Khi trẻ không vâng lời

"Con tôi hơn 3 tuổi, cháu ngoan nhưng thường có những biểu hiện sau làm tôi lo lắng: hay giận dỗi, người lớn không đồng ý cháu việc gì là cháu giận; đi đâu không bao giờ chịu chào hỏi ai dù được nhắc nhở thường xuyên. Xin giúp tôi đôi điều trong cách dạy dỗ con".

Trả lời tư vấn của tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy:

Cháu đang trong giai đoạn tuổi mẫu giáo, tuổi của những biến động tâm lý khi chuyển tiếp môi trường hoàn toàn trẻ con sang môi trường chập chững độc lập một mình. Các cháu trong giai đoạn này đang bắt đầu hình thành ý thức, nhất là nhận biết, ‎ý thức về những gì xảy ra chung quanh mình và ngay trong chính bản thân mình.

 

Các đặc điểm tâm lý này sẽ được hỗ trợ và phát triển thông qua các hoạt động vui chơi, vui chơi không tuân thủ một nguyên tắc hay một qui định nào cả.

 

Trong nhiều trường hợp, trẻ em tuổi này thích chơi trò chơi nào thì sẽ say mê với trò chơi đó, thậm chí xem chơi như là một loại… công việc. Do đó khi cha mẹ yêu cầu thực hiện điều gì đó, có thể các cháu sẽ phản ứng và tỏ ra buồn bực.

 

Không nhất thiết phải yêu cầu các cháu tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về giờ giấc vì cháu chưa thể hiểu và không biết điều đó là điều tốt, vì vậy việc cháu ăn quà trước hay ăn cơm trước cũng không có gì quá căng thẳng.

 

Dùng lời lẽ giải thích cho cháu trong trường hợp này chỉ có hiệu quả ở mức tương đối thấp, điều có thể thực hiện ở đây là cha mẹ có thể tìm cách trì hoãn việc ăn quà, tập cho cháu hình thành kỹ năng thích ứng với muôn sự khó khăn.

 

Bên cạnh đó, việc biểu lộ cảm xúc của con người nói chung và của bé nói riêng là quá trình chọn lọc và thích ứng với môi trường và hoàn cảnh. Một số không ít các hành động của các cháu tuổi mẫu giáo được hình thành từ việc quan sát và bắt chước người lớn. Vì vậy, nếu các bậc người lớn nói chung và cha mẹ nói riêng kiềm chế cảm xúc của mình thì sẽ có tác dụng tích cực với các cháu, các cháu sẽ được ảnh hưởng một cách tự nhiên.

 

Mặt khác, việc “vui vẻ nghe lời” hoặc có lúc “vùng vằng bỏ đi” từ các bé chỉ là những phản ứng thích nghi, chưa phải là một nét cá tính nếu điều đó không xảy ra thường xuyên.

 

Tập cho các cháu có những thói quen tốt trong ứng xử với con người, con vật, thậm chí với đồ vật sẽ giúp các cháu có mối quan hệ thân thiện với nhiều loại… “đối tác”, từ đó hỗ trợ các cháu hình thành cung cách ứng xử tốt.

 

Mọi việc đều phải bắt đầu từ thói quen, từ vô thức đến ý thức, các bậc cha mẹ cố gắng thể hiện sự kiên trì, không chỉ yêu cầu cháu thực hiện hành động nào đó một lần, mà phải nhiều lần và không chỉ nhắc nhở mà còn yêu cầu cháu thực hành ngay nữa.

 

Đặc biệt, giai đoạn này, các cháu đang rất cần sự hỗ trợ và “để mắt” thường xuyên của người lớn (trong đó có cha mẹ mình). Bạn hãy cố gắng cùng chơi, cùng trò chuyện với bé để tăng cường thêm sự gắn bó giữa cha mẹ với bé, giúp bé ý thức giá trị của mình dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn.

 

Theo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái