Lời ru buồn ở ký túc xá

Để có những giây phút đẹp đẽ trên giảng đường, phía sau đó có 1001 chuyện vui buồn của giới sinh viên. Loạt bài Phía sau giảng đường (do chính những người trong cuộc viết), sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh hơn về cuộc sống của sinh viên thế hệ @.

Thư đẩy chiếc xe nôi vào cổng ký túc xá (KTX), một vài người bạn ồ ra bế thằng cu con mũm mĩm nựng nịu, một vài người khác thì tỏ ra ngạc nhiên: “Trẻ thế mà đã có con?”.

 

Bà mẹ trẻ đưa mắt nhìn con đầy âu yếm, tuy nhiên trong ánh nhìn thiết tha đó không thoát khỏi nét buồn và mệt mỏi. Thư là một trong số không ít cô gái làm mẹ khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường mà chúng tôi đề cập dưới đây.

 

Tất cả đều là chuyện thật mà tác giả đã được tiếp xúc hằng ngày, nhưng vì lý do tế nhị, trong bài viết này chúng tôi xin được đổi tên và giấu địa chỉ.

 

“Em ra chú nhóc trói đời anh luôn”

 

Thư quê ở Bắc Giang, xinh xắn, trắng trẻo và ngoan hiền. Vào KTX một thời gian, Thư có người yêu. Vì ở cùng trong KTX nên suốt ngày họ quấn quýt như đôi sam. Lên giảng đường, lên thư viện, đi ăn cơm, buổi tối đi dạo… đều thấy họ tay trong tay.

 

Nhưng rồi một thời gian, không hiểu sao Quang, người yêu của Thư ngãng ra và đòi chia tay. Đau khổ và tuyệt vọng, Thư tìm mọi cách để giữ chân Quang. Nài nỉ, khóc lóc thậm chí đến mức cao nhất là dọa tự tử mà Quang vẫn không mảy may lo lắng. Thế là Thư nghĩ đến cách cũ kỹ mà không ít cô gái thường sử dụng để trói chân các chàng: Có con và đòi cưới!

 

Khi biết tin mình có thai, Thư vui mừng ra mặt còn Quang rất buồn rầu. Vài người bạn biết chuyện bảo Quang nên khuyên Thư giải quyết hậu quả. Tất nhiên là Thư không chịu khi đây là “chiêu” cuối cùng mà cô xuất ra.

 

Cuối cùng Quang đành phải gật đầu cưới Thư dù trong lòng không hề vui vẻ (Hai gia đình cũng khó khăn lắm mới chấp nhận đám cưới của hai người). Họ thuê căn phòng trong một ngõ trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) để chuẩn bị chào đón đứa con ra đời.

 

Những ngày đầu khi mới có con, có mẹ, người thân và bạn bè ở bên nên Thư chưa cảm nhận hết được nỗi vất vả. Thời gian sau, dù có bà cô ở quê xuống giúp nhưng Thư vẫn cảm thấy kiệt sức trong vòng xoay giảng đường và chăm con, lại không hề có kinh nghiệm nên mọi chuyện rối tinh rối mù.

 

Sáng 5 giờ đã phải dậy giặt giũ, pha sữa, nấu bột cho con, 7 giờ lên giảng đường, giữa buổi phải chạy qua nhà cho con bú, trưa về lại vào bếp nấu cháo cho con và nấu cơm cho cả nhà, chiều lại tiếp tục nấu nướng, giặt giũ.

 

Quang bất mãn với cách “bắt cưới” của Thư nên vẫn ham chơi, không giúp gì thêm được. Đó là chưa kể những hôm con ốm hoặc đến mùa thi. Có buổi con bị sốt không ngủ được khóc cả đêm, Thư phải ôm con thức trắng, Quang thì ngáy khò khò. Hay những hôm trước môn thi, phải đặt quyển vở trên bàn rồi vừa ru con vừa liếc qua bài.

 

Những lúc như thế, Thư nhìn con, nhìn chồng rồi nước mắt lặng lẽ chảy lúc nào không biết. “Có hôm em không biết, xay hoa quả cho con ăn dặm không đúng cách khiến bé bị đau bụng, mọi người mắng mà em chỉ biết khóc. Em có biết gì đâu!”- Thư ngậm ngùi.

 

Mới 20 tuổi, Thư vẫn có đôi mắt trong của một thiếu nữ, nhưng đôi mắt đó đã sớm nhuốm nỗi buồn: “Khổ lắm chị ạ. Các bà mẹ khác như em, họ có vất vả thế này không hả chị?”.

 

Đừng đùa với chuyện trăm năm!

 

Thật khó để đưa ra thống kê cụ thể về những cô gái làm mẹ khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

 

Đa phần trong số họ vừa mới qua tuổi 20, còn chưa đủ kinh nghiệm để gánh vác trọng trách lớn lao: Làm mẹ và hiểu biết của họ về sinh con, nuôi con còn ở mức rất sơ khai. Những vất vả mà Thư đã trải qua cũng là vất vả chung của tất cả những cô gái làm mẹ khi còn quá trẻ.

 

Có cô gái còn không hề biết mình mang thai, thấy bụng ngày một to ra, cứ tưởng mình bị béo bụng nên mua vòng về lắc. Đến khi xuất huyết phải đi khám thì mọi chuyện mới vỡ lở. Chuyện thật mà cứ ngỡ như đùa.

 

Ở KTX Học viện BC&TT còn lưu truyền một câu chuyện như sau: “Có vợ chồng sinh viên, một buổi thèm đi chơi quá liền gửi con cho phòng bên cạnh rồi… trốn đi xem phim.

 

Hai người thoát con sung sướng quá đi một mạch tận 11 giờ mới về. Báo hại cả phòng hàng xóm được một phen tá hỏa vì em bé cứ khóc ngằn ngặt vì đói, vì nhớ mẹ trong khi bà mẹ trẻ con vô tư không chịu để lại sữa hay bột gì.

 

Cũng may trong KTX có một chị nuôi con nhỏ nên họ đành bế bé xuống xin sữa. Còn bà mẹ trẻ đến lúc về rồi vẫn còn tiếc nuối buổi đi chơi “thoát cũi sổ lồng”.

 

Ghé vào phòng trọ của một vài bà mẹ trẻ mới thấy hết được sự vất vả mà họ phải trải qua. Sách vở được dẹp gọn qua một góc, thay vào đó là đủ loại bỉm, đồ trẻ con, nồi niêu soong chảo. Căn phòng luôn trong tình trạng bừa bộn và khai nồng. Đó là chưa kể đến một số bà mẹ vụng hoặc không biết cách dọn dẹp thì trông còn như một bãi chiến trường.

 

Nhưng điều họ khổ tâm nhất không phải là sự vất vả của bản thân mình mà là sự mặc cảm khi để bố mẹ phải nuôi thêm đứa cháu. Có một số sinh viên nữ có chồng đã đi làm thì còn đỡ nhưng nếu vẫn là “vợ chồng sinh viên” thì cực kỳ vất vả.

 

Như vợ chồng Thư - Quang ở trên, tính sơ sơ mỗi tháng họ phải chi hết hơn 3 triệu đồng trong khi vẫn phải ngửa tay xin bố mẹ. “Nhiều lần cũng muốn đi làm nhưng đi làm thì ai trông con? Cuối cùng đành phải dựa dẫm cả vào bố mẹ”- Quang cho biết.

 

Ra trường, những bà mẹ trẻ này ngoài tấm bằng đại học còn có thêm một tài sản vô cùng quý giá đó là chồng và con. Nhưng đôi khi, tài sản này lại là gánh quá nặng đối với một cô gái mới qua tuổi 20, nhìn cuộc đời còn nhiều kẹo ngọt.

 

Giã từ tuổi thanh xuân từ rất sớm, họ bước vào cuộc sống gia đình hầu như không có sự chuẩn bị nào và vì thế gần như họ phải vật lộn với cuộc sống để có thể chèo lái gia đình mình.

 

Làm mẹ là thiên chức cao quý và niềm hạnh phúc vô bờ nhưng làm mẹ ở thời điểm nào thích hợp để có thể hưởng niềm hạnh phúc đó được trọn vẹn là điều mà các bạn nữ sinh viên cần tỉnh táo suy nghĩ.

 

(Còn nữa)

 

Theo Hoài Trâm - Hải Yến

Tiền Phong