Mùa cá cóng

(Dân trí) - Bé út viết thư kể chuyện 2 tuần liền ăn cơm với cá đồng, tự nhiên lại thấy rưng rưng nhớ mùa cá cóng. Những con cá suýt chết rét có khi hiện diện trên mâm cơm nhà tôi suốt cả chục ngày liền.

Hơn chục năm trước, quê tôi nghèo lắm, người dân chỉ biết bám ruộng, bám đồng mưu sinh. Ngày ấy, gần như mọi thực phẩm nuôi sống gia đình đều do tự tay người dân nuôi trồng, chăm bẵm. Cái thủa nghèo khó ấy, con gà nuôi được cũng không dám làm thịt ăn mà chỉ dám mang ra chợ bán, lấy tiền mua mắm, mua cá hay sang hơn thì mua ít lạng thịt ba chỉ nấu với bầu khô.

Mùa hè, chủ lực trong mỗi bữa ăn vẫn là rau muống và cà pháo muối dòn. Sau này khi lớn lên, được đi nhiều nơi nhưng tôi vẫn không thấy ở đâu món cà muối lại đậm đà, trắng muốt và dòn như cà muối xứ Nghệ quê mình.

Nhưng vào những ngày mưa dầm gió bấc hay rét mướt, khi vạt rau muống tàn lụi, khi vại cà của mẹ vơi dần thì tiếng thở dài của cha lại vang lên trong từng bữa cơm. Lũ chúng tôi, trệu trạo ngồi ăn cơm với nước mắm. Bữa nào sang hơn, mẹ phi hành mỡ thơm lừng lên rồi đổ nước mắm vào, mấy chị em hít hà ăn cơm như tằm ăn rỗi.

Trời rét, cả nhà ngồi co ro quanh bếp lửa. Mẹ rầu rĩ xúc mấy bơ gạo nấu cơm. Rét quá, rau cũng chẳng mọc được hoặc lụi dần đi rồi chết hẳn thành ra bữa cơm lại chỉ có nước mắm hay gộc chuối muối. Rét đến nỗi chị em tôi ngồi nghịch, cứ há miệng ra thở để… xem khói.

Những bàn tay tê cóng hơ hơ trước bếp lửa. Cha vụt đứng dậy, xách cái giỏ tre ra đi. Đi bắt cá cóng! Trời rét, nước buốt, những con cá rô, cá diếc cũng lạnh cóng, lờ đờ trôi trong nước. Những chú cá tinh ranh hơn biết bám vào các hang cua, những bụi cỏ để tránh rét nhưng rồi cũng chịu chung số phận như đồng loại của chúng.

Cha đi dọc bờ mương, thò bàn tay to bè chai sạn vào từng vũng nước để vớt cá. Khi bàn tay bắt đầu lạnh cóng như tảng đá, chuyển sang màu thâm xì thi giỏ cũng đã lưng lưng cá. Không gian chật hẹp, những con cá “sưởi ấm” cho nhau, chẳng mấy chúc chúng hồi sinh, giãy tanh tách.

Cha về, đổ cái giỏ vào chậu. Đôi môi thâm xì vì rét nở một nụ cười. Mẹ nhặt nhạnh những con cá to để nướng, chị em tôi được một bữa “tươi”. Số còn lại mẹ kho khế, để dành ăn dần trong mấy ngày mưa rét. Hôm nào cha bắt được nhiều cá cóng, mẹ lại luộc lên rồi bỏ vào mâm, hong trên bếp củi làm “lương khô” ăn dần.

Cá rô đồng là giống cá tinh khôn, mùa cày vỡ, từng đàn rủ nhau ẩn dưới những vai cày. Cha chỉ việc lật tảng đất lên, có khi hốt cả nắm cá. Giống cá quả tinh khôn không kém. Nó ẩn mình sâu trong những hang hốc, nhiều khi phải thò cả cánh tay vào. Hôm nào may mắn, cha bắt được vài con cá quả to bằng cán liềm, cả nhà sẽ có một nồi cá kho tộ cực ngon dưới bàn tay khéo léo của mẹ.

Cứ như thế, những con cá cóng nuôi chị em tôi đi qua mùa rét mướt.

Có những đợt mưa rét kéo dài, cá cóng cha bắt về nhiều đến nỗi cứ tới bữa cơm nhìn thấy cá là chúng tôi chết khiếp. Ngày đó, cá dưới đồng nhiều đến nỗi bắt mang ra chợ bán chẳng ai mua. Thành ra, bữa cơm ngày cuối đông hết cá nướng đến cá kho khế, cá nấu canh chua ăn đến xót cả ruột.

Chị em tôi đi học xa, thi thoảng gọi điện về nhắc cha giữ ấm ngày rét lại nghe giọng con út buồn buồn “Mấy ngày ni toàn ăn cơm cá”. Tôi lại mường tượng ra cái dáng còng còng của cha đang mò mẫm dưới dòng nước buốt. Bàn tay gầy guộc thâm xì vục xuống nước, vớt những con cá đã cứng đơ vì rét…

Hoàng Lam