"Mẹ ơi, nói dối con sẽ để lại hậu quả lâu dài đấy!"

(Dân trí) - Sẽ có những thời điểm trong cuộc sống của mỗi bậc cha mẹ, bạn dành cho con những lời nói dối “vô hại”... Nhưng chúng có thật sự "vô hại" không?

Mẹ ơi, nói dối con sẽ để lại hậu quả lâu dài đấy! - 1

Bạn hẳn còn nhớ khi bạn bị bỏ lại rất muộn ở trường mầm non, mẹ bạn đã nói rằng sẽ quay lại ngay, nhưng rồi bạn chờ mãi…

Kiểu nói dối này có thể giúp bạn sớm biết tự điều chỉnh cho thích nghi với thế giới xung quanh, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu những lời nói dối “vô hại” của bố mẹ nhằm khiến con cái biết tuân thủ kỷ luật, như nói “nếu con hư cảnh sát sẽ đến bắt”?

Một nghiên cứu tâm lý học mới do Đại học Công nghệ Anyang tiến hành được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm Trẻ em cho thấy những lời nói dối này sẽ để lại hậu quả tai hại cho trẻ khi chúng trưởng thành.

Các nhà nghiên cứu đã hỏi 379 thanh niên về phong cách nuôi dạy con cái của họ. Có phải cha mẹ của họ nói dối họ? Bây giờ họ nói dối bố mẹ bao nhiêu? Họ có khả năng tự điều chỉnh tốt mức nào đối với những khó khăn của tuổi trưởng thành?

Những người lớn được ghi nhận là từng bị cha mẹ nói dối khi còn là trẻ con nói rằng bây giờ, khi đã trưởng thành, họ nói dối cha mẹ. Họ cũng phải đối mặt với những thách thức xã hội và thách thức tâm lý lớn hơn, như dễ gây hấn, hay phá vỡ quy tắc và có hành vi bốc đồng. Câu hỏi là: Tại sao?

Nuôi dạy con bằng cách nói dối có vẻ sẽ đỡ mất thời gian, đặc biệt khi lý do thực sự đằng sau việc tại sao cha mẹ muốn con làm điều này, không muốn con làm điều kia có phần phức tạp, khó giải thích.

Khi cha mẹ nói với con rằng “cần phải trung thực”, nhưng cha mẹ lại thể hiện sự không trung thực bằng cách nói dối, hành vi đó có thể gửi thông điệp mâu thuẫn đến con cái họ.

Sự thiếu trung thực của cha mẹ cuối cùng có thể làm xói mòn lòng tin và thúc đẩy tính không trung thực ở trẻ em, Trợ lý Giáo sư Setoh Peipei, Trường Khoa học Xã hội NTU Singapore, giải thích trong nghiên cứu.

Tất nhiên, nghiên cứu này chỉ thực hiện trên vài trăm trẻ em và kết quả của nghiên cứu mới chỉ là “tự báo cáo” - tức là chỉ những đứa trẻ đã biết mình bị cha mẹ nói dối báo cáo lại điều này trong nghiên cứu.

Tuy nhiên, ngay cả một nghiên cứu rất hạn chế như vậy cũng chỉ cho chúng ta thấy một hướng thú vị khi nói đến những lời nói dối vô hại.

Thêm vào đó, chúng ta đừng quên rằng có nhiều cách khác để khơi gợi hành vi tốt ở trẻ mà không cần nói dối.

Peipei gợi ý rằng các bậc cha mẹ nên thừa nhận cảm xúc của con, cung cấp thông tin để con biết điều gì đang trông đợi chúng, cùng con đưa ra lựa chọn và giải quyết vấn đề.

Mục tiêu của các nhà nghiên cứu là đưa ra nghiên cứu trong tương lai cho các bậc cha mẹ biết nên tránh những loại nói dối nào, và để khám phá những đối tượng nghiên cứu khác, như chính cha mẹ, nhằm báo cáo những trải nghiệm tương tự mà con cái họ trải qua khi bị nói dối.

Nhờ thế, lần tới khi bạn khẳng định uy quyền bằng cách nói với con bạn rằng bạn sẽ “ném con xuống đại dương” hoặc “bỏ mặc con ở đây” nếu con hành xử sai, thì hãy nhớ điều này sẽ ảnh hưởng đến con thế nào khi chúng không còn ở cùng dưới mái nhà của bạn.

Huyền Anh

Theo SK

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm