Mẫu đàn ông bị phụ nữ chê là "những đứa trẻ to xác" - họ là ai?
Khi “chê” những ông chồng vô trách nhiệm, chị em thường nói một câu ví von rằng: đàn ông là "những đứa trẻ to xác". Vậy một đứa trẻ và một người đàn ông thực sự trưởng thành, chín chắn và sống có trách nhiệm khác nhau như thế nào?
Thông thường, bất cứ ai đủ 18 tuổi sẽ được gọi là người trưởng thành. Tuy nhiên điều này chỉ có ý nghĩa khi nói về độ tuổi. Trên thực tế, một người thực sự trưởng thành hay chưa trưởng thành không phải ở độ tuổi mà phụ thuộc vào việc người đó đã thực sự hiểu biết, sống có trách nhiệm hay chưa. Có những người trưởng thành khi mới 18, đôi mươi nhưng có những người 50, 60 tuổi, thậm chí nhiều tuổi hơn thế nữa họ vẫn sống một cách bản năng như một đứa trẻ.
Khi một người đàn ông đã bước qua độ tuổi trưởng thành nhưng họ chưa thực sự hiểu biết chín chắn và sống có trách nhiệm, chị em phụ nữ thường gọi họ là những đứa trẻ to xác. Bề ngoài họ là những đấng nam nhi mạnh mẽ nhưng những hành xử của họ lại giống như những đứa trẻ chưa chịu lớn. Họ hay dỗi, ham chơi, ham bạn bè. Họ hay đòi hỏi, thiếu kiên nhẫn; sức chịu đựng kém...
Cách đây không lâu, một ca sĩ nổi tiếng ở phía Bắc khi trả lời phỏng vấn báo chí về chuyện ly hôn của mình, chị nói: Đàn ông giống như những con gà trống, tìm được một miếng mồi thì tục tục gọi cả đàn gà mái tới và chỉ một con trong đàn gà mái đó được ăn. Họ thích thể hiện, thích ra oai. Đó cũng là một kiểu tính cách của một đứa trẻ to xác. Tất nhiên không phải người đàn ông nào cũng như vậy.
Tuy nhiên có một thực tế là đàn ông "trưởng thành" chậm hơn chị em phụ nữ. Một nghiên cứu cho thấy, trung bình đàn ông trưởng thành về mặt cảm xúc ở tuổi 43, còn phụ nữ là 32. Đàn ông có thể to cao, thành đạt hơn phụ nữ nhưng khả năng chịu đựng ở họ lại kém hơn phụ nữ.
Theo các chuyên gia, 21 dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhận diện rõ sự khác nhau giữa một người đàn ông đã thực sự trưởng thành và một đứa trẻ:
1. Khi phạm lỗi, đứa trẻ thường đổ thừa, đàn ông trưởng thành dũng cảm nhận trách nhiệm và xử lý hậu quả.
2. Một đứa trẻ phải sống nhờ tiền của bố mẹ. Người đàn ông trưởng thành tự kiếm kiếm để lo cho bản thân và gia đình.
3. Một đứa trẻ để người khác nấu ăn, giặt giũ, ủi đồ hay dọn dẹp nhà cửa giúp mình. Đàn ông trưởng thành tự làm lấy chúng.
4. Gặp khó khăn, đứa trẻ né tránh hoặc buông xuôi, còn đàn ông trưởng thành đối mặt và tìm cách giải quyết.
5. Bị đối xử bất công, một đứa trẻ sẽ ngồi than khóc, chờ ông bụt hiện ra giúp đỡ. Người đàn ông trưởng thành tự mình chiến đấu để giành lấy công bằng.
6. Khi phải làm việc mình không thích, đứa trẻ luôn miệng than vãn, đàn ông chỉ im lặng, tìm cách làm hiệu quả nhất và tập trung làm cho xong.
7. Một đứa trẻ cố làm hài lòng tất cả mọi người, một người đàn ông trưởng thành làm cái mà anh ta tin là đúng đắn nhất.
8. Một đứa trẻ hay bốc đồng, nóng vội. Đàn ông trưởng thành điềm đạm và ổn định.
9. Không ai trách một đứa trẻ vì nó không giữ lời hứa. Nhưng với đàn ông trưởng thành thì có. Chữ tín với đàn ông trưởng thành là vô cùng quan trọng vì nó giúp họ có chỗ đứng trong xã hội.
10. Khi muốn có thứ gì đó, một đứa trẻ thường xin xỏ. Người đàn ông trưởng thành không xin, mà tự giành lấy.
11. Đàn ông trưởng thành không làm cái đuôi của phụ nữ, cũng không tìm cách theo đuổi bất cứ cô gái nào mình gặp. Họ hiểu rõ giá trị của bản thân và biết ai mới là người phụ nữ mình cần.
12. Một đứa trẻ có thể khoác lác, phô trương. Nhưng đàn ông trưởng thành khiêm tốn, hiểu mình hiểu người.
13. Một đứa trẻ nói nhiều những điều không cần thiết. Người đàn ông trưởng thành nghe nhiều nói ít, suy nghĩ kỹ trước khi đáp lời và dùng câu từ một cách cẩn trọng.
14. Một đứa trẻ có thể bắt nạt người khác để chứng minh mình mạnh mẽ. Người đàn ông trưởng thành không cần chứng minh sức mạnh với ai cả. Họ không lạm dụng bạo lực. Họ hành động bằng lý trí nhiều hơn là nắm đấm.
15. Một đứa trẻ có thể văng tục bừa bãi, đàn ông trưởng thành thì không. Họ cũng khéo léo, tế nhị trong giao thiệp. Khi đùa thì có duyên và chừng mực.
16. Đàn ông trưởng thành không chê bai, xem thường hay làm tổn thương người khác.
17. Một đứa trẻ thường cố kiểm soát người khác. Đàn ông trưởng thành chinh phục người khác bằng tài năng và nhân cách, khiến họ chủ động tin tưởng và nương tựa vào mình.
18. Đàn ông trưởng thành nhận thức sâu sắc về phải trái, đúng sai. Họ biết cái gì nên làm và không nên làm, chấp nhận được và không chấp nhận được.
19. Đàn ông trưởng thành luôn hành động có mục đích. Họ không chấp nhận những thứ vô nghĩa, vớ vẩn, “làm màu”.
20. Một đứa trẻ quấy khóc khi không có thứ nó muốn. Đàn ông trưởng thành biết nhẫn nhịn, kiềm chế ham muốn, không nóng vội trước sự hưởng thụ.
21. Đàn ông trưởng thành có kỷ luật thép với bản thân. Muốn bỏ nhậu nhẹt, thuốc lá, hay cờ bạc; muốn tiết kiệm tiền, ngủ sớm dậy sớm, tập thể thao, họ đều làm được. Và nếu thất bại, họ cũng không đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội