Khi bà ngại trông cháu

“Con gái tôi 10 tháng, chưa bao giờ cháu được bà nội pha cho bình sữa hay thay cho cái bỉm. Những lúc hai vợ chồng bận quá, nhờ bà trông cho độ 10 phút là bà bế trả rồi” - Kim than thở về cảnh mẹ chồng “lười” trông cháu.

 
Khi bà ngại trông cháu - 1


Mẹ chồng Kim còn khỏe và còn trẻ nhưng ngay từ đầu, bà nội đã không có ý định trông cháu, dù nhà chồng có mỗi mình chồng Kim. Lúc mang bầu tháng cuối, Kim đã phải xin nghỉ việc. Đến nay, Kim vẫn ở nhà trông con, chứ không thuê người trông. Còn bà nội hôm nào rảnh thì cơm nước, lau nhà, hôm nào bận thì mọi việc nội trợ rồi nhà cửa, mình Kim phải cáng đáng hết.

 

Mẹ chồng Kim quan niệm, đến tuổi rồi thì phải có thời gian vui chơi, giải trí, tham gia các tổ múa hát, dưỡng sinh ở phường, rồi về quê lo giỗ chạp, hiếu hỉ, không thì “lân la buôn chuyện” nhà bà bạn này một chút, nhà bà bạn kia một tẹo, ngày Rằm, ngày Mùng Một thì đi lễ chùa... vô khối việc phải làm nên không có thời gian chăm cháu.

 

Với cả, mẹ chồng Kim bảo, bà đã vất vả cả đời rồi nên bây giờ cứ nghĩ đến cảnh dỗ dành trẻ con, “cứt đái”, rửa đít, đổ bô... mà không thấy hào hứng. Mẹ chồng muốn thế nên vợ chồng Kim vẫn tôn trọng mẹ chồng, tự thu xếp việc chăm con nhỏ. Có điều, không ít lần bận mà nhờ bà nội bế giúp cháu một lát cũng khó, có khi Kim đang đi vệ sinh cũng phải quýnh quánh nhanh ra mà bế con vì có người đang gọi bà... đi chơi.

 

Hơi khác Kim, Huyền (Long Biên, Hà Nội) trước khi sinh con đã phải cuống cuồng lo tìm người trông con vì cả bà nội, bà ngoại ở dưới quê đều bảo không lên trông cháu được. Hồi ở cữ, Huyền được mẹ đẻ lên chăm độ nửa tháng rồi đến “ca” của mẹ chồng. Nhưng bà nội chỉ ở được có dăm ngày là bảo có việc rồi về quê hẳn, không lên nữa. Mẹ đẻ Huyền lên trông con gái tiếp. Hết một tháng, Huyền phải một tay lo chăm con, một tay lo việc nhà vì bà ngoại đòi về, lo ông ở quê không có ai cơm nước, chăm sóc...

 

Con được 5 tháng, bà hàng xóm mới nhận trông, chứ khi bé nhà Huyền còn nhỏ quá, không ai chịu trông giúp. Thỉnh thoảng có muốn chạy đi đâu hay làm gì, Huyền lại phải ôm con sang nhờ bà hàng xóm trông cho một lúc. Chồng đi làm xa, vài tháng mới về một lần. Do đó, trăm việc, Huyền phải tự cáng đáng hết. Thỉnh thoảng thấy những bà đẻ được mẹ chồng (mẹ đẻ) chăm chút, bắt ăn món nọ, món kia tẩm bổ, Huyền lại thấy... thèm.

 

Cũng chỉ có ít thời gian được bà nội (bà ngoại) săn sóc khi ở cữ nhưng My (Thanh Trì, Hà Nội) không buồn. My tâm sự: “Khi con bé, mình nhờ bác giúp việc hết. Con hơn 2 tuổi thì gửi trẻ. Sau đó, một tay mình chăm con, lo cơm nước rồi chăm chồng vì chồng mình tối ngày chỉ biết có làm việc. Thế mà thấy cũng chẳng sao cả. Cũng không oán trách gì bà nội hay bà ngoại cả, dù hai bà còn khỏe lắm và cũng ở gần đây thôi”.

 

My kể, cả mẹ chồng và mẹ đẻ đều chỉ ở nhà, sáng đi chợ, trưa nấu cơm, ngủ rồi chiều dậy lại cơm nước cho ông, riêng mẹ đẻ thì còn lo cho dì út. Tuy nhiên, cả hai bà đều ngại trông cháu, bảo chơi với cháu một lúc thì được chứ trông cả ngày thì... chịu, mệt lắm. Thỉnh thoảng, bà nội tạt qua chơi với cháu buổi sáng, bà ngoại chạy sang thăm cháu buổi chiều là hết.

 

Theo My, được tự chăm con theo ý mình cũng có nhiều cái hay, đỡ hẳn cảnh con gái (con dâu) xung khắc với mẹ đẻ (mẹ chồng) về cách chăm nuôi con nhỏ. Hơn nữa, chăm cháu không phải việc đơn giản mà vô cùng vất vả nên nếu bà nội (bà ngoại) không muốn thì cứ để hai bà nghỉ ngơi cho khỏe. Giả dụ ngay cả khi hai bà nhận phần trông cháu thì nếu có thể tự trông hoặc có người giúp việc thì My cũng không muốn giao con cho bà, vì mong bà đuợc nghỉ ngơi, thỉnh thoảng chơi hoặc trông cháu hộ một lát là tốt rồi.

 

Nhiều bà nội (bà ngoại) vì lý do nào đó mà không cáng đáng việc trông cháu. Khi đó, vợ chồng phải thỏa thuận để cùng xoay sở với việc trông con khi không được bà giúp. Nhiều người mẹ chọn giải pháp nghỉ việc, ở nhà trông con, trong khi một số khác tìm thuê người giúp việc. Đó cũng là điều bình thường bởi quan trọng là tùy hoàn cảnh, vợ chồng nên chủ động dàn xếp việc chăm con thì mọi việc sẽ sớm ổn thỏa.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ&Bé