Khi phụ nữ xăm mình trở thành vấn đề tranh cãi
(Dân trí) - "Phụ nữ luôn hướng đến cái đẹp, nên cũng có nhu cầu sở hữu những hình xăm tôn vinh vẻ đẹp của họ", TS. Đinh Đức Tiến bày tỏ quan điểm về việc phụ nữ xăm mình.
Bùng nổ tranh cãi từ phát ngôn của đạo diễn Lê Hoàng
Mặc dù trong xã hội ngày nay nghệ thuật xăm mình rất phổ biến, song nó vẫn luôn là chủ đề nhận về nhiều ý kiến trái chiều và gây bùng nổ tranh cãi mỗi khi được nhắc đến. Đặc biệt hơn là việc phụ nữ xăm mình lại càng nhận về nhiều quan điểm đánh giá khác nhau.
Mới đây nhất, trong chương trình "Cuộc hẹn lúc 22 giờ" đạo diễn Lê Hoàng gây tranh cãi khi phát ngôn: "Tôi có một quy luật là phụ nữ đẹp xăm gì cũng đẹp, còn phụ nữ xấu xăm gì cũng xấu".
Giải thích về chia sẻ này, Lê Hoàng cho rằng một cô gái sở hữu làn da trắng muốt, nếu thêm một hình xăm nhỏ sẽ rất hấp dẫn. Theo ông, 3 yếu tố để thấy người con gái có hình xăm đẹp là hình đẹp, gương mặt đẹp và chỗ xăm hình cũng phải đẹp như da trắng, eo thon…
Phát ngôn gây sốc của đạo diễn Lê Hoàng lập tức trở thành chủ đề bàn tán trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Đa số bình luận "ném đá" vị đạo diễn nổi tiếng với phát ngôn gây sốc, có góc nhìn phiến diện và tư tưởng "body shaming".
Trước đây không lâu, trong dịp khai giảng 5/9 bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cô Văn Thùy Dương - phó Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đang phát biểu trước một sân trường không bóng người đã chạm đến trái tim của nhiều người. Tuy nhiên hình xăm sau gáy của cô lại trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội.
Ngay sau đó cô Văn Thùy Dương cũng đã có những chia sẻ và giải thích về ý nghĩa đặc biệt của hình xăm này trên trang cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều bình luận ủng hộ cô Văn Thùy Dương thì cũng có nhiều ý kiến suy diễn, bảo thủ và đẩy câu chuyện đi quá xa. Rõ ràng, vấn đề xăm mình ở phụ nữ vẫn luôn là vấn đề tranh cãi nảy lửa mỗi khi được nhắc tới.
Góc nhìn của chuyên gia văn hóa
Sau khi đọc những quan điểm của Đạo diễn Lê Hoàng, chuyên gia Văn hóa, TS. Đinh Đức Tiến (Trường Đại học KHXH&NV) bày tỏ: "Tôi cho rằng đây là quan điểm cá nhân, nó dựa trên nhận thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm sống... của đạo diễn Lê Hoàng. Chính vì là quan điểm, góc nhìn riêng của cá nhân, cần được tôn trọng.
Còn về việc phụ nữ xăm mình, tôi cho rằng, mỗi người đều có quyền riêng tư và làm những việc mà mình thích, miễn là không vi phạm pháp luật. Nên về mặt pháp lý, việc xăm mình nói chung và người phụ nữ xăm mình nói riêng, không có vấn đề gì".
Tuy nhiên, TS. Đinh Đức Tiến cho rằng, ở góc độ đạo đức hoặc quan niệm về các giá trị văn hóa của xã hội, thì việc xăm mình cần được đánh giá, xem xét trong từng môi trường và chuẩn mực của xã hội, cộng đồng người, nhóm người. Đối với một số nhóm người, việc sở hữu hình xăm trên cơ thể là một vinh dự, khẳng định vị trí của người đó trong cộng đồng sau khi vượt qua những thử thách, hoặc giành được chiến công cho cộng đồng.
Một số tộc người, do liên quan đến tín ngưỡng - tôn giáo, họ buộc phải trải qua xăm mình. Một số nhóm người, phụ nữ xăm mình được coi đó là vẻ đẹp và coi đó như một dạng "trang sức" trên cơ thể... Nhưng cũng có những cộng đồng, dân tộc, việc sở hữu hình xăm lại biểu trưng cho vị trí của người đó trong "thế giới ngầm", xã hội đen, chỉ những người là tội phạm (Nhật Bản, Hàn Quốc...).
Chia sẻ về nguồn gốc nghệ thuật xăm mình ở Việt Nam, TS. Đinh Đức Tiến cho biết, trong lịch sử có ghi nhận vương triều Trần có tục xăm mình, bởi nguồn gốc xuất thân sông nước, chài lưới của họ. Việc xăm mình là để phòng tránh và chống lại "thủy quái" trong quá trình hành nghề trên sông nước.
Sang đến thời hiện đại, việc sở hữu hình xăm trên cơ thể, theo quan niệm thông thường, có phần khá truyền thống mặc định họ là người xấu. Thực tế, người trong giới "giang hồ" vẫn coi đây là biểu tượng, thể hiện sức mạnh và công việc của họ.
Không chỉ riêng đàn ông, mà cả những người phụ nữ trong giới này cũng sở hữu những hình xăm để thể hiện địa vị và "chất ngầu" của họ. Bên cạnh xu hướng này, xã hội VN hiện nay cũng ghi nhận trào lưu xăm mình thẩm mỹ, họ hướng đến cái đẹp và thể hiện cá tính của bản thân, chứ không có ý định thể hiện mình là người của thế giới ngầm hay xã hội đen.
"Phụ nữ thì luôn hướng đến cái đẹp, nên họ cũng có nhu cầu sở hữu những hình xăm tôn vinh vẻ đẹp của họ. Vấn đề là, khi người phụ nữ sở hữu hình xăm thì cần "thông minh" lựa chọn hình xăm, vị trí xăm, kích thước hình xăm... phù hợp với con người mình từ tính cách, phong cách, vóc dáng cơ thể, đặc điểm khuôn mặt...
Đặc biệt là, họ cần chuẩn bị tâm lý, bản lĩnh để vượt qua những định kiến của xã hội. Nếu hình xăm đẹp, phù hợp với bản thân mình, thì vẻ đẹp được tôn vinh; nếu hình xăm không phù hợp với bản thân mình, thì đây quả thực là một thảm họa trong thẩm mỹ, người phụ nữ sẽ đánh mất đi vẻ đẹp của mình", TS. Đinh Đức Tiến bày tỏ.