Tôi không thấy vui khi con riêng của chồng thương tôi hơn mẹ đẻ

Như Ý Cát Tường

(Dân trí) - Xưa giờ, tôi giấu con về mẹ đẻ, để con nghe được câu chuyện này thông qua cách nhìn nhận của người khác thật sự không phải là ý hay.

Thời điểm gặp tôi, Toàn đang một mình nuôi con gái 8 tuổi. Vợ anh buôn bán vướng phải nợ nần, trốn đi biệt tích từ lúc con gái lên 3. Đến năm con bé hơn 7 tuổi, chị quay về đề nghị anh ly hôn. Con nhỏ vẫn để anh nuôi vì chị đã có người đàn ông khác.

Ban đầu chúng tôi chỉ làm bạn, sẻ chia, đồng cảm. Anh tin tưởng kể tôi nghe chuyện đời anh, cuộc sống hàng ngày của bố con anh.

Trong các câu chuyện anh kể, chưa bao giờ tôi nghe anh bày tỏ thái độ chê bai, trách móc vợ cũ. Điều này khiến tôi tôn trọng và đánh giá cao về anh. Người có đủ bao dung với người khác chắc hẳn là người mạnh mẽ và đáng tin cậy.

Từ nể trọng, ngưỡng mộ, dần dần tôi yêu anh lúc nào không hay. Anh dặn tôi không nên cho con gái anh biết những điều không hay, tiêu cực về mẹ. Anh muốn con gái được lớn lên với tâm hồn trong sáng, bình yên, không oán hận.

Tôi không thấy vui khi con riêng của chồng thương tôi hơn mẹ đẻ - 1

Tôi luôn cố gắng đối xử tốt với con riêng của chồng (Ảnh minh họa: KD).

Con gái anh tên là Nhi, 9 tuổi, là đứa trẻ hiền hòa và nhạy cảm, ít nói, ít cười nhưng rất biết quan tâm người khác. Tôi yêu chồng và yêu con của anh bằng tình cảm đơn thuần nhất của tôi, cũng hy vọng cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ là cô gái còn rất trẻ, mới 25 tuổi, bỗng dưng về làm mẹ của đứa nhỏ lên 10 quả thực không phải chuyện đơn giản.

Thời điểm đầu mới về, Nhi rất khép nép, khó gần. Con chỉ gọi tôi là cô giống như cách con gọi tôi từ thời mới gặp và nhất quyết không thay đổi cho dù lúc này, tôi đã chính thức làm vợ của bố con bé. Tôi nhắc anh cứ để con tự nhiên, không nên bắt ép khiến con không thoải mái.

Thông qua chồng, tôi tìm hiểu thói quen, sở thích của Nhi, thích ăn gì, thích làm gì vào ngày nghỉ, thích học môn gì, bạn bè thân là ai... Tất tật mọi thứ mà anh có thể biết về con, tôi đều để tâm nhớ hết.

Sự cố gắng và tình cảm chân thành của tôi dần dần chạm được vào trái tim con. Con thích nói chuyện với tôi đủ thứ trên đời, còn muốn tôi đi dự sinh nhật bạn thân cùng lớp. Khi tôi mang bầu em bé, tôi hỏi Nhi muốn đặt tên em là gì. Vợ chồng tôi cho con chọn ra cái tên con thích nhất trong danh sách mà tôi và chồng đã lựa.

Hơn hai năm sau, đánh dấu mốc cho sự ghi nhận của con trong tình cảm với tôi, Nhi tự thay đổi, gọi tôi bằng mẹ. Trong suy nghĩ của tôi, điều quan trọng là con bé có yêu thương mình hay không, còn việc xưng hô suy cho cùng cũng chỉ là cách gọi. Tuy nhiên, tôi không tưởng tượng được mình đã hạnh phúc cỡ nào khi nghe được tiếng gọi mẹ của con.

