Lạm bàn chuyện chồng “thấp” vợ “cao”

Chuyện kể rằng có đôi bạn thanh mai trúc mã là Minh Thanh và Phương Thủy. Chàng mạnh mẽ, nam tính theo ngành kỹ thuật. Nàng thông minh, duyên dáng học ngành tiếng Anh, nuôi ước mơ làm cô giáo.

Sự sâu sắc, hiền lành, ít nói của Thanh đã làm Thủy, cô nàng hướng ngoại, hồn nhiên, ngây ngất. Có thể nói, hai tính cách của họ bổ sung cho nhau trong cuộc sống. Nhìn đôi tình nhân tay trong tay, bạn bè của chàng và nàng ngưỡng mộ: “Đúng là một cặp trời sinh”.

 

Ra trường, Thanh xin vào làm việc cho một công ty của nhà nước, còn Thủy được phân công dạy ở một trường ngoại thành. Tuy thu nhập không cao nhưng họ vẫn có thể thu xếp được một tổ ấm đơn sơ. Đôi trai tài gái sắc quyết định kết hôn dù đang còn nghèo.

 

Cuộc sống của đôi vợ chồng son đầm ấm và đầy tiếng cười.

 

Khi cột trụ không còn là trụ cột

 

Ngày ngày, Thủy phải đóng xe máy ra ngoại thành đi dạy. Lặn ngụp trong những lần kẹt xe, nhiều khi Thủy về đến nhà trời đã tối mịt. Xót vợ, Thanh khuyên Thủy nên nghỉ dạy hẳn, kiếm việc ở trung tâm thành phố làm để gần gia đình.

 

 Từ ngày Thủy nghỉ dạy, cuộc sống của họ thay đổi rõ rệt. Thủy may mắn trở thành nhân viên kinh doanh của một nhà xuất bản sách ngoại văn có chi nhánh tại TPHCM. Vào môi trường nước ngoài, Thủy như “cá gặp nước”. Chưa đầy một năm, mức lương của cô đã hơn cả nghìn đô-la.

 

Thủy sắm sửa nhiều vật dụng cho gia đình và cũng mua không ít quần áo thời trang, nước hoa, son phấn cho mình. Còn Thanh, với đồng lương khiêm tốn, anh không mua được gì nhiều cho vợ.

 

Tuy vẫn rất yêu thương vợ nhưng cảm giác “ngại ngùng” bắt đầu xuất hiện trong Thanh. Mỗi khi cần tiền cho những khoản mua sắm lớn, Thanh cảm thấy rất ngại vì phải “xin” tiền vợ. Thấy vợ chi têu nhiều cho quần áo thời trang, Thanh muốn góp ý nhưng lại thôi vì cho rằng “tiền của cô ấy mà”.

 

Cảm giác ngại ngùng của Thanh lâu ngày biến thành sự khó chịu và thất vọng. Nhất là khi nhìn vợ vô tư mang về những món đồ điện gia dụng nào ti-vi LCD, đầu DVD, tủ lạnh, máy lạnh… mà không hề bàn bạc với chồng dù biết Thanh vốn là dân kỹ thuật.

 

Tự ái của người đàn ông trỗi dậy, Thanh thường tự hỏi: “Không lẽ trong mắt cô ấy, người làm ra nhiều tiền mới là người có quyền quyết định?”.

 

Trong khi đó, vợ anh lại xuề xòa: “Mình bận rộn nhiều việc quá! Anh ấy cũng phải đi làm. Cứ lên mạng xem mẫu mã, nếu vừa ý, mình chỉ cần một cú điện thoại là hàng được giao tới tận nhà. Chẳng phải đỡ mất công cả vợ lẫn chồng sao?”.

 

Thậm chí, đến cái nệm trên chiếc giường cưới của hai người, Thủy cũng gọi điện cho người ta đến thay mới trước sự ngạc nhiên của chồng. Thanh bực bội: “Em giỏi nhỉ, hôm qua vừa mới dặn anh đi mua tấm nệm khác. Anh bận chưa kịp đi là em đã làm luôn rồi”.

 

Các em chồng gặp khó khăn chỉ cần gọi điện, chị Thủy hỏi han rồi sẵn lòng giúp đỡ ngay, nhiều khi quên cả báo với chồng. Em út trong nhà, đứa cần tìm chỗ làm, cần tham khảo ngành học, đầu tư… tất tần tật đều hỏi chị Thủy.

 

Yêu chồng, lo cho gia đình, nhưng Thủy quá vô tư trước cảm xúc của người bạn đời. Thanh vốn đã ít nói, nay càng kiệm lời hơn. Anh cảm thấy ý kiến của mình không còn giá trị tham khảo nữa. Vợ anh mới chính là trụ cột trong gia đình. Còn Thủy, do bị cuốn vào công việc nên cô không nhận ra khoảng cách bắt đầu xuất hiện giữa hai người.

 

Không còn là trường hợp cá biệt

 

Trường hợp của vợ chồng Thanh Và Thủy đang khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Tuy khoảng cách ngấm ngầm giữa họ ngày một lớn nhưng bi kịch tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra vì Thanh là người tự trọng và biết kiềm chế. Nhưng vậy không có nghĩa là không bao giờ xảy ra, và không phải ai cũng may mắn như Thủy.

 

Thúy Vân là kế toán viên của một công ty xuất nhập khẩu lớn. Chồng cô là bộ đội xuất ngũ, hiện đang làm bảo vệ cho một công ty giày dép ở khu chế xuất. Họ từng có một thời gian yêu nhau thắm thiết.

 

Từ khi Vân lên chức kế toán trưởng và nhận lương cao, chồng cô luôn khó chịu. Anh cảm thấy bị mất vai trò làm chồng. Mỗi khi đi nhậu về, anh đều giở giọng mai mỉa: “Bây giờ cô giỏi lắm rồi, lương cao, chức vụ cao, còn chồng cô thì chỉ là thằng lính quèn. Cô có thích thằng nào trong công ty, cho tôi biết. Tôi sẽ ly dị để hai người đến với nhau. Sung sướng nhé!”.

 

Thế là lời qua tiếng lại, rồi vợ chồng to tiếng, đôi khi còn xảy ra xô xát.

 

Vân cảm thấy như mình đang phải chịu một áp lực không cần thiết. Cô cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình và thất vọng vì cách cư xử của người đầu ấp tay gối. Bao nhiêu sự dịu dàng, nữ tính trong cô giờ đây tan biến hết. Vân trở nên nóng nảy, rất khó kiềm chế mỗi khi vợ chồng hục hặc nhau.

 

Biện pháp

 

Để lý giải cho tâm lý của những cặp vợ chồng lệch pha trong chuyện tiền bạc, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Yên Linh cho biết: “Trong gia đình, người kiếm được ít tiền hơn sẽ sợ phải chi tiêu bởi họ cảm thấy không có quyền sử dụng những đồng tiền người kia kiếm được. Từ đó sinh ra tâm lý tự ti, khó chịu”.

 

Đàn ông tuy là phái mạnh về cơ bắp nhưng tâm hồn rất dễ bị tổn thương. Trong những trường hợp như vậy, người phụ nữ ứng xử tế nhị và khôn khéo là người thành công.

 

Như trường hợp chị Hồng Ngọc, trưởng văn phòng đại diện của một công ty đa quốc gia, đáng để chúng ta suy ngẫm. Chị Ngọc chia sẻ: “Tôi cũng đã ở trong hoàn cảnh tương tự, nhưng thật may mắn là tôi đọc được những suy nghĩ, tâm tư của chồng”.

 

Theo kinh nghiệm của chị Ngọc, phụ nữ nếu đã “lỡ” kiếm tiền giỏi, nên áp dụng chiêu giả vờ làm “thỏ non” trước mặt chồng.

 

Chị bảo việc này rất kỳ công, phải rất nhẫn nại với chồng và cả gia đình chồng. Đi chợ, chị hỏi ý kiến ông xã thích ăn gì. Lễ, Tết, chị nhờ anh tư vấn mua sắm trang trí trong nhà. Tiền đưa bố mẹ hai bên, giúp đỡ em út, lo cho con cái đi học… từ việc lớn đến nhỏ chị đều kéo chồng tham gia.

 

Biết chồng hay ghen, dù đã gần 40 tuổi, chị vẫn nhõng nhẽo đòi chồng phải thỉnh thoảng chở đi làm. Theo thời gian, chồng chị đã không còn cảm giác tự ti vì thua kém vợ. Nhiều lúc, anh còn tỏ ra rất tự hào về người vợ giỏi giang của mình.

 

Thật vậy, ông bà ta từng nói: “Đồng vợ, đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Khi cùng bàn bạc và chia sẻ với nhau, mặc cảm “lương cô ấy nhiều hơn lương tôi” hay “tôi không phải là trụ cột trong gia đình” sẽ biến mất. Thay vào đó, người chồng vẫn thấy mình có vị trí quan trọng và tham gia quyết định vấn đề then chốt trong gia đình.Còn gì vui hơn khi gia đình, vợ chồng có được sự đồng cảm.

 

Để làm được điều đó, người phụ nữ phải thật tinh tế trong lời nói và khéo léo trong ứng xử, tránh làm tổn thương bạn đời. Đó không phải là điều quá khó để thực hiện, chỉ cần người vợ chịu khó quan sát và đặt mình vào địa vị người chồng để suy xét.

 

Ngược lại, về phần mình, đàn ông cũng cần có cái nhìn thoáng hơn trong xã hội hiện đại. Có một người vợ với trình độ và thu nhập cao đáng để tự hào. Dù gì đi nữa, họ vẫn là phái yếu và cần một bờ vai vững chắc để nương tựa.

 

Đã là vợ chồng, không nên tính toán thu nhập của từng người mà điều quan trọng là cả hai cùng phấn đấu cho tổng thu nhập của gia đình.

 

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ phụ nữ thu nhập cao hơn chồng đang tăng lên. Điều này không có nghĩa là tỷ lệ gia đình đổ vỡ vì thế cũng tăng theo. Thực tế đã chứng minh, không hiếm những cặp vợ chồng trong ấm ngoài êm như gia đình chị Hồng Ngọc. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi khẳng định sợi dây liên kết gia đình có bền chặt hay không, phần lớn nhờ vào khả năng ứng xử của người vợ.

 

 

Theo Như Quỳnh

Tiếp thị & Gia đình