Hứa về ăn Tết nhà ngoại, chồng giờ nói một câu khiến tôi bật khóc

Giang Bùi

(Dân trí) - Tôi quê ở Hà Tĩnh, lấy chồng và làm việc tại Hà Nội. Vì vậy, mỗi lần muốn về thăm nhà, tôi đều phải tính toán rất kỹ lưỡng.

Khoảng cách xa xôi, công việc bận rộn, thời gian nghỉ ngắn ngủi khiến cả năm tôi chỉ có dịp Tết là cơ hội duy nhất để về quê sum họp cùng gia đình. Khi mới cưới, hai vợ chồng thống nhất sẽ luân phiên ăn Tết một năm ở nhà nội, một năm ở nhà ngoại. Tôi cho rằng, đó là thỏa thuận công bằng.

Bố mẹ tôi có hai đứa con gái đều đã lấy chồng. Nhà rất vắng vẻ, cả năm chỉ mong dịp Tết để các con trở về. Nhưng thực tế, thỏa thuận ấy chỉ có tôi là người cố gắng giữ, chồng tôi chưa một lần giữ lời.

Kể từ khi cưới đến nay được 5 năm, năm nào cũng vậy, cứ đến lượt ăn Tết nhà ngoại là anh tìm đủ mọi lý do để trì hoãn. Năm bảo công việc bận rộn, năm lấy lý do nhà nội cần con trai trưởng ở lại lo liệu.

Hứa về ăn Tết nhà ngoại, chồng giờ nói một câu khiến tôi bật khóc - 1

Chồng tôi hứa hẹn nhưng không giữ lời, anh không hề nghĩ đến hoàn cảnh của nhà vợ (Ảnh minh họa: iStock).

Anh luôn khăng khăng rằng: "Bố mẹ anh chỉ có mỗi mình anh, em thông cảm". Nhưng còn bố mẹ tôi thì sao? Chẳng lẽ vì tôi là con gái mà tình cảm của họ lại không được coi trọng?

Tết năm nay, anh hứa chắc nịch sẽ cùng tôi về ngoại vì đã lỡ hẹn suốt mấy năm liền. Tôi tin tưởng và báo trước với bố mẹ để chuẩn bị.

Mẹ tôi vui mừng đến mức gọi điện hỏi han suốt, hỏi tôi và các con thích ăn món gì, muốn mang gì từ nhà ra Hà Nội sau Tết. Bố tôi tranh thủ sửa sang nhà cửa, bảo rằng năm nay phải đón con rể về cho thật tươm tất.

Nhưng khi chỉ còn vài tuần đến Tết, chồng tôi lại bất ngờ đổi ý. Anh bảo: "Năm nay, ở lại nhà nội đi. Ông bà nội tổ chức mừng thọ, mình không ở nhà, mọi người sẽ đánh giá".

Tôi đã cố gắng gợi ý, cả hai có thể về ngoại vài ngày đầu năm rồi quay lại kịp lễ mừng thọ, nhưng anh gạt đi ngay: "Đi lại thế làm gì cho mệt. Em cứ ưu tiên nhà anh trước đi, năm sau tính tiếp".

Đây là lần thứ 3 anh "hẹn năm sau". Tôi cố giữ bình tĩnh nhắc lại lời hứa của anh, rằng năm nay phải về ngoại. Nhưng anh không những không nhận lỗi, mà còn quay sang trách ngược: "Lúc nào em cũng nghĩ cho nhà ngoại, còn bố mẹ anh thì sao? Bố mẹ anh chỉ có mỗi mình anh".

Những lời anh nói như tạt gáo nước lạnh vào tôi. Phải chăng tôi không hiểu hay chính anh chưa bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của tôi?

Gia đình tôi ở xa, bố mẹ đã già, cả năm chỉ mong gặp mặt con cháu. Vậy mà năm nào, anh cũng viện đủ lý do để từ chối. Chồng tôi không chỉ không giữ lời, mà anh còn quá hà khắc trong cách cư xử.

Anh chưa bao giờ để tôi tự quyết định những việc liên quan đến nhà chồng. Thậm chí, những lần hiếm hoi tôi xin phép về quê thăm bố mẹ trong năm, anh cũng không mấy hào hứng.

Có lần, tôi tranh thủ kỳ nghỉ lễ dài để về quê vài ngày, anh lại lạnh lùng bảo: "Lần nào em cũng về, chẳng lẽ nhà ngoại quan trọng hơn cả gia đình nhỏ của mình?".

Tôi vẫn nhớ lần bố tôi bị ốm nặng phải nằm viện dài ngày. Tôi sốt ruột muốn về chăm sóc ông nhưng chồng tôi viện cớ rằng, việc công ty rất bận, bảo tôi hãy gọi điện hỏi thăm từ xa. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, vừa giận chồng, vừa tủi thân vì không thể làm tròn bổn phận của một người con.

Nếu tôi tiếp tục tranh cãi để đòi chồng giữ lời, tôi lo không khí gia đình sẽ càng căng thẳng, ảnh hưởng đến những ngày Tết. Nhưng nếu nhượng bộ thêm một lần nữa, tôi sợ bố mẹ sẽ buồn lòng.

Tôi thực sự không biết phải làm gì để chồng hiểu và giữ đúng lời hứa. Và nếu anh nhất quyết không về, tôi nên làm thế nào để bố mẹ tôi bớt buồn?

Tết này, tôi chẳng còn mong gì hơn ngoài một cái Tết sum vầy, trọn vẹn cả hai bên. Nhưng liệu điều đó có quá khó với một người vợ xa quê như tôi?

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.