Không ăn được thì đạp đổ

Khi đạp đổ, họ vui sướng vì đã làm cho người mình từng yêu thương không còn cơ hội để có cuộc sống tốt hơn. Nhưng cuối cùng, chính họ cũng chẳng tìm được phút nào bình yên.

 
Không ăn được thì đạp đổ  - 1


Phá cho hôi

 

Cuộc hôn nhân của chị Trà (Đồng Nai) đầy cay đắng vì người chồng suốt ngày say xỉn, ghen tuông. Sau những trận đòn, chồng chị năn nỉ xin lỗi là chị lại mềm lòng tha thứ. Khi ba đứa con lần lượt ra đời, chị mới đề nghị ly hôn vì đã cạn sức chịu đựng. Lúc đó, chồng chị lạnh lùng tuyên bố: “Tao sẽ làm cho mày ân hận vì đã dám bỏ tao; làm cho không còn ai thèm ngó tới mày”.

 

Trước đây, chị Trà từng là hoa khôi của nông trường, được nhiều chàng để ý, nên khi chị đòi ly hôn, chồng chị nghĩ chắc chị đang có ai khác. Trong khi chờ ly hôn, ngày nào anh ta cũng nhậu say rồi lôi chị ra chửi, đánh trước mặt các con. Có lần chị phải đi bệnh viện cấp cứu vì những vết thương ở đầu và mặt. Anh ta muốn chị xấu xí, tàn tật để không còn lấy ai được nữa. Sau khi ly hôn, chị vẫn luôn sống trong sự sợ hãi, hoảng loạn, không dám soi gương vì vết sẹo dài tận cằm luôn làm chị nhói đau.

 

Chị My và chồng sống với nhau được mười lăm năm thì anh ta có người đàn bà khác. Anh ta không chối khi chị phát hiện. Anh ta bảo, tôi không mang tiền cho gái như cô kết tội, vẫn làm tròn trách nhiệm với gia đình. Chị lồng lộn với ý nghĩ “không cần tiền, thì cô ta cần gì ở anh?”. Thay vì tỉnh táo tìm cách giữ chồng, chị lại nghĩ chỉ có chị mới có “quyền sở hữu” anh. Ghen quá hóa dại, chị đã cắt “của quý” của chồng. Để xem, không còn làm đàn ông được nữa, chồng chị có còn đào hoa không!

 

Giờ kể lại chuyện cũ, chị chỉ còn nỗi ân hận. Chị bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích”, nhưng vì có đơn bãi nại của anh, vì đứa con thứ ba của chị lúc đó mới một tuổi nên chị chỉ bị án treo. Chị cười chua chát: “Tôi là người phụ nữ có tiền án tiền sự, tội của tôi là tội hiếm gặp đấy”.

 

Chị Bình (Q.Tân Phú) thì cũng vì “giận quá mất khôn” mà bây giờ chồng ở với người khác, con vào trường nội trú. Khi phát hiện cô kế toán công ty cặp bồ với chồng mình, chị như chết đứng. Vợ chồng chị đã trải bao năm tháng lăn lộn, bươn chải mới gầy dựng được cơ ngơi hôm nay. Suốt cả thời khó khăn đó, chị là người trụ cột, mà khi công ty làm ăn phát đạt, chồng chị lại phản bội chị. Chị muốn nghẹt thở khi chồng đòi ly hôn. Chị căm thù người phụ nữ đang muốn đoạt chồng, đoạt luôn cơ ngơi của chị. Chị quyết định cho chồng mình trở lại với cảnh “một túp lều tranh hai quả tim vàng”. Chị cho đăng bố cáo công ty phá sản. Chỉ trong vòng một tháng, tất cả các “con nợ” của công ty lập tức đòi thanh toán tiền, các cổ đông ùn ùn đòi rút vốn. Công ty của vợ chồng chị buôn bán nguyên vật liệu xây dựng, hàng hóa mua bán chủ yếu gối đầu, giờ nhà cung cấp ngưng giao hàng, các nhà thầu kiếm đủ cách để xù nợ, nên chỉ một thoáng là công ty tanh bành, chồng chị không trở tay kịp. Chị hả hê khi chồng chị không một xu dính túi, còn cô nào dám theo nữa hay không?

 

Chị không ngờ, cha mẹ vỡ nợ, con chị là người chịu thiệt thòi đầu tiên, gia đình chị tan nát đầu tiên. Chị nhận ra hậu quả thì đã quá muộn. Chồng không còn là của mình, con cái oán trách mẹ, công sức gầy dựng mấy chục năm bỗng chốc thành mây khói.

 

Được và mất

 

Khi cố tình “phá cho hôi”, nhiều người không biết chính sự “quậy phá” đó đã gieo rắc những mầm mống hận thù và trở thành rào cản chính họ trong việc xây dựng cuộc sống mới. Thử hỏi, khi người vợ không còn cả sức khỏe lẫn tinh thần, ai sẽ là người nuôi những đứa con khôn lớn? Khi hình ảnh người cha sụp đổ, người chồng làm sao để có thể dạy dỗ những đứa trẻ đang thiệt thòi vì cha mẹ ly hôn? Ly hôn, người trong cuộc đã mất đi người vợ/chồng, nếu có “đạp cho đổ” lại có thêm một kẻ thù. Đó là chưa kể sự trả thù còn khiến những đứa trẻ mất đi chỗ dựa tinh thần là họ hàng nội ngoại.

 

Và, khi ta đối xử như thế với người từng đầu ấp tay gối, liệu người thứ ba nhìn vào, có còn dám tiến tới với ta? Chưa kể, lương tâm của người gây ra những hận thù đó có được yên? Nhiều người khi lắng lại, đã rơi vào trầm cảm, bị mặc cảm tội lỗi đeo đẳng suốt cuộc đời.

 

Chồng chị Trà sau khi ly hôn vẫn tiếp tục tìm nhiều cách khủng bố vợ cũ, vu khống chị đã ngoại tình, bỏ chồng. Hậu quả là các con của hai người không thể chịu nổi ông bố, lần lượt bỏ nhà ra đi.

 

Còn chị My, bao năm trôi qua, chị vẫn chưa thể xóa hết mặc cảm tội lỗi. Chính chị đã gieo vào lòng con mình nỗi sợ về bạo lực. Chị đã cố gắng bù đắp cho con một cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ, nhưng không thể nào bù đắp được những thiệt thòi và mất mát mà chúng phải chịu. Các con chị không có hình mẫu gia đình lý tưởng để mong ước. Sống bên các con nhưng chị luôn thấy trống trải trong lòng.

 

Nhiều người quyết định ly hôn và đồng thời bỏ qua cho nhau mọi lỗi lầm. Có những người vẫn giữ được trạng thái cân bằng, giữ cho con vẫn có cha, có mẹ. Tất nhiên, nỗi mất mát nào cũng đớn đau nhưng nếu đã quyết định chia tay, hãy nhớ người đó tuy không còn là chồng, là vợ của mình nữa, nhưng vẫn là cha, là mẹ của con mình. Nếu họ sống tốt, họ mới có thể làm trọn bổn phận làm cha, làm mẹ. Đừng nuôi dưỡng thù hận mà đánh mất chính mình.

 

Theo Minh Huệ

PNO