Mùa cưới

Mùa “viêm màng túi”

(Dân trí) - Cứ mỗi dịp cuối năm, khi uyên ương rủ nhau về làm tổ, lại thấy người ta hài hước chuyện “vé mời ăn tối”, “cơm bụi giá cao”, “trả nợ miệng”. Trong những câu đùa tếu táo không giấu nổi sự lo lắng sẽ mắc bệnh “viêm màng túi” kinh niên.

Từ công sở

 

Tốt nghiệp đại học, long đong mấy tháng Lan mới tìm được công việc ưng ý. Hí hửng từ nay không phải sử dụng quỹ học bổng “Bu ta chi”, Lan hào hứng gọi điện về nhà: “Con đã tìm được việc làm rồi, con tự lo được cho cuộc sống rồi, con sẽ “sống mãi với thủ đô” mẹ ạ”.

 

Sau hai tháng thử việc, mức lương tuy không cao nhưng đủ trang trải cho cuộc sống chốn thị thành. Những “phát súng” đầu tiên đã phát nổ khiến Lan choáng váng. Ba đứa bạn thân nhất thời phổ thông mời về “dự bữa cơm thân mật với gia đình”. 

 

Bấm đốt tay tính phong bì, Lan nhăn nhó: “Bạn thân, đi ít thì không được, đi nhiều cũng không xong. Ba đứa là coi như hết nửa tháng lương rồi, chưa kể tiền tàu xe, chi phí đi lại và phải xin nghỉ việc nữa. Nghỉ nhiều không biết có bị trừ lương không? Mà không biết còn bao nhiêu đứa nữa có ý định mời mình “bữa cơm thân mật” trong năm nay nữa?”.

 

Cùng chung tâm tư với Lan, Tùng, một “ma mới” trong làng nhân viên văn phòng trẻ cũng đang “tái xanh” với xuất lương vốn “gày còm” của mình. Đối mặt với mùa cưới, ví của Tùng “viêm” nặng. Dân ngoại tỉnh, mới ra trường, lo tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe, điện thoại, ăn uống… là đã “vỡ mặt” rồi, giờ lại thêm khoản phong bì mùa cưới.

 

Trước học 2 trường ĐH, sống ở KTX, lại làm công tác đoàn nên nhiều mối quan hệ, giờ đây trung bình mỗi tháng Tùng phải “chạy” khoảng 10 đám, cá biệt có ngày đẹp trời chạy đến ba bốn “sô”.

 

Cái chuyện mời cưới cũng lắm nực cười, nhiều khi cầm trên tay thiếp mời mà Tùng không nhớ nổi chủ nhân của nó là ai, hình dung mãi chẳng rõ mình quen họ qua những “cầu” nào. Đến khi dự đám cưới mới nhớ ra, hóa ra cô ấy ngày xưa là bạn của Trung, Trung là bạn của Dũng, Dũng cùng phòng KTX với Tùng! 

 

Nhận thiếp mời rồi, không đi không được. Bạn cùng phòng ký túc đi, bạn cùng lớp đi, bạn của bạn cũng đi… “Chao ôi, sao tôi nhiều bạn thế!”, đã có lúc Tùng phải thốt lên khi liên tiếp nhận được “thiệp hồng”. Tiền lương đã xin ứng trước, tiền nhà đã xin khất nợ, tháng này Tùng chắc phải gọi điện về cầu cứu bố mẹ.

 

… đến nông thôn

 

Chốn phồn hoa đô hội, nơi mà mọi người vẫn nghĩ “giàu nhà quê không bằng ngồi lê đường phố” đã vậy, về thăm mùa cưới chốn làng quê mới thật “lạnh người”.

 

Nơi đây, từng tấm “vé” mời cũng ẩn sau nó những âm mưu “chính trị”, những “đòn” người ta dành “chơi” nhau để thử “tiềm lực” kinh tế của đối phương.

 

Mới sáng ra ông Thành đã ngồi nhẩm tính, lần này nhà họ mời, mình phải “đáp lễ” cho cẩn thận, mình chỉ còn có cậu út nữa thôi, vài ba năm nữa còn “mở mày mở mặt” với họ. Suy đi tính lại rất lâu, ông gọi bà vào: “Bà xem mấy con gà, rồi lo cho tôi hai trăm tôi đi đám đằng nhà bác Thịnh!”.

 

“Gà nào? Tuần trước chẳng vừa bán đến con cuối cùng để lo tiền cho ông rồi còn gì nữa. Mà thôi ông ạ, đi năm chục thôi, người ta cũng “đi” vậy tất ấy mà”.

 

“Đúng là đàn bà, một hai trăm cái gì, còn cậu út nhà mình đấy, chẳng qua nó cũng là cái nợ đồng lần thôi, đi đâu mà thiệt. Thôi, bà gọi người vào bán bớt một ít thóc lo tiền cho tôi đi”.

 

“Mà cũng lạ cái nhà bác Thịnh, cả đời ra vào chạm mặt nhau chẳng thấy chào hỏi gì, giờ có việc lại mời mới chả mọc… Đến là buồn cười!”.

 

“Thế mới cao tay đấy bà ạ. Thời này người ta chuyển từ đối đầu sang đối thoại, chứ cứ chấp vặt nhau mãi làm gì. Biết thế này, hồi cưới con Mùi, tôi mời ông ấy, có phải đỡ bị người ta “đá lại” không. Xem ra ông ấy đã đi nước cờ cao hơn nhà mình rồi. Thôi, cũng là cơ hội để mình qua lại, hàn gắn”.

 

Chuyện gia đình là vậy, chuyện dòng họ còn ở tầm “vĩ mô” hơn. Trong làng không ai lạ gì họ Lê, đông con lắm cháu, lại có nền tảng kinh tế vững chắc nên làm gì cũng “hoành tráng”. Họ Đỗ yếu thế hơn nhưng không chịu kém cạnh. Hai họ vốn “bằng mặt nhưng không bằng lòng” nên mùa cưới đến chính là cơ hội để ăn miếng trả miếng.

 

Mùa cưới năm nay, họ Lê tổ chức cho 9 cháu. Để gây dựng thanh thế và “đo” đối thủ, họ đã nghĩ ra kế tổ chức liên tục các đám cưới trong vòng một tháng, chấp nhận vay mượn làm cho hoành tráng “lấy le” với các họ khác, đám nào cũng ngót nghét vài trăm mâm, tổ chức linh đình long trọng.

 

Họ mời tất cả bà con hàng xóm đến chung vui chúc mừng hạnh phúc các cháu, trong đó nhà họ Đỗ được “chăm sóc” cẩn thận nhất. Gần chục đám cưới trong vòng một tháng, đám sau linh đình hơn đám trước. Bà con ai cũng xôn xao, trước đám cưới lo tiền mừng, ăn cưới rồi lại lo làm sao để “trả nợ miệng” được cho các bác nhà họ Lê.

 

Đến đám cưới thứ 6 của nhà họ Lê thì ông Vĩnh, trưởng tộc họ Đỗ phải lắc đầu: “Các bác ấy làm long trọng quá, không biết bao giờ chúng tôi mới có dịp “đáp lễ” được”…

 

Đám cưới, sự kiện minh chứng cho một tình yêu đã chín. Sẽ còn không hạnh phúc trọn vẹn khi người ta lồng ghép vào đó những âm mưu, toan tính để “đo” nhau.

 

Hy vọng mùa cưới sẽ mãi là mùa hạnh phúc của không chỉ uyên ương mà của tất cả mọi người. Hy vọng không còn những ánh mắt lo âu, những tiếng thở dài vì kiếm tiền lo “cơm bụi giá cao” khi mỗi mùa cưới đến.

 

Thanh Phong

Dòng sự kiện: Mùa cưới