Nghe bố mẹ chồng công bố di chúc, vợ tỏ thái độ khiến tôi ái ngại

Giang Hà

(Dân trí) - Tôi định cất lời rằng, đất của bố mẹ, bố mẹ cho ai cũng được, chúng tôi không ý kiến gì. Nhưng tôi chưa kịp cất lời, vợ tôi đã lên tiếng, giọng cô ấy không nhẹ nhàng như mọi khi.

Vợ chồng tôi năm nay 40 tuổi, xuất thân từ hai tỉnh lẻ khác nhau, cưới nhau khi cả hai đã ổn định công việc. Sau 5 năm đi làm thuê, vợ chồng tôi quyết định tự kinh doanh riêng. Đến nay, không thể gọi là quá giàu có nhưng không phải lo lắng nhiều về tiền bạc.

Vợ tôi không xinh đẹp nhưng tháo vát, giỏi giang. 10 năm sống chung, việc công việc tư cô ấy đều hoàn thành xuất sắc. Về đối nội đối ngoại, cô ấy đều rất công bằng. Thậm chí, vợ tôi còn ưu tiên cho bên nội nhiều hơn vì theo lời cô ấy, ông bà ngoại đều có lương hưu, không như ông bà nội, thu nhập chỉ nhìn vào ruộng vườn và vài con gà, con lợn.

Tôi có đứa em trai, thua tôi 10 tuổi, vừa lấy vợ năm ngoái, ở chung với bố mẹ. Em tôi từ nhỏ đã ham chơi, lười học. Tốt nghiệp cấp 3, em đi học nghề sửa chữa điện lạnh, thu nhập thất thường. Vợ em làm công nhân may cho một xưởng may gia công gần nhà, lương cũng rất bèo bọt.

Nghe bố mẹ chồng công bố di chúc, vợ tỏ thái độ khiến tôi ái ngại - 1
Vợ tôi phản đối mong muốn của bố mẹ bằng thái độ gay gắt khiến tôi bất ngờ (Ảnh minh họa: The Asianparent).

Là con cả, lại có điều kiện kinh tế khá giả hơn, tôi tự nghĩ mình phải có trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ. Trong nhà, bố mẹ cần gì tôi đều gửi tiền về mua sắm cho ông bà. Kể cả muốn sửa lại nhà, làm lại cái sân cũng là tôi lo hết. Tất nhiên, mọi chuyện tôi đều thông qua với vợ, không giấu giếm.

Năm ngoái, bố tôi phát hiện trọng bệnh, chi phí thuốc men cũng khá nhiều. Vợ tôi nói, chúng tôi ở xa, việc có thể làm chỉ là gửi tiền về cho ông bà. Chú thím ở gần, khi ông bà ốm đau có thể kề cận chăm lo. Người góp của, người góp công, như vậy cũng công bằng. Tôi rất vui vì vợ tôi luôn tỏ ra là nàng dâu hiểu chuyện.

Cuối tuần vừa rồi, bố mẹ gọi vợ chồng tôi về họp gia đình. Cuộc họp gồm có bố mẹ, vợ chồng tôi và vợ chồng em trai. Mẹ tôi nói bố đã yếu rồi, cũng không biết sống được bao lâu. Khi còn tỉnh táo, ông muốn viết di chúc để lại.

Ông bà đã bàn bạc với nhau, cả đời ông bà làm nông, tài sản tích lũy không có gì ngoài 200m2 đất đang ở. Tại thành phố, diện tích ấy có thể là to, nhưng ở nông thôn thì là chật hẹp. Nhà phải có sân, có chút vườn trồng rau, nếu chia đôi mảnh đất thì quá nhỏ.

Bố mẹ xét thấy vợ chồng chúng tôi đã có nhà cao cửa rộng ở thành phố, kinh tế cũng rất tốt, tương lai chắc không về quê ở. Vậy nên, ông bà muốn sang tên ngôi nhà đang ở cho vợ chồng chú thím. Xét cho cùng, vợ chồng chú hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều, lại đảm nhận chăm sóc ông bà vì ở chung. Bố mẹ thông qua tình hình như vậy, hỏi vợ chồng tôi có ý kiến gì không?

Tôi tất nhiên không có ý kiến gì bởi trong suy nghĩ, tôi chưa từng tơ hào gì về đất đai của bố mẹ. Hơn nữa, đúng như bố mẹ nói, tương lai vợ chồng tôi có lẽ cũng không về đây ở, cứ giao đất đai nhà cửa cho chú cũng được.

Tôi định cất lời tán thành ý kiến mẹ vừa nêu. Nhưng tôi chưa kịp nói, vợ tôi đã lên tiếng, giọng cô ấy không nhẹ nhàng như mọi khi.

Vợ tôi không đồng tình với quyết định này. Cô ấy bảo, chúng tôi ở xa, việc thăm nom bố mẹ không thể chu đáo, nhưng chúng tôi vẫn luôn có trách nhiệm chăm lo cho ông bà về tiền bạc. Vợ chồng em bỏ công, vợ chồng tôi bỏ của, trách nhiệm đều như nhau, quyền lợi cũng cần được hưởng như nhau.

"Theo con, đã là bố mẹ thì phải công bằng. Nhà có hai đứa con, đã không cho ai thì thôi, đã cho thì phải chia đều, không so tính đứa giàu, đứa nghèo. Huống hồ, chúng con khá giả cũng là do chúng con tự phấn đấu nỗ lực mà có, không phải do bố mẹ cho", vợ tôi nói.

Cả nhà im lặng, không ai nói thêm một câu nào. Có lẽ ai cũng bất ngờ, không lường trước tình huống này sẽ xảy ra, kể cả tôi. Tôi quyết định phá tan bầu không khí, nói rằng đất là của bố mẹ, bố mẹ cho ai là quyền của bố mẹ, chúng tôi không có ý kiến. Nói xong, tôi kéo tay vợ tôi ra ngoài.

Tôi biết, vợ tôi không vô lý nhưng cũng nên xét theo hoàn cảnh. Phản ứng của cô ấy vừa rồi rất không hay, có thể làm sứt mẻ tình cảm gia đình, phá vỡ hình ảnh người con dâu, người chị dâu tốt đẹp bao năm qua. Chúng ta có thể đòi hỏi công bằng ở bên ngoài, còn người một nhà với nhau, đâu cần cái gì cũng phải làm phép tính phân chia rạch ròi như vậy.

Tôi định nói cho vợ hiểu tâm lý của ông bà nhưng cô ấy không chịu nghe, một mực cho rằng ông bà không công bằng trong đối xử.

Vợ tôi xưa nay vẫn là người phóng khoáng, với bố mẹ và em chồng chưa từng so đo tính toán điều gì. Chúng tôi có nhà, có xe, tiền bạc cũng không thiếu thốn, hà cớ gì cô ấy phải căng thẳng chỉ để được chia 100m2 đất nơi miền quê nghèo khó này?

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.