Hương phấn

Vợ chuyển chỗ làm. Ngày đầu tiên đi làm về, vợ lo lắng: “Anh ơi, nguy rồi, ở công ty này, họ buộc nhân viên phải trang điểm. Họ bảo, có như thế mới tạo ra nét tươi tắn cho bộ mặt công ty”. “Ừ thì trang điểm, làm gì mà em hốt hoảng đến vậy” - tôi trấn an.


Hương phấn



Vợ tôi lo lắng vì xưa nay nàng không quen việc trang điểm. Hồi mới yêu nhau, tôi cũng bảo vợ rằng “anh yêu em vì nét chân chất, tự nhiên, vì em không ăn mặc se sua hay trang điểm cầu kỳ như bao cô gái khác”. Lấy chồng được 5 năm, vợ vẫn giữ thói quen để mặt “mộc”, kể cả những dịp cần diện như lễ lạt, tiệc cưới. Nhưng bây giờ, vợ phải thay đổi thói quen đó và tôi cũng phải làm quen với diện mạo mới của vợ.

Lần đầu vợ trang điểm, tôi không giấu được tò mò, chạy vào buồng để “xem dung nhan ấy bây giờ ra sao”. Phải nói rằng, gương mặt vợ có nét, nên trang điểm lên càng nổi bật, trông xinh xắn hơn hẳn. Tôi lúng túng: “Trông em rạng rỡ hơn, nhưng xa lạ thế nào ấy”. Vợ nháy mắt: “Miễn không xấu hơn thường ngày làđược rồi”.

“Lĩnh vực” trang điểm, tôi không ngờ thật lắm công phu. Nào là màu son, loại son bóng, son lì, son có kim tuyến, son dưỡng, son dưỡng ẩm, rồi phấn cũng đủ các loại như phấn nền, phấn má hồng, phấn màu nude, phấn trắng; ngoài ra còn thêm cái vụ kẻ lông mày, vẽ mắt, chải lông mi… Sau khi ngồi nghe vợ giảng giải một thôi một hồi, tôi... chóng mặt, bảo: “Thôi thôi, anh thấy phức tạp quá, chẳng thể “tiêu hóa” được mảng kiến thức ấy”. Vợ nũng nịu: “Em nói sơ cho anh biết như vậy, để nhờ anh chở em đi mua sắm những thứ ấy”. Tôi mắt tròn mắt dẹt: “Lại còn thế nữa?”.

Đàn ông vốn chúa ghét những việc đại loại như việc tháp tùng vợ đi mua sắm, mà đi mua đồ trang điểm, lại càng ghét. Vợ cứ nài nỉ mãi, tôi cũng chiều. Lẽo đẽo theo vợ vào một trung tâm mua sắm, tôi thực sự choáng ngợp trước một “rừng” mỹ phẩm. Hương thơm từ nước hoa, son, phấn quyện vào nhau khiến không gian ở đây rất dễ chịu, thảo nào các bà thích lượn đến đây. Suy nghĩ của tôi về chuyện trang điểm của vợ cũng thay đổi nhiều khi được cô bán hàng tận tình tư vấn. Tôi đã tin rằng, thật “thiệt thòi” nếu phụ nữ không được trang điểm. Càng ngày, kỹ năng trang điểm của vợ càng lên tay, giúp gương mặt xinh xắn, rạng rỡ hơn. Tôi vốn bảo thủ trong quan điểm về cái đẹp, rằng là “hương đồng gió nội” hay “nét đẹp tự nhiên” vẫn là hay hơn cả, nhưng bây giờ lại nghĩ khác. Tôi từng vài lần muốn thỏ thẻ cùng vợ rằng: “Thực ra, thời hiện đại, phụ nữ cũng nên biết chăm chút nhan sắc, biết cách trang điểm phù hợp vẫn hay hơn”. Định bụng là thế, nhưng vẫn ngượng, khôngdám nói.

Tư tưởng ủng hộ vợ trang điểm là thông rồi, duy có điều này tôi còn “lăn tăn” mà mãi chưa dám mở lời với vợ: Bây giờ, vợ đã sành điệu hẳn lên, rạng ngời mỗi khi ra đường. Thậm chí, đi chợ mà vợ không “quẹt quẹt” chút son phấn cũng khó chịu, vì đã thành thói quen. Thế nhưng, khi ở nhà với chồng vợ lại “buông thả” trong ăn mặc. Dĩ nhiên, chồng chẳng đòi hỏi việc vợ trang điểm khi ở nhà, nhưng chí ít cũng phải ăn mặc gọn gàng, tóc tai không bù xù. Ra ngoài, vợ chăm chút ngoại hình kỹ lưỡng, chẳng lẽ không thể gọn gàng khi ở nhà?

Dạo này, tự dưng nghĩ đến chuyện vợ từ “nhà quê” đã chuyển thành “thị dân” khi đầu tư mỗi ngày cho việc chăm sóc nhan sắc, lòng tôi thấy vui lên. Ai bảo quan điểm về thẩm mỹ không thể thay đổi? Nếu đó là thay đổi có chiều hướng tốt hơn thì cần hưởng ứng mạnh. Nói ra cũng hơi ngượng, rằng bây giờ mỗi lần đi công tác ở tỉnh vài ngày, tôi chẳng những nhớ bóng dáng vợ, mà còn nhớ cả mùi hương phấn của vợ.

Theo Định Quân
PNO