Học làm một người mẹ, người cha hiểu con
(Dân trí) - Tâm lý trẻ em thường phát triển theo hướng bản năng, khó đoán. Thật may là nếu cha mẹ dành ra chút nhẫn nại, chú tâm thì vẫn có thể học được cách thấu hiểu các con của mình.
Quan sát kỹ là chìa khoá
Cách thức đơn giản nhất mà cũng hiệu quả nhất trong tâm lý học chính là quan sát. Vì vậy, hãy thể hiện bạn đang chú ý tới những gì bé nói, bé làm, từng hành động, biểu cảm, thái độ khi bé ăn, chơi, ngủ, nghỉ đều cần phải được cha mẹ chú ý quan sát.
Dành thời gian cho bé
Cha mẹ thường xuyên bận rộn công việc. Tuy nhiên, nếu muốn hiểu bé thì cha mẹ nhất thiết cần dành thời gian ở bên bé. Chỉ ăn tối hoặc đưa bé tới trường là không đủ. Cùng chuyện trò và cùng vui chơi mới có thể khiến cha mẹ và con cái xích lại gần nhau.
Dành trọn sự tập trung cho bé
Con trẻ xứng đáng với sự quan tâm trọn vẹn từ cha mẹ. Vì vậy, đừng chơi trò “tranh thủ” khi vừa lái xe, làm việc, nấu ăn lại vừa bâng quơ bắt chuyện với bé. Hãy dành ra một khoảng thời gian “độc quyền” riêng cho con cái.
Chú ý tới môi trường phát triển của bé
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng hành vi và thái độ của trẻ được định hình dựa trên chính môi trường mà đứa trẻ đó lớn lên. Vì vậy, để con cái có thể khôn lớn nên người, cha mẹ nhất định phải quan tâm tới môi trường xung quanh.
Hiểu về trí não của trẻ
Cha mẹ nên nghiên cứu thêm về cách thức hoạt động của trí não để hiểu về các phản ứng của bé trong nhiều tình huống khác nhau. Thái độ, quyết định, suy nghĩ, nhận thức của bé đều có nguyên nhân và chỉ một tác động tiêu cực tới trí não bé cũng có thể khiến bé phản ứng sai quấy.
Lắng nghe
Ngoài “nói”, cha mẹ cần “nghe” bé một cách trọn vẹn. Hãy dành thời gian lắng nghe để hiểu những điều bé muốn bày tỏ. Ngay cả khi bé còn chưa nói được tròn vành, rõ chữ thì những cử chỉ hình thể vẫn có thể giúp cha mẹ ước đoán về suy nghĩ của bé.
Đặt câu hỏi đúng cách
Khi lắng nghe trẻ nói, cha mẹ nên đưa ra các câu hỏi phù hợp. Và đây nên là những câu hỏi mở để khuyến khích trẻ chia sẻ thêm chi tiết. Ví dụ, thay vì hỏi “con có thích bài hát này không?”, bạn có thể hỏi bé rằng “con nghĩ gì về bài hát này?” để khuyến khích bé bày tỏ.
Đồng cảm với bé
Hãy hình dung phản ứng của bạn khi còn là một đứa trẻ để hiểu con cái tốt hơn. Và hãy theo dõi biểu cảm, lời nói của con để biết được con đang thực sự cảm thấy điều gì và dĩ nhiên, hãy cố gắng để không phán xét con cái.
Đừng coi thường tâm lý của bé
Một vài bậc cha mẹ xem nhẹ cảm xúc và tâm lý của con cái mà không biết rằng những điều này có tác động to lớn khi con trưởng thành. Hãy cố gắng tìm hiểu và chia sẻ để con có một tâm lý lành mạnh, vững vàng. Đừng vì con không than phiền mà nghĩ rằng con đang hạnh phúc, hãy tự mình chia sẻ với con thay vì đặt ra các giả định để rồi không thực sự hiểu rõ về tâm lý của con.
Trà Xanh
Theo MOM