Mẹ bảo...

(Dân trí) - Mẹ bảo: "Con đừng dán mắt vào điện thoại và máy tính như thế. Mới sinh em bé xong phải cố nghỉ ngơi cho được tròn tháng con ạ", thì con gắt: "Kệ con chứ! Thằng bé nó ngủ cả ngày như thế, con nằm mãi nhìn trần nhà sao chịu được".


Mẹ bảo...

Mẹ bảo: "Con cố ngủ đi, tranh thủ lúc em bé ngủ thì mình chợp mắt một lát. Được lúc nào hay lúc đó con ạ." Thì con cự cãi: "Làm sao mà ngủ được nữa, con ngủ cả ngày để béo quay như lợn à?".

Mẹ mang phần cơm lên cho con, con hết trách cơm nhiều, lại chê cá mặn, thịt nạc quá khô, ít rau, nhiều đạm quá thể.

Mẹ mua cho cháu cái áo, con bảo sao chất liệu gì mà xấu thế, mặc vào lại cọ xát làm hư da em bé.

Cứ như thế, không hiểu sao mỗi khi thấy mẹ nói gì hay làm gì con cũng phải bằng mọi cách mà gắt lại mẹ mới xong. 

Rồi cũng đã hơn một tháng kể từ khi con quyết định về quê sinh con đầu lòng. Con tuy "nằm ổ" ở nhà nội, nhưng lại bắt mẹ phải nghỉ hẳn chợ, đến ở cùng để phục vụ mẹ con con.

Cha mẹ sống chủ yếu bằng gánh hàng rau của mẹ, nên không chạy chợ nghĩa là không có tiền để tiêu xài, sinh hoạt. Và mẹ không ở nhà nghĩa là ruộng vườn, lợn gà, giỗ tết... chỉ còn một mình cha phải vất vả. Nhưng thương con, cha mẹ vẫn bàn nhau cách khắc phục để mẹ có thể xếp vali quần áo, mang theo hai mươi cân gạo xuống nhà nội chăm con.

Rồi con tự cho mình cái quyền nghỉ ngơi hoàn toàn sau sinh. Mẹ cũng không để con làm bất cứ việc gì vì sợ con mắc các bệnh hậu sản. Nên đến cốc nước mẹ cũng rót sẵn, đợi nguội thì gọi con dậy uống. 

Con cứ vậy ỷ lại vào mẹ, bảo mẹ làm hết việc này việc kia, luôn chân luôn tay không ngừng. Đêm mẹ ngủ cùng, mỗi khi em bé thức, con lại để mẹ một mình dậy thay tã cho cháu và mẹ chỉ gọi con dậy khi miệng em bé tìm ti. 

Hôm nay, mẹ tranh thủ chạy xe về nhà để lấy ít đồ cá nhân và mang thêm hai con gà đã được cha làm thịt sẵn xuống cho con tẩm bổ. Buổi tối, mẹ quay lại nhà nội để giúp con bế em bé. Rồi mẹ khiến con chết lặng khi bỗng nhìn xa xăm rồi nói: 

"Chiều nay, khi chạy xe qua nghĩa trang, tự dưng mẹ thấy nhớ ông ngoại quá. Mẹ đã định xuống xe vào thăm ông một lúc mà muộn quá rồi lại thôi. Đôi lúc mẹ lại nhớ ông như thế. Khi ông sống thì không biết trân trọng, khi ông đột ngột mất thì lại thấy ân hận".

Con nhìn thấy những giọt nước lưng chừng trên khóe mắt mẹ, không biết nói gì, nhưng lại giật mình nghĩ đến hiện tại của mẹ và con. 

Mẹ nhọc nhằn nuôi con khôn lớn, con đi học xa nhà rồi lại lấy chồng ngay sau khi tốt nghiệp đại học, nên thời gian được gặp mẹ chẳng là bao, chỉ có lần này là được ở bên mẹ lâu nhất thì con lại nào biết quý trọng. 

Không biết con tự lúc nào đã mặc định cơ thể mẹ là mình đồng da sắt, luôn làm việc quần quật như một cỗ máy mà không hề biết đến ốm đau như bao năm nay vẫn thế. Như cái cách mà khi xưa mẹ thường nói không đói khi mâm cơm nhà mình ít thức ăn, nói không mệt khi thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, đi ngủ lúc 12 giờ đêm vì bận quay cuồng với công việc chợ búa, nhà cửa... Và như cái cách mẹ nuôi con hai mươi mấy năm trời không một lời kêu ca, không một vết roi nào hằn trên mông con.

Khi con được ở bên mẹ, thấy thoải mái vô cùng, thoải mái đến mức cứ tự nhiên mà gắt gỏng mẹ như thế. Nay con đã trưởng thành, đã là mẹ em bé rồi mà vẫn còn ngốc nghếch quá khi không biết rằng những lời nói lớn tiếng, vô tâm hàng ngày của mình cũng khiến mẹ đau lòng. Và không hiểu sao con lại có thể dùng cái sự cáu kỉnh ấy để đối xử với mẹ dù thật tâm con vẫn thương mẹ, biết ơn mẹ rất nhiều.

Cho đến tận bây giờ, con mới hiểu thấu được cái điều mà người ta vẫn nhắc đi nhắc lại bao lâu nay, rằng chúng ta chẳng còn bao nhiêu thời gian để yêu thương, chăm sóc cha mẹ mình nữa. Nghĩa là thời gian để con dịu dàng, báo hiếu mẹ đang dần ngắn hơn, mà con lại dùng chính cái quỹ thời gian có hạn ấy để gắt gỏng, bòn rút sức lực đang ngày càng héo mòn của mẹ. 

Con thấy hối hận rồi. Mẹ ạ, con sẽ sống khác.

Linh Rên