Không nên đánh đồng báo hiếu với coi mẹ là nhất còn vợ chẳng ra gì

(Dân trí) - Bài viết “Ly hôn với chồng chỉ vì một câu nói” của độc giả Ái Linh gửi tới tòa soạn báo Dân trí sau một ngày được chia sẻ trên trang đã thu hút hàng nghìn lượt like và hàng trăm bình luận trái chiều. Các ý kiến tranh luận khá gay gắt về câu nói “bỏ vợ này có thể lấy vợ khác, nhưng mẹ chỉ có một…” có thực sự đúng hay không...


Không nên đánh đồng báo hiếu với coi mẹ là nhất còn vợ chẳng ra gì



Nhiều người chỉ trích Ái Linh ích kỷ, nông nổi khi so đo với mẹ chồng, song cũng không ít ý kiến đồng tình, ủng hộ quyết định ly hôn của chị.

Độc giả Ngọc Hằng (Cầu Giấy) bày tỏ quan điểm: “Bài viết không có gì gây sốc vì đây là chuyện không hiếm ở các gia đình trong xã hội Việt Nam. Bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu cảnh mẹ chồng “nhả chữ” dằn mặt con dâu rằng “vợ kiếm đâu chả được nhưng mẹ chỉ có một…”. Mình nghĩ đa phần trong hoàn cảnh này người con dâu sẽ chịu nhịn, nhường mẹ một bước nhưng bản thân câu nói này nếu từ mồm chồng nói ra với vợ thì không chấp nhận được”.

Cũng ở phe ủng hộ nàng dâu, bạn đọc Thùy Linh (du học sinh tại Anh) phân tích: “Người Việt mình hay đưa câu này ra khi muốn đặt con dâu - mẹ chồng lên bàn cân nhưng có nhất thiết phải làm vậy? Nói “mẹ chỉ có một” không hề sai nhưng “không có vợ này, lấy vợ khác” thì nhẫn tâm và gây tổn thương cho vợ quá. Thêm nữa, hôn nhân vợ chồng mà chỉ coi nhẹ đến thế sao? Bản thân mình và nhiều người khác nghĩ kết hôn là sự ràng buộc rất thiêng liêng, và xét cho cùng, trong đời mỗi con người, vợ chồng ở bên nhau lâu dài hơn chứ đâu phải con cái và bố mẹ. Con người ta ở bên mẹ dài lắm là 1/3 cuộc đời, lúc đã đủ lông đủ cánh thì sẽ “bay”, còn vợ chồng thì ở bên nhau lâu dài hơn thế, cùng chia sẻ và giải quyết mọi khó khăn trong cuộc sống tự lực của hai người, cũng như tận hưởng những hạnh phúc do cuộc sống đem lại.

Những bậc cha mẹ kể công lao của mình với con cái để buộc chúng phải đặt mình lên vị trí số một là không đúng, xét cho cùng, ngay cả với bố mẹ của các cụ, các cụ cũng có tận hiếu được đâu. Đó là cái nợ đồng lần, bố mẹ sinh mình ra, chăm sóc cho mình, rồi mình lại sinh con và chăm sóc cho chúng khi chúng còn non nớt. Mình có đòi được chúng phải chăm sóc lại mình đâu nếu sau này chúng lại bận bịu con nhỏ! Tất nhiên con cái nên có và rất cần có ý thức báo hiếu tới cha mẹ, nhưng sự báo hiếu đó không nên đánh đồng với coi mẹ là nhất còn vợ chẳng là gì”.

Đa số các bà vợ khi gửi phản hồi về bài viết đều bày tỏ cảm xúc thất vọng nếu chồng mình cũng thực sự suy nghĩ như chồng Ái Linh, bởi đó là biểu hiện của coi thường và bất cần vợ. Suy nghĩ đó của chồng chỉ khiến vợ mất lòng tin vào hôn nhân và chuẩn bị sẵn tâm thế ra đi chứ không thể toàn tâm toàn ý dành sự thương yêu và chăm sóc cho chồng nữa.

Luồng ý kiến trái chiều cho rằng suy nghĩ của chồng Ái Linh là đúng, mẹ chỉ có một còn vợ là người có thể thay thế. Điều đáng chú ý là các ý kiến ủng hộ quan điểm này đến từ phụ nữ không hề ít. Những phụ nữ theo quan điểm này cho rằng đã làm dâu thì nên nhẫn nhịn, một sự nhịn là chín sự lành, chồng có nói vậy cũng nên bỏ qua vì gái có công chồng chẳng phụ, mình cho đi thế nào sẽ nhận lại được như thế.

Như độc giả Hằng Bùi thẳng thắn: “Tôi không đồng tình cách giải quyết của bạn. Mẹ chồng có như thế nào thì cũng là mẹ chồng của bạn, mình phận con thì nên cố gắng để hòa hợp chứ ai lại lấy cớ đó để ly dị chồng. Sao bạn không đặt hoàn cảnh là mẹ? Nếu bạn có con trai, mà mai mốt con trai bạn có vợ, nó nghe lời vợ không coi bạn ra gì thì bạn thấy sao? Ví như vợ chồng bạn bỏ nhau đi, bạn ở với 2 người con trai mà 2 đứa nó đều nghe vợ, quăng bạn ra đường, lúc đó thì sao? Tự trả lời đi nhé, nông cạn hết sức…”

Phản bác lại ý kiến chê trách Ái Linh, nhiều người cho rằng yêu cầu được ra riêng của nàng dâu không có gì quá đáng cả. Trái lại, đó là cách giải quyết hay khi mẹ chồng - nàng dâu không thể dung hòa. Ra riêng không có nghĩa là tuyệt tình, ra riêng nhưng vẫn có thể đi lại chăm sóc cho gia đình riêng bé nhỏ của mình và hai bên bố mẹ.

Quanh vấn đề nóng bỏng này trong các gia đình Việt Nam, ý kiến chuyên gia cho rằng thực ra câu nói “vợ luôn thay thế được còn mẹ chỉ có một” là quan điểm từ thời “các cụ”, khi ý thức hệ phong kiến vẫn rất nặng nề. Nhiều người có thói quen ví von “lời các cụ” như kim chỉ nam cho hành động của mình, song rất nhiều tư tưởng của “các cụ” đến thời @ không còn đúng hoặc không còn được nhiều người chấp nhận nữa.

Trong thời đại mới, các mối quan hệ của con người đã trở nên tinh tế hơn, văn minh hơn, người ta hướng nhiều đến mục đích sống, ứng xử với nhau làm sao cho hạnh phúc, vui vẻ, làm sao cho đời người ngắn ngủi mà có ý nghĩa chứ không phải sống gò bó theo sự áp đặt, ép mình vào khuôn khổ chỉ vì đó là thước đo chuẩn mực của một hệ ý thức.

Các chuyên gia khuyên bạn, muốn gia đình hạnh phúc, mối quan hệ giữa hai người phụ nữ - mẹ và vợ - được dung hòa, rất cần sự tinh tế, khéo léo của người chồng, và tốt nhất là không nên so sánh, tránh gây tổn thương cho cả hai người phụ nữ mà mình yêu.

Huyền Anh
(Tổng hợp)

* Hãy tiếp tục chia sẻ ý kiến của bạn để tìm giải pháp cho mối quan hệ nàng dâu - mẹ chồng của gia đình Việt trong xã hội ngày nay bằng cách gửi bài viết về dantri@dantri.com.vn, hoặc tham gia bình luận cuối bài.