Đó là thời điểm bé Bống bắt đầu tập nói, bập bẹ những tiếng gọi mẹ đầu tiên. Nhi rất thích em, dù bận học vẫn tranh thủ giúp tôi pha sữa, dọn nhà, Nhi ngoan ngoãn và hiểu chuyện vô cùng. Tình cảm của tôi với Nhi không còn là sự cố gắng, mà tôi yêu con bé thực lòng. Nhi cũng quý tôi nhưng vẫn gọi tôi là cô.

Khi Bống bập bẹ gọi mẹ, Nhi thích lắm, cưng nựng khen em đủ điều, sau đó ngập ngừng bảo tôi: "Con cũng muốn gọi cô là mẹ như em Bống".

Ngày đầu thay đổi xưng hô, tiếng gọi mẹ của Nhi mang dáng vẻ ngại ngừng, không quen nhưng lại khiến tôi cảm động muốn khóc. Tôi hạnh phúc kể lại với chồng. Anh ôm tôi rất chặt, có cảm giác anh còn xúc động mạnh hơn cả tôi.

Người đàn ông này tôi đã không chọn nhầm. Anh ấy sống tình cảm, có trách nhiệm, luôn tôn trọng và chung thủy, từ cách anh quan tâm tôi tới cách anh rõ ràng, mạch lạc với vợ cũ.

Nói về vợ cũ của anh, từ ngày lấy chồng, chị cũng qua chơi với Nhi hai lần nhưng vì thời gian xa cách quá lâu nên thái độ con bé thờ ơ, lạnh nhạt với mẹ đẻ. Vì chuyện này, tôi phải nhiều lần nói chuyện với Nhi, nhắc nhở con cách cư xử với mẹ đẻ. Sau đó, bặt tin một thời gian dài không thấy chị quay lại, tôi tưởng chị giận con bé nhưng hóa ra tôi hiểu lầm.

Cách đây vài hôm, vợ chồng tôi hay tin chị bị ung thư, tình trạng khá nguy hiểm. Chị muốn gặp con gái nhưng con bé nhất định không chịu đi thăm mẹ, dù bình thường con bé rất nghe lời. Gặng hỏi mãi nó mới lí nhí nói với tôi: "Con có mẹ là mẹ rồi. Bố mẹ không nói nhưng con biết hết. Cô ấy chưa bao giờ coi con là con cả".

Tôi giật mình với suy nghĩ của con bé. Con đã nghe được từ đâu, biết rõ đến đâu câu chuyện của người lớn? Nhi thông minh, hiểu chuyện nhưng vẫn chỉ là đứa trẻ, chưa thể có suy nghĩ trưởng thành như người lớn được. Tôi muốn con đi thăm mẹ đẻ của mình để sau này nghĩ lại, con không phải hối hận, đau lòng.

Tôi cảm thấy không vui, dù rằng được con ghi nhận và trân trọng. Tôi tự trách bản thân xưa giờ tìm cách giấu con câu chuyện về mẹ đẻ, để con nghe được câu chuyện này thông qua cách nhìn nhận của người khác thật sự không phải là ý hay. Thà cứ chủ động kể với con, hướng nó theo cách nhìn tích cực, có thể con sẽ có cái nhìn khác đi, bớt uất hận, sân si trong lòng.

Sau hôm đó, tôi tìm cách gần gũi, chuyện trò với con về lòng vị tha, về cội nguồn, gốc gác, về tình máu mủ không thể nào phủ nhận nhưng con chỉ im lặng. Tôi không biết trong cái đầu nhỏ bé đó đang suy nghĩ những gì.

Tôi biết trẻ con bây giờ khôn sớm. Chúng có chính kiến, có tư tưởng độc lập nhưng ở cái tuổi ương dở này, nếu khuyên nhủ không khéo thì không những không đem lại hiệu quả, mà còn khiến chúng xa cách mình hơn.

Nếu dùng thế mạnh của người làm cha mẹ, chúng tôi có thể bắt con theo ý muốn nhưng con sẽ không phục. Một lần không nghe lời sẽ dẫn tới nhiều lẫn cãi lại, tôi không muốn điều đó xảy ra.

Giờ tôi nên làm gì để thay đổi suy nghĩ và ý định của con đây?

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm