Làm gì khi con yêu sớm

(Dân trí) - Con trai bắt đầu nấu cháo điện thoại, con gái bắt đầu giấu giếm thư từ. Con trai thường vắng nhà không có lí do, con gái đột nhiên trang điểm và quan tâm đến ngoại hình. Không nghi ngờ gì nữa, con của bạn đang yêu.

Bạn sẽ tự hỏi không biết đấy là cảm xúc gì, có phải yêu thực sự? Làm sao bạn có thể kiềm lòng không chất vấn hay áp đặt những cái nhìn của mình lên tình yêu của bọn trẻ? Nhà tâm lý học nổi tiếng Lucile Vagner sẽ trả lời những câu hỏi mà đa số phụ huynh quan tâm.

 

Nếu tất cả đều tốt, cần phải làm gì?

 

Không nên làm gì cả nếu con bạn không nói về điều đó. Những rung động đầu tiên thuộc về vườn cảm xúc bí mật của bọn trẻ, lớn lên, lẽ tự nhiên sẽ thành yêu. Vì vậy tốt nhất bố mẹ nên tôn trọng.

 

Tuổi mới lớn là một thời kỳ thay đổi rất mạnh về tâm sinh lý nên không dễ gì bố mẹ can thiệp được vào cảm xúc của con nhưng hãy nhớ rằng, không cha mẹ nào không thể hỗ trợ con cái.

 

Còn quá trẻ?

 

Thật khó để nói rõ tuổi nào bắt đầu được yêu. Không hiếm trường hợp có “người yêu” khi còn học mẫu giáo. Tình cảm này sẽ tạm lắng khi học tiểu học và bắt đầu trở lại nghiêm túc hơn khi con bạn vào cấp II, nơi mà đi chơi với bạn trai hoặc bạn gái đã trở thành “một việc lớn”.

 

Chúng bắt đầu nắm tay, ôm hôn, điều này tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân gây ra sự rạn nứt tình cảm giữa chúng, trái lại, đôi khi còn là cách để chúng khẳng định mình đã lớn, có tư cách và trách nhiệm với cuộc sống hơn.

 

Bạn hãy mở rộng lòng khoan dung với con nhưng phải biết cách phản đối khi cần thiết: trước lối trang điểm quá khích, ăn mặc quá khêu gợi và những cử chỉ quá “thân mật” của con. Đừng làm một bạo chúa gia đình, hãy là một người lớn có hiểu biết để giao tiếp và chỉ cho con biết những gì được phép và không được phép làm.

 

Tuyệt vọng?

 

Nước mắt, tức giận, đe dọa tự tử là những nỗi buồn do tình yêu đem lại cho bọn trẻ và thường khiến cha mẹ lo lắng. Không nên bi kịch hóa tình huống, cũng đừng tìm cách làm dịu ngay nỗi buồn của con.

 

Hãy hỏi con xem chuyện gì đã xảy ra, lắng nghe và đừng phán xét. Nên động viên an ủi nếu con bạn không mở lòng tâm sự, hãy viện đến bà, hay người chị họ hoặc một người bạn tâm giao của gia đình. 

 

Giáo dục giới tính?

 

Mang thai ngoài ý muốn, bệnh tình dục, AIDS… là những lo lắng không của riêng ai. Tất nhiên cha mẹ nên cho con biết tại sao và làm thế nào để chống được nguy cơ trên. Hãy định hướng để con bạn tự tìm hiểu bản thân qua tài liệu ở trường lớp, khuyến khích con tham gia các chương trình bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên.

 

Và tình yêu?

 

Bọn trẻ “biết tuốt” và tin vào những điều chúng biết về tình dục. Nhưng thực ra chúng mới chỉ biết “yêu” thế nào mà chưa biết tại sao “yêu”.

 

Sự trao đổi tình cảm trong gia đình khiến đứa trẻ ngay từ nhỏ đã biết cho và nhận những cảm giác mang màu sắc giới tính, do đó ngay từ đầu vai trò giáo dục giới tính cho con cái đã thuộc về các bậc phụ huynh.

 

Vị phụ huynh đáng kính nào cũng từng là một đứa trẻ, bởi thế dạy con biết sống“cho tình yêu và sống bởi tình yêu đã trở thành niềm vui lớn của những người làm cha mẹ.

 

NTP

Theo Lucile Vagner-Police

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái