấn đề gì đó trong tình trạng ngà ngà say, tốt hơn hết nên ngừng tranh cãi và đợi một dịp khác nói chuyện. Thông thường, những vụ cãi nhau bất thường xảy ra khi có tác động của “ma men” và không đem lại gì ngoài những kết quả tệ hơn bạn có thể tưởng tượng.
7. Ngồi xuống và trò chuyện
Điều hay làm: Đi khắp nhà cãi nhau, và không bao giờ đứng một chỗ nhất định.
Điều nên làm: Hãy ngồi xuống và bình tĩnh thảo luận vấn đề. Bằng cách nhìn vào mắt nhau, bạn sẽ không phải nói lên điều gì đáng tiếc, cũng như ít có xu hướng “đụng tay đụng chân”. Cuộc tranh cãi sẽ mau chóng kết thúc trong hòa bình.
8. Nghỉ xả hơi
Điều hay làm: La hét, mắng mỏ cho đến khi “mệt bở hơi tai” và mọi chuyện lại tiếp diễn như thế vài giờ liền.
Điều nên làm: Ngừng la mắng để “nghỉ giải lao” đôi chút. Thật tốt khi hai bạn thỏa thuận tạm ngừng tranh cãi và sẽ trở lại vấn đề này sau một vài giờ, thậm chí là hôm sau. Điều duy nhất bạn phải nhớ là dứt khoát giải quyết vấn đề. Tạm dừng “khẩu chiến” không phải lời tuyên bố vĩnh viễn “giã từ vũ khí”.
Ngọc Linh
Theo Goodtoknow