Làm sao để trẻ không cảm thấy bị "ra rìa" khi nhà có thêm em?

Bên cạnh niềm vui được đón em bé tiếp theo, nhiều ông bố bà mẹ còn phải đau đầu đối mặt với việc chuẩn bị tâm lý cho đứa con lớn về sự xuất hiện của thành viên mới.

Có thêm một thiên thần nhỏ là niềm hạnh phúc vô bờ bến của mỗi gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được đón em bé tiếp theo, nhiều ông bố bà mẹ còn phải đau đầu đối mặt với việc chuẩn bị tâm lý cho đứa con lớn về sự xuất hiện của thành viên mới.

Thực tế, nhiều người còn tỏ ra khá lúng túng với "bài toán khó" này. Phải nói với con như thế nào, chuẩn bị tâm lý cho con ra sao về việc sẽ có thêm em, có thêm niềm vui cùng trách nhiệm làm anh, làm chị là điều khiến bao người băn khoăn suy nghĩ. Nhất là khi chúng ta đã nghe không ít câu chuyện đau lòng khi các bé chưa được chuẩn bị tinh thần để làm anh, làm chị đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề như thế nào. Biết là khó nhưng đây là điều cha mẹ cần làm để trẻ có thời gian làm quen dần với việc sẽ có em.

Làm sao để trẻ không cảm thấy bị ra rìa khi nhà có thêm em? - 1

Ảnh minh họa.

 

Dưới đây là một số gợi ý mà cha mẹ có thể tham khảo khi gia đình chuẩn bị thêm thành viên:

Nắm rõ các thay đổi khi trẻ có em

Tùy vào từng trẻ, tùy tính cách và chiều sâu tâm lý của mỗi trẻ thường ngày như thế nào, biểu hiện cũng như tâm lý khi con có em sẽ có mức tương đương như vậy. Bố mẹ cần hiểu con mình, để khi con có những thay đổi khi có em, chấp nhận, thông cảm và thấu hiểu con hơn. Từ sự thấu hiểu này, bố mẹ sẽ không lên án hay quát nạt trẻ vì sự thay đổi đó, mà có cách xử lý phù hợp, để giảm thiểu những bất an cho trẻ, giúp con sớm bình tĩnh trở lại, nhanh chóng trở lại là một đứa trẻ hiểu chuyện hơn.

Nên báo cho bé biết tin mừng trước khi nói với người khác

Việc em bé nghe tin ấy từ bạn chứ không từ ai khác là rất quan trọng. Tốt nhất là cho bé biết ngay trước khi bạn kể với người khác. Như vậy, bé cũng sẽ không vô tình lộ bí mật nếu bạn chưa sẵn sàng. 

Trân trọng sự trưởng thành của bé và tiếp tục thường xuyên nói với con về em bé

Khi bụng bầu của mẹ bắt đầu to lên, hay khi em bé đạp, hãy cho con tiếp cận với sự việc này và giải thích cho trẻ hiểu một phần của vấn đề. Chẳng hạn, bố mẹ có thể sử dụng hình ảnh hay video liên quan đến thai kỳ, chỉ cho con và giúp con liên tưởng em bé trong bụng mẹ bây giờ cũng đang như thế. Chắc chắn những hành động này là một bước mô phỏng quan trọng, để trẻ có hình dung tốt đẹp về "đứa em" của mình ở hiện tại và tương lai. Trẻ vì thế cũng dần hình thành suy nghĩ về ý thức vai trò làm anh làm chị của mình, ở mức độ hiểu của trẻ.

Chú ý hành động của trẻ với em bé

Ngoài việc phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc trẻ, các bậc làm cha, làm mẹ cũng cần chú ý những hành động của trẻ đối với em bé. Vì ghen tị, trẻ có thể gây hại cho em bé. Đó là những hành động bộc phát vì trẻ còn nhỏ nên chưa thể nhận thức để phân biệt sai trái và các hậu quả của hành động do mình gây ra. Trước những tình huống này, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và khéo léo giải thích để con hiểu vì sao không nên làm như thế. Đừng la mắng hay đánh đòn con, vì điều đó càng khiến cho trẻ thấy tủi thân và cô đơn, trẻ sẽ thấy là cha mẹ yêu bé và bênh bé, chẳng còn yêu mình nữa. Cùng với giải thích, cha mẹ nên tỏ ra quan tâm đến con nhiều hơn, dần dần, trẻ sẽ tự hiểu ra rằng bố mẹ vẫn yêu thương mình và mình cũng cần phải yêu thương em bé, vì tất cả là một gia đình.