“Mẹ ơi, tại sao…”

Hôm nào mẹ đi làm về bé Nhím cũng lẽo đẽo theo sau hỏi đủ thứ: “Tại sao rau này màu xanh?, Sao bố bạn Mi con trai mà tóc dài?”... Có lúc bực mình, chị Thoa quát: "Để mẹ yên, con hỏi nhiều làm mẹ mệt quá", khiến cô bé mếu máo.

Chị kể, lúc bé Nhím mới biết hỏi, có những câu ngô nghê khiến cả nhà cười lăn, ai cũng hào hứng trò chuyện, trả lời bé.

 

Nhưng dần dần, càng ngày Nhím càng hỏi nhiều, có khi nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần, hay có những câu "bắt bí", khiến cả nhà đùn đẩy nhau, chẳng biết trả lời thế nào, ví như: "Sao cái trán ông không có lông mà bố lại có?" (ông bị hói) hay "Sao con chó lại ghét con mèo?", "Sao cái này gọi là con dao mà không gọi là con gà?"...

 

Cũng như chị Thoa, các bà mẹ, ông bố có con tuổi mầm non phải chuẩn bị tinh thần trở thành "chuyên gia Biết Tuốt" để trả lời đủ loại câu hỏi của con. Nhiều khi, họ cũng lúng túng không biết nói sao, đành lờ đi, nói tránh, nổi cáu hay "xì" sang người khác.

 

Lý do các bé hay hỏi

 

Theo phó giáo sư Nguyễn Công Khanh, chuyên gia trường mầm non Hoàng Gia, trẻ 3-4 tuổi rất hay tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh. Với vốn kinh nghiệm và hiểu biết non nớt, ngay những điều đơn giản nhất cũng có thể là mới lạ và bé cần người lớn giải thích.

 

Cũng có khi các bé đặt câu hỏi chỉ muốn được giao tiếp với người lớn: được nói chuyện, được quan tâm và thể hiện mình để lôi kéo sự chú ý.

 

Bố mẹ nên làm gì?

 

Theo các chuyên gia tâm lý, không phải câu hỏi nào của trẻ cũng cần cha mẹ phải trả lời chính xác theo cách nghĩ hay hiểu biết của người lớn. Thực tế, nhiều câu cha mẹ cũng không biết, hoặc biết nhưng khó có thể giải thích ngắn gọn, làm bé dễ hiểu. Hơn nữa, có khi người lớn giải thích, nhưng bé vẫn cứ hỏi lại, vì không nói trúng ý muốn của nó.

 

Theo phó giáo sư Khanh, tốt nhất, khi bé hỏi, bố mẹ không nên vội trả lời, mà cho con một cơ hội để suy nghĩ về điều đó. Bạn có thể hỏi lại: "Thế theo con thì tại sao?". Nếu bé nói đúng, bố mẹ khen kịp thời để nuôi dưỡng sự tự tin, còn không, hãy hỏi lại tại sao con nghĩ vậy, để hiểu được cách nghĩ riêng của trẻ, từ đó khuyến khích hay bồi đắp cho bé phát triển…

 

Nếu bé nói: "Con không biết, mẹ nói đi", bạn hãy xem đó là cơ hội để giúp con động não: "Mẹ cũng không biết. Hai mẹ con mình cùng nghĩ nhé!".

 

Đôi khi, người lớn có thể vờ giải thích sai để kích thích tư duy phê phán của trẻ.

 

"Khi trả lời những câu hỏi của con, điều quan trọng không phải là đúng hay sai mà cần chú ý đến mong muốn, xúc cảm, hứng thú, niềm tin của bé", ông Khanh nói.

 

Bạn nên xem mỗi lần bé hỏi là cơ hội tốt để kích thích tính tò mò, gieo nhu cầu, giúp trẻ khám phá, mở rộng sự hiểu biết về thế giới xung quanh. Cũng có khi cha mẹ không cần trực tiếp trả lời vào câu hỏi của con, mà nhân đó kể một câu chuyện có nội dung lý thú, giúp bé tự tìm được câu trả lời thích hợp.

 

Với những câu hỏi khó

 

Các bậc cha mẹ ngại nhất khi phải trả lời các câu hỏi về giới tính hay sự mất mát người thân của bé.

 

Chị Xuân, nhân viên y tế ở Phương Mai, Hà Nội, kể lại, hôm trước cả nhà đang ăn cơm, tự dưng, cu Tí 3 tuổi hỏi: "Mẹ ơi, con là con trai hay con gái?". Chị bảo: "Tất nhiên là con trai rồi" nhưng nó vẫn không tha: "Nhưng con muốn là con gái cơ, có được không?". Lúc này, cả nhà không ai biết nói thế nào.

 

Theo tiến sĩ Khanh, với những câu hỏi về giới tính, tùy từng độ tuổi, tình huống mà bố mẹ có thể giải thích nông sâu khác nhau, tốt nhất là nên nói đơn giản, giải thích để bé hiểu bằng các câu chuyện ngộ nghĩnh, gần gũi.

 

Với câu hỏi của cu Tí, chị Xuân có thể chỉ vào mâm cơm nói: "Con có biết bát để làm gì và đũa dùng làm gì không?". "Tất nhiên bát để đựng cơm còn đũa gắp thức ăn rồi". "Thế giờ mẹ lấy bát để gắp, còn đũa để đựng thì có được không? Hay giờ mẹ chuyển thành bố, bố thành mẹ nhé". Như vậy là bé đã đủ hiểu.

 

Trong trường hợp bé hỏi về người thân mất, bố mẹ không nên lảng tránh hoặc trả lời theo kiểu: "Ông bà đi chơi xa" hay "Bác ấy đến một nơi khác" mà hãy giải thích sự thật nhưng thật đơn giản và nhẹ nhàng cho con hiểu ai cũng phải trải qua điều đó.

 

Làm sao cắt những tràng câu hỏi?

 

Nếu như khi con hỏi mà bạn quá mệt, bận rộn, hoặc không biết, cũng đừng cáu kỉnh, lảng tránh, nói dối hoặc trả lời cho xong chuyện, bởi bé rất nhạy cảm và nhận ra ngay. Nó sẽ cảm thấy bị tổn thương, không được quan tâm và tôn trọng.

 

Nếu không muốn trả lời ngay câu hỏi của con, bạn có thể nói: "Mẹ nhớ ra là hai mẹ con mình còn chuyện quan trọng hơn cần làm, để lúc khác nói tiếp chuyện này nhé!", đừng viện cớ: "Mẹ bận lắm", "Mẹ mệt" hay "Con hỏi vớ vẩn gì thế?".

 

Ngoài ra, mẹ cũng có thể khuyến khích con hỏi bố, ông, cô giáo… để tạo cơ hội cho bé chủ động tương tác với người khác.

 

Theo Minh Thùy

VNExpress

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái