Mùa cưới

“Em - xi” đám cưới

(Dân trí) - Bản nhạc Weeding March nổi lên đầy kêu gọi, cô dâu chú rể long trọng bước vào. Tiếng chàng MC vang vang: “Chị Hương lấy được anh Hùng, bõ công trang điểm má hồng răng đen”. Cô dâu Quỳnh Hương đang cười vội vàng ngậm chặt miệng lại, mặt đỏ dần dưới lớp phấn trắng vì hàm răng cô quả thực… không được trắng lắm!

Câu lạc bộ bạn yêu thơ

 

Dân Việt Nam vốn yêu thơ, điều đó càng được khẳng định ở các lễ cưới. Các MC có tài “xuất khẩu thành thơ”, đặc biệt là thơ… không vần!

 

Anh Việt Cường, Kim Mã, vừa kể vừa cười: “Hôm thứ Bảy mình vừa đi đám cưới thằng bạn thời sinh viên bên Gia Lâm. Tất cả tổ chức đều ổn, trừ MC. Câu gì nói ra cũng thành thơ con cóc, cứ nói câu nào cả bàn tiệc lại bò ra cười.

 

Thằng bạn mình cao 1m55, trông loẻo khà loẻo khoẻo mà MC cứ ngân nga: “Đẹp trai đến nỗi không ai đẹp bằng”. Không kìm được anh lại cười ha hả, rồi nói tiếp: “Lúc sau hết chịu nổi, mình phải chạy ra đằng sau sân khấu kéo “nhà thơ” xuống!”.

 

Nhiều MC cũng rất cẩn thận trau chuốt lời ăn tiếng nói, tuy nhiên những thành ngữ “sông cạn đá mòn”, “thuận vợ thuận chồng”, “bách niên giai lão”… lặp đi lặp lại với tần suất quá nhiều thành ra nhàm tai. Để khắc phục, có nhiều MC tìm hiểu cả về quê quán, xuất thân hai bên, những đặc trưng của các miền quê.

 

Chẳng hạn như cô dâu người Bắc Ninh thì nói về vẻ duyên dáng các cô gái quan họ. Chú rể người Hà Tĩnh thì phải ca ngợi tính hiếu học và truyền thống cách mạng của xứ Hồng Lĩnh. Còn đến từ Cần Thơ thì MC sẽ trầm trồ xuýt xoa vẻ đẹp xứ “gạo trắng nước trong”…

 

Nhưng cũng có MC kiến thức địa lý còn hạn chế, nên dời biển di non, nhầm sông Thương thành sông Hương, đưa núi Tản về tận Nam Định như Sơn Tinh dời núi vậy!

 

Nhiều khách mời cũng rất thích thể hiện tài năng thơ phú. Đám cưới anh chị Xuyên - Vân ở Thủ Đức, TPHCM, được đón một ông khách quý là bác ruột anh Xuyên từ quê ngoài Bắc lặn lội vào.

 

Ông đọc luôn một lèo 4 bài thơ, một bài tặng nhà trai, một bài tặng nhà gái, một bài tặng quan khách, một bài tặng cô dâu chú rể, trong đó câu: “Xuyên Vân hạnh phúc đời đời bên nhau” được xướng lên không dưới 8 lần. Đã thế, đọc xong một khổ thơ, ông còn dừng lại, chậm rãi khề khà phân tích ý nghĩa những từ ông tâm đắc, như thể sợ quan khách không hiểu hết ý tứ thâm sâu của mình!

 

Gala cười

 

Ở một nhà hàng lớn quận Thanh Xuân, các phòng cưới san sát nhau. Buổi trưa, trước giờ ăn tiệc, sân rộng chật cứng khách, mọi người nháo nhác ngó nghiêng tìm đúng đám “chính chủ” của mình. Các MC “A lô, một, hai, ba bốn, alô, a lô…” thử micro đủ kiểu.

 

Đến lúc vào tiệc, MC giới thiệu phòng bên này, MC phòng bên cạnh cũng cao giọng giới thiệu với nội dung tương tự, như thể cố tình nhại nhau. “Khán giả” ở dưới râm ran cười như được xem tấu hài miễn phí.

 

Đám cưới anh chị Lan - Duy ở Khách sạn Thắng Lợi. Sau màn nhập tiệc, MC lên giọng: “Và bây giờ, xin quý vị một tràng pháo tay đón mừng bố mẹ chú rể”, rồi tiếp ngay: “Và bây giờ, xin quý vị một tràng pháo tay để bà nội cô dâu phát biểu đôi lời”. Mọi người vỗ rát cả tay, bố mẹ hai bên đứng như tượng, “phát ngôn” lúc nào tuỳ anh MC, khi nào phát tín hiệu “và bây giờ” thì mới được nói!

 

Một lúc sau lại thấy: “Và bây giờ, xin quý vị một tràng pháo tay cho bài hát Tình thắm duyên quê”. Ông Phương, 65 tuổi, giáo viên về hưu, không kìm được: “Trời ạ, không cho nữa, xin gì mà xin lắm thế!”.

 

Sân khấu tạp kỹ

 

Ở một nhà hàng có tiếng ở Quận 3, TPHCM, MC sau một hồi “trăm năm hạnh phúc” thì quay sang cao giọng quảng cáo một hồi: “Quý vị thấy món ăn nhà hàng thế nào ạ? Dạ ngon quá phải hôn ạ! Quý vị thấy đội ngũ  nhân viên của nhà hàng thế nào ạ? Dạ hết sảy phải hôn ạ!”.

 

Rồi một đội hình “tiên đồng ngọc nữ” nhào ra múa may quay cuồng, rắc hoa và bắn dây kim tuyến tung toé trong tiếng nhạc đầy kích động. Các “ngọc nữ” nhà hàng diện váy voan trắng ngang bắp đùi, vẫy vẫy “đôi cánh thiên thần” làm mấy bà cô trông cũ kỹ phía nhà trai nhăn mặt đầy vẻ kinh hoàng.

 

 MC rất quan trọng, có thể coi là “đạo diễn” của đám cưới. Việc thành công của một lễ cưới phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dẫn dắt của MC. Một MC tiệc cưới cần thuộc lòng những nghi lễ không thể thiếu (song thân hai bên phát biểu, rượu sâm banh, cắt bánh cưới, trao quà…), rồi những câu chúc mừng văn hoa trôi chảy.

 

Nhiều MC đã thể hiện được tài nói năng lưu loát và duyên dáng. Tuy nhiên, cũng có quá nhiều tình huống dở khóc dở cười do MC chạy show nhiều, không tìm hiểu kỹ đám cưới, hay phông nền văn hóa còn chưa ổn. 

 

Anh Vũ Nam, 25 tuổi, một chú rể mới trong mùa này, kể chuyện: “Mình thấy tốn tiền cho MC mà mình thì không kiểm soát được họ nói gì là rất dở. Đi đến chỗ nào mình cũng đòi xem trước nội dung MC sẽ nói gì, thì họ bảo “lúc ấy sẽ tùy cơ ứng biến”.

 

Cuối cùng mình nhờ một ông anh họ làm nhà báo, hiểu gia cảnh của 2 nhà, ăn nói tự tin, chừng mực. Anh ấy chuẩn bị sẵn nội dung ra, chỉ cần khoảng 1 trang giấy. Thế là mọi chuyện đều OK, khách khứa và gia chủ đỡ bị xa cách và không khí đám cưới rất thân mật vui vẻ. Thật ra, nếu mà có MC chuyên nghiệp thì cũng rất tốt, nhưng nên thoả thuận trước về “nội dung và hình thức thể hiện”.

 

Hạnh Chi

Dòng sự kiện: Mùa cưới