Mẹ đẻ

(Dân trí) - Lúc mẹ ôm con vào lòng, con là một sinh linh còn đỏ hỏn. Bao nhiêu năm nuôi con khôn lớn, hai tiếng “mẹ đẻ” chẳng tạo nên sự khác biệt nào giữa mẹ và con.

 
Mẹ đẻ - 1


Mẹ sinh Nguyệt vào một ngày mưa. Hôm đó con cũng chào đời. Sau những vật vã của lần đầu “khai hoa nở nhụy”, mẹ nằm bên Nguyệt, khẽ đặt lên trán con bé một nụ hôn.

 

Lúc đó, con nằm giường bên cạnh. Mẹ con trẻ lắm, đó là điều làm mẹ ấn tượng. Hơn nữa, từ lúc nhập viện cho đến khi sinh, cô ấy chỉ có một mình. Lúc con oe oe vì đói, nhìn cô ấy lóng ngóng không biết làm sao cho con bú, mẹ bế con lên, ấp con vào bầu ngực ấm nóng của mình. Con chẳng lạ mà bú một hơi chằm chặp rồi ngủ thiếp đi. Nửa đêm hôm đó, mẹ con trở mình dậy, nhờ mẹ trông con một lát để đi vệ sinh. Đó cũng là lần cuối cùng mẹ gặp cô ấy.

 

Mẹ làm thủ tục nhận con. Ngày ra viện, mẹ và cha bế về hai cô công chúa, mà cô nào cũng xinh xắn, dễ thương. Hàng xóm láng giềng lấy làm lạ lắm. Có người thắc mắc: “Lẽ nào cô ấy sinh đôi?”. Họ cứ đoán già đoán non, nhưng cuối cùng họ cũng ngầm có được cho mình câu trả lời.

 

Mẹ đặt cho con cái tên Hà Thương. Con dường như có được bản năng sống lạ thường. Nhìn con lớn lên có cái vẻ gì đó như biết thân biết phận. Chẳng mấy khi con quấy khóc, trong khi đó, Nguyệt suốt ngày làm nũng mẹ. Lúc hai đứa đói, Nguyệt bao giờ cũng kêu khóc inh ỏi, con chỉ oe oe đánh động rồi chờ đợi. Lần nào cũng là Nguyệt bú xong mới đến lượt con, không phải mẹ phân biệt gì nhưng tại con bé nó quấy quá. Đêm, mỗi đứa nằm một bên của mẹ. Sau vài cái vỗ vỗ, vài câu hát ru, con ngủ ngon lành. Nguyệt thì đêm nào cũng khóc. Cha mẹ đến mệt vì con bé.

 

Ngày các con chập chững biết đi, mỗi lần ngã, Nguyệt khống rống lên, mẹ phải nịnh, phải dỗ mãi con bé mới chịu thôi. Còn con, con tự đứng dậy. Nhiều lúc nhìn tính tự lập của con mẹ lại thấy thương con vô cùng. Có cảm giác con tủi thân nhiều thì phải.

 

Hai đứa lớn dần lên, xưng hô với nhau chị em. Cha mẹ không nói đứa nào là chị đứa nào là em, nhưng chắc tại cái vẻ ngoài chững chạc hơn của con mà Nguyệt cứ líu lo gọi con là chị. Rồi cha mẹ sinh thêm bé Nam, hai đứa tự biết chăm sóc cho nhau. Nhìn hai đứa hòa thuận cha mẹ thấy gia đình mình thật hạnh phúc.

 

Hàng xóm biết chuyện, nhưng họ chẳng biết trong hai đứa ai là con đẻ, ai là con nuôi. Các con sinh cùng ngày, cùng bú dòng sữa của mẹ, cùng lớn lên dưới bàn tay mẹ thật khó mà có sự khác biệt. Cho dù có nhìn vẻ ngoài đi chăng nữa cũng chẳng thể đoán biết ai giống cha mẹ hơn.

 

Những lời đồn đại đến tai hai đứa. Các con hỏi mẹ, các con muốn biết ai mới thực là đứa con mà mẹ dứt ruột sinh ra. Ôi hai đứa con thơ ngây của mẹ, tình mẫu tử đâu phải tính bằng khúc ruột chứa các con, mà bằng tình yêu thương trọn đời con ạ. Mẹ ôm hai đứa vào lòng: “Cả hai con đều là con của mẹ”.

 

Nguyệt không chấp nhận điều đó. Nó khóc, bỏ đến nhà bạn cả tuần không về. Mẹ muốn cho Nguyệt thời gian của mình nên không tìm nó. Rồi con vào phòng mẹ, yêu cầu mẹ nói sự thật. Cái lí do của con làm mẹ trăn trở: “Mẹ đừng làm cho cả hai đứa con đau khổ vì điều đó. Mẹ hãy nói ra, con nghĩ dù con hay Nguyệt là con đẻ cũng không thể thay đổi được điều gì. Nhưng chúng con cần phải biết. Nếu mẹ không nói, cả con và Nguyệt sẽ đều bị ám ảnh và dày vò, lẽ nào mẹ không chọn cách làm cho một người được thanh thản?”.

 

Sau câu chuyện mẹ kể cho con, con lặng lẽ về phòng mình đóng chặt cửa. Mẹ đứng bên ngoài gọi con mãi nhưng con không mở. Sáng sớm hôm sau, con dậy sớm đến nhà bạn đón Nguyệt về. Gương mặt hai đứa nhiều cảm xúc quá. Mẹ không thể đoán biết, nhưng cái nắm chặt tay nhau bước vào nhà của hai con làm mẹ ấm lòng hơn rất nhiều. Có lẽ cả hai con đều đã hiểu.

 

Đêm nay, ngoài trời lại mưa gió bão bùng, con nằm trong phòng chờ sinh, một tay nắm lấy mẹ, tay kia ôm lấy chồng. Con sắp có được cái hạnh phúc lớn nhất của người đàn bà. Mọi người đều bên con. Mẹ rơi nước mắt vì thế. Một sinh linh nữa sắp được ra đời, nhưng lần này, có biết bao người đang đón chờ, trong đó có con - người mẹ đẻ.

 

Hoài Thu