Ngại nỗi... ra Giêng

Người ta nói “ra Giêng ngày rộng tháng dài”, và cũng nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nhưng chẳng biết ai vui, ai rong chơi chứ với Hiền, ra Giêng thật bực bội và mỏi mệt.

 
Ngại nỗi... ra Giêng - 1


Đầu tiên là việc bội chi ngân sách trước Tết so với những khoản dự kiến. Từ tiền mua sắm trang trí nhà cửa đến tiền chợ, tiền lì xì… tất cả đều vượt mức đã định, khiến cho khoản tiền chi tiêu sau Tết bị tóp lại. Tiền tóp lại nhưng hình như mức chi tiêu vẫn trên đà ngựa phi. Những cuộc nhậu gia đình vẫn tiếp diễn, khiến Hiền đi chợ liên tục mà xót ruột. Ở chung với ba mẹ chồng, nên nhà Hiền cũng là “đại bản doanh” của các anh chị, các cháu. Đầu năm nhà nào cũng lười nấu nướng, cứ chạy sang ông bà cho tiện. Những đồ ăn ngày Tết còn nhiều nhưng ai cũng chê ngán, chê béo, chê dở. “Phải ăn những món chế biến sao cho đồ ăn còn tươi, món ăn còn nóng, nhiều rau xanh và hải sản mới được” - ba chồng dặn con dâu. Khổ nỗi, những món như thế mất công chế biến, ngốn thời gian và công sức không nhỏ, tiền chi ra cũng không ít.

  

Tiếp đến là việc bò lăn bò toài ra dọn dẹp. Trước Tết đã phải dọn nhà dọn cửa đến mệt nhoài, sau Tết cũng vẫn điệp khúc dọn cửa dọn nhà. Mấy ông anh bà chị ngày Tết hết karaoke lại ngồi “xòe bài” với nhau vẫn còn hứng, nên tiếp tục nhóm họp thâu đêm. Đồ ăn thức uống bày ra, trà, cà phê, trái cây... phục vụ cho những cuộc vui trở thành bãi chiến trường vào buổi sáng. Thế nên cả đêm đã oải vì cứ phải giật mình, ngủ không ngon giấc bởi những bản tình ca đủ loại, rồi những tiếng hò reo, đùa giỡn, thậm chí cả tiếng hô hoán, cãi cọ..., sáng ra Hiền vẫn phải dậy sớm để dọn dẹp ly tách, chén bát, vỏ lon, vỏ trái cây, kẹo bánh ăn dở... trước lúc đi làm. Đã thế, đám trẻ con trong nhà chưa chịu quen với nhịp sống bình thường, tối vẫn thức khuya, mấy anh chị em họ sàn sàn tuổi nhau cứ “xin chơi thêm tí nữa”, ầm ầm cả nhà. Hiền nhắc nhở thì ông bà nội lại bênh cháu, nói cho chúng nó thoải mái một tí, đầu năm đầu tháng lo gì chuyện học hành. Thế nên sáng ra chẳng đứa nào muốn dậy đi học, vừa ngủ nướng vừa lè nhè, sách vở thì cái thiếu cái đủ, mất bao nhiêu thời gian dỗ dành, nhắc nhở, nạt nộ.

 

Ra giêng cũng là lúc mẹ chồng Hiền bận đi hết chùa này đến chùa khác. Việc nhà bà giao phó cả cho Hiền với sự dễ dãi: “Cứ kệ đi con ạ, con không phải lo nhiều, ra giêng ngày rộng tháng dài, hơi đâu mà vội vàng”... Bà nói vậy chứ chiều nào đi làm về muộn, mẹ đi chùa chưa về, Hiền cũng phải vội vàng tất bật cơm nước cho cả nhà, rồi mới quay sang lo cho hai nhóc tắm rửa, học hành... Hôm nào Hiền cũng đến công ty với vẻ mặt phờ phạc, vội vàng, có lúc còn bị mặc nhầm... áo nọ váy kia, chẳng phù hợp tí nào.

 

Nhưng điều khiến Hiền ấm ức nhất không phải là chuyện bận rộn, mệt mỏi vì dư âm của cái Tết trong gia đình kéo dài quá mức, mà là sự… vô tư của ông chồng. Bởi vì chính Sang - chồng Hiền - là người cố tình kéo dài chương trình ăn chơi sau Tết, khi lôi kéo mọi người bằng tất cả nhiệt tình và sự vô tâm của người… nhàn rỗi. Tối nào không đi ăn nhậu khai trương, mở hàng, cúng tân niên lấy ngày... với các đối tác làm việc là anh “gầy độ” ở nhà. Tháng Giêng mà... Nghe chồng nghêu ngao câu đó mà Hiền chỉ thầm mong sao cho đến tháng hai.

 

Theo Thanh Niên