Hoài niệm Tết xưa

(Dân trí) - Như đã thành lệ, mỗi năm cứ đến độ giáp Tết trời lại đổ mưa, thường là những cơn mưa dầm rả rích, sướt mướt kéo theo cái rét tê cóng của gió mùa Đông Bắc khiến chiều cuối năm đượm một không khí hoài niệm buồn.

Chỉ có bầu trời vẫn hừng lên, những khóm lay ơn và cây mai trước sân vẫn chúm chím hé nụ đầy kiêu hãnh như muốn nói: Xuân đã về.
 

Ngày ấy, mỗi lần đến độ giáp Tết mẹ lại lục lọi mớ hóa đơn đối lưu hàng hóa cùng cuốn sổ mua hàng của cửa hàng mậu dịch vuốt ve phẳng phiu, khẽ thở dài “không biết có chen nổi mà mua nữa không đây, ba ngày Tết người đông như kiến”… Quả thực, giờ nghĩ lại còn thấy buồn cười, cả năm nuôi được con heo phải nhập cho mậu dịch, họ đưa lại cho tờ hóa đơn mua hàng, ba ngày Tết cái gì cũng cần, từ gói mì chính đến lít dầu hỏa lại còn vải vóc, mứt kẹo thành ra cái gì cũng phải chia ra mỗi thứ một tí, bốn anh em đứa nào có áo mới rồi thì mua thêm vải may quần, đứa nào vừa may quần năm trước thì được may áo mới… Chúng tôi còn nhỏ, chẳng hiểu gì cứ ỉ ôi, mè nheo đòi phải có pháo. “Pháo pháo! Có xé ra mà ăn được không”, mẹ nói vậy thôi chứ khi nào về trong thúng hàng ngập ngụa cũng có bánh pháo Bình Đà sắc hồng nằm cuộn tròn như băng đạn đầy khêu gợi, thế là khoái, thế là Tết, khỏi cần ăn.

 

Ba thì bận hì hụi với nồi rượu Tết, phải tự nấu mới ngon chứ rượu cửa hàng mậu dịch vừa dở vừa hiếm. Khốn nỗi mỗi lần nấu rượu chúng tôi phải thay phiên nhau canh gác chứ cán bộ, đảng viên mà nấu rượu lậu, không kỷ luật cũng bị phê bình. Chiều hai tám, ba và vài người bạn lại hì hục mổ heo, tính ba là thế, cả năm nuôi được cặp heo, một con làm nghĩa vụ cho nhà nước còn một để thịt cho con cái ăn chứ không bán… Chúng tôi lại háo hức đợi làm xong lấy bong bóng. Khi cỗ lòng, khay tiết canh hoàn tất, cái thủ lợn được bài trí gọn gàng đặt lên bàn thờ tổ cũng là lúc mâm cỗ tất niên hoàn tất, cây đèn bão mua về nhưng cả năm không dám sử dụng giờ được thắp lên sáng trưng cả căn nhà khiến ai cũng trầm trồ đèn tốt. Tiếng pháo nổ đì đùng, mùi nhang trầm tỏa ra ngào ngạt bay xa khiến buổi chiều cuối năm ủ ê trong giá rét bỗng dưng ấm lạ.

 

Hồi ấy cũng tài, vẫn công việc đồng áng, cuối năm bận bù đầu nhưng nhà nào cũng ăn Tết sớm. Từ rằm tháng Chạp trở đi lác đác tiếng pháo nổ, nhất là những đại gia đình, anh em đông, cứ lai rai đến trưa ngày ba mươi tập trung về nhà gốc, vừa khoa học vừa ấm cúng… Thì ra trong thẳm sâu mỗi gia đình Việt Nam ai ai cũng háo hức đón Tết. Đó đâu chỉ là phút giao mùa của đất trời mà còn cố kết tình anh em, họ mạc, cái lý cả ngàn đời nay vẫn thế, chả thế mà ngày nay dù đi học hay phải làm ăn xa ai cũng cố kiếm cho bằng được cái vé tàu về quê ăn Tết, như thể cố tìm lại một thời ký ức đã qua, nghèo đói nhưng thơm thảo, đậm chất quê, để cho tâm hồn nhẹ nhõm sau bao ngày bươn bả đua chen vì cuộc sống.

 

… Tiếng xe máy chậm dần rồi tắt hẳn, không nhìn ra tôi cũng biết mợ Thảo về. Mang tiếng dân thành phố nhưng năm nào giáp Tết mợ cũng về, trước là thăm bà con sau nữa kiếm mớ lá chuối, ít lá gai về làm bánh. Lệ nhà mợ xưa nay là thế, bánh trái phải tự gói chứ ngoài cửa hiệu không ngon mà lại mất đi hương vị cổ truyền… Đôi mắt mợ nhìn ra khoảng không xa thẳm, tôi biết có một nỗi u hoài chất chứa đằng sau tiếng thở dài ấy. Từ ngày chú được cất nhấc lên lãnh đạo sở thì những bữa cơm nhà càng lúc càng hiu quạnh. Mỗi năm qua đi xuân sắc của mợ cũng nhạt phai, mà vây quanh chú bao nhiêu cô gái trẻ, ỡm ờ có, suồng sã có, họ sẵn sàng đánh đổi để rộng đường thăng tiến. Mợ hy vọng ba ngày Tết với bữa cơm sum vầy sẽ là sợi dây thiêng liêng cố kết gia đình…

 

Hóa ra mùa Xuân diệu kì hơn ta tưởng, và chắc trên cõi đời này không chỉ mình tôi ôm mối hoài niệm khi Tết đến Xuân về.

 

Đình Dũng