Hôn nhân nửa vời
Với một số người, hôn nhân đến nhẹ nhàng như món quà của cuộc sống dành riêng cho họ. Nhưng cũng có nhiều người phải chật vật tìm kiếm, thậm chí bấu víu, giành giật vẫn chưa chắc có được hạnh phúc ấy.
Quỳnh Anh đã ngoài 30 tuổi, làm y tá trong một bệnh viện lớn. Năm năm làm ở phòng hiếm muộn, cô hiểu rất rõ những khát khao được làm bố, làm mẹ của bệnh nhân. Và cô cũng hiểu, làm bố, làm mẹ chẳng dễ chút nào. Hai năm trước, cô gặp Quảng, khi anh đưa vợ đến bệnh viện điều trị hiếm muộn. Vợ chồng anh cưới nhau đã 5 năm mà chưa có con. Cảm thông với sự nóng lòng muốn có con của anh, quý trọng sự nhiệt tình của cô y tá, hai người trở thành bạn bè. Nhiều lần nhìn cảnh Quảng chăm chút cho vợ từng ly từng tý, Quỳnh Anh chợt xúc động và nẩy sinh cảm tình với người đàn ông đó. Rồi không biết tự bao giờ, cô ước mình có được một người chồng như thế. Mỗi lần nghĩ đến công việc và gia đình, cô đều thấy thấp thoáng hình ảnh của Quảng. Cô muốn chiếm đoạt và giành từ tay bệnh nhân của mình người chồng lý tưởng đó.
Điều tệ hại nhất cũng đến: cô đã thông báo những tin bất lợi cho bệnh nhân và “người nhà” bệnh nhân. Cô gieo vào lòng họ một nỗi thất vọng trong việc điều trị, chạy chữa. Cô khích lệ Quảng rằng anh không phải là người có lỗi trong chuyện này. Anh là con trai đích tôn, anh cần có người nối dõi. Cô cố trở thành chỗ dựa của Quảng trong cơn thất vọng. Cuối cùng thì Quảng sa vào bẫy tình của cô y tá. Quỳnh Anh còn tìm đến nhà Quảng, gặp mẹ của Quảng, thủ thỉ với bà về “cậu quý tử con” đang lớn dần lên trong bụng mình. Gia đình Quảng chấp nhận cô, như một giải thoát cho nỗi khao khát chờ đợi cháu đích tôn bao năm qua. Bà ép con trai phải bỏ vợ, đón Quỳnh Anh về nhà để lo cho “mẹ con nó”.
Phần vì tự ái, phần vì phải sống trong mặc cảm, chị Hà - vợ anh Quảng nuốt nước mắt đồng ý để chồng tự do lấy người khác. Vậy là Quỳnh Anh nghiễm nhiên dọn về ngôi nhà ba tầng ở quận 3, TPHCM và trở thành trung tâm chú ý của mẹ chồng. Cô tự an ủi khi có con, cô sẽ giành được tình yêu của người đàn ông mà mình cần.
Nhưng hình như ông tơ bà nguyệt muốn điều chỉnh sự sai lầm của mình. Anh Quảng vẫn “qua lại” với vợ và điều kỳ diệu đã đến khi chị Hà có thai. Trớ trêu hơn, Quỳnh Anh lại đang mang thai bé gái, trong khi trong bụng chị Hà lại là con trai. Vẫn là vợ, là dâu, vẫn là người mẹ đứa con trong bụng nhưng không còn sự chăm chút của mọi người, Quỳnh Anh thấy mình lạc lõng trong ngôi nhà mà mình từng mơ ước. Thui thủi một mình, nhiều lúc cô thấy đứa con là gánh nặng. Cô dùng đứa trẻ để giành giật người đàn ông cho mình, nhưng cô không đủ sức để đánh thức được tình yêu nơi chồng. Thất vọng khi không đạt được mục đích của hôn nhân, cô dần bỏ bê bản thân và đứa con bé bỏng.
Chơi vơi làm mẹ
Uyên đang mang thai tháng thứ bảy trong lòng đầy ân hận. Khi thấy đám bạn lần lượt có người yêu và có gia đình, Uyên đã rất sốt ruột vì cô cũng không đến nỗi xấu nhưng lại là người chậm nhất. Vì thế khi gặp Dũng, cô cảm giác đây là cơ hội có một người đàn ông nên dùng mọi cách để Dũng về ở cùng. Trong thời gian sống chung, họ đã nhiều lần cãi nhau, thậm chí cô còn bị Dũng đánh. Biết Dũng là người đàn ông cộc cằn thô lỗ nhưng cô vẫn hy vọng tình cảm và lòng tận tụy của cô sẽ làm Dũng thay đổi. Nhiều lúc cô tự an ủi “có còn hơn không”.
Nghe tin Dũng có người con gái khác, Uyên quyết định “dính bầu” để níu kéo, hy vọng vì đứa con trong bụng, Dũng sẽ ở lại với mình. Cô càng níu kéo Dũng càng chạy trốn. Anh ta tuyên bố đó không phải con mình, bắt cô phải phá thai và cương quyết không chịu trách nhiệm. Khi cái thai đã quá to, không thể phá được, cô mới cuống cuồng lo lắng. Không có tiền, không người thân bên cạnh, những đêm dài không ngủ đã khiến sức khỏe cô suy sụp nhanh chóng. Vài lần Uyên tự tử nhưng không thành. Bình tĩnh lại, cô hiểu, Dũng không yêu cô và không hề cần cô. Ngược lại, chính cô cũng không hoàn toàn thấy hạnh phúc và bình yên khi ở bên Dũng. Cô cứ ngỡ, vì đứa con trong bụng, mình có thể vượt qua được mọi trở ngại và một người đàn ông đã ngoài 30 tuổi như Dũng rất cần một gia đình và những đứa con. Sợ mất cơ hội làm vợ, cô quyết định làm mẹ để níu kéo người đàn ông. Cô đã không biết, người phụ nữ có thể sống vì con, làm hết mọi việc vì con, nhưng người đàn ông khi phải làm bố “bất đắc dĩ” sẽ luôn cảm thấy bị lừa.
Tình cảm vợ chồng vốn bắt nguồn từ tình yêu đôi lứa, nhưng tình yêu đó phải nảy nở một cách tự nhiên. Tình cảm vợ chồng không thể bắt đầu từ một sự gượng ép, áp lực, “ăn vạ”. Nhiều người nghĩ, khi đưa người đàn ông vào thế “đã rồi”, gắn họ vào trách nhiệm làm cha thì sẽ nắm được tình cảm của họ. Nhưng thực tế cho thấy, cuối cùng chính người phụ nữ phải gánh chịu hậu quả, bởi người đàn ông chỉ hết lòng với gia đình khi chính họ lựa chọn và tự nguyện.
Ai cũng muốn có một gia đình trọn vẹn, ai cũng muốn có những đứa con hạnh phúc và thành công, nhưng nếu chỉ vì một chút tham lam, một chút nông nổi, ích kỷ, người phụ nữ dễ làm cho cuộc sống của chính mình rơi vào bị động, để rồi phải ngậm ngùi với một cuộc hôn nhân nửa vời.
Theo PNO