Hãy học cách “ghen” của Hoạn Thư

Đã bao thế kỷ nay, Hoạn Thư (nhân vật trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du) đã trở thành biểu tượng của sự ghen tuông tàn nhẫn, độc ác, nham hiểm, của đàn bà. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người đã thay đổi cách nhìn nhận, thậm chí tìm cách "minh oan" cho Hoạn Thư.

Nhà nghiên cứu Tạ Quang Khôi cho rằng: Có thể nói, nếu Hoạn Thư đánh ghen (như người ta vẫn gán cho nàng) thì cuộc đánh ghen đã rất nhân từ, độ lượng, rất trí tuệ và độc đáo. Đọc kỹ "Đoạn trường Tân Thanh" có thể thấy ban đầu Hoạn Thư chỉ giận chồng chứ không hề thù ghét tình địch, nàng cũng không muốn "rước" lấy tiếng ghen: "Dại chi chẳng giữ lấy nền/ Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình". Sở dĩ Hoạn Thư không dám ghen là vì lễ giáo phong kiến cho phép người đàn ông "năm thê bảy thiếp", song nhất thiết phải công khai chuyện đó với vợ cả; ngoài ra còn vì nàng chưa có con để nối dõi tông đường. Khi biết Thúc Sinh đang đắm đuối với Thúy Kiều, Hoạn Thư muốn chồng phải lên tiếng trước, làm thủ tục "thông báo" cho đúng lễ nghi. Nếu chàng Thúc mạnh dạn làm vậy thì chắc chắn Hoạn Thư cũng phải đành chấp thuận. Nhưng chàng về nhà chẳng hề đả động chuyện đó, mặc dù Hoạn Thư đã khéo léo gợi ý. Rồi chàng Thúc lại hoan hỷ ra đi sống với tình nương nơi xứ người, đó là nguyên nhân khiến Hoạn Thư ra tay, cho người bắt cóc Kiều về hành hạ, bắt làm tôi tớ trong nhà.

Nhưng nàng ghen thì ít mà giận chồng thì nhiều nên đối xử với Kiều cũng không khắc nghiệt quá đáng. Người ta trong cơn ghen (cả đàn ông lẫn đàn bà) thấy tình địch là muốn băm vằm, đâm chém cho hả dạ, thế nhưng Hoạn Thư lại có lòng khoan nhân đối với tình địch, lại còn "Khen rằng bút pháp đã tinh/ So vào với thiếp Lan đình nào thua/ Tiếc thay lưu lạc giang hồ/ Nghìn vàng thực cũng nên mua lấy tài". Phải nói chưa có người đàn bà nào lại khen ngợi tình địch như vậy. Bởi thế sau này khi có dịp báo ân trả oán, nàng Kiều đã không thể trừng phạt Hoạn Thư mà phải tha cho kẻ thù của mình.

Màn đánh ghen được cho là "thâm độc" nhất của Hoạn Thư chính là việc sai bày tiệc rồi bắt Kiều đàn hát và hầu rượu chàng Thúc: "Bắt khoan bắt nhặt đến lời/ Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay"... Mặc dù rất thương người yêu nhưng chàng Thúc vẫn buộc phải chứng kiến: "Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng/ Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm". Sau khi giành được chồng khỏi tay tình địch Hoạn Thư đã mãn nguyện, nhất là khi nghe lén Thúc Sinh khuyên Kiều trốn đi: "Liệu mà xa chạy cao bay/ Ái ân ta có ngần này mà thôi..." thì Hoạn Thư càng yên tâm, không còn sợ mất chồng nữa. Thế nên dù biết Kiều lấy trộm chuông vàng khánh bạc đem đi Hoạn Thư cũng không sai người đuổi bắt.

Nhà nghiên cứu Tạ Quang Khôi kết luận: Như vậy, cuộc đánh ghen quá nhẹ so với bất cứ cuộc đánh ghen nào khác trên cõi đời này. Có thể nói Hoạn Thư là một người đàn bà hiếm có, nàng không ghen giống cái ghen thông thường của những phụ nữ khác. Thực ra nàng chỉ muốn hành hạ Thúc Sinh, nhưng luân lý ngày xưa không cho phép vợ được hỗn láo, lăng loàn với chồng nên Hoạn Thư phải chọn Kiều để hành hạ vì biết chắc Thúc sẽ rất đau lòng...

Thời nay, những cơn "cuồng ghen" của đàn bà ngày càng bạo lực đáng sợ, báo chí đã tường thuật không biết bao nhiêu vụ đánh ghen thật khủng khiếp. Có người tạt axít, rạch mặt tình địch để hủy hoại nhan sắc; dùng đòn ghen để làm nhục về danh dự, thể xác khiến cho người bị đánh ghen đau đớn, sợ hãi; có bà còn cầm dao giết chồng hoặc đổ xăng đốt chồng cháy như bó đuốc; bi hài hơn, nhiều người còn cắt phăng "của quý" của chồng (riêng Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã thực hiện ghép nối 30 trường hợp quý ông bị vợ cắt đứt lìa "cậu nhỏ")... Như vậy, so với cái ghen của Hoạn Thư thì cái ghen của những người đàn bà này còn độc ác gấp trăm lần.

Đành rằng "Ớt nào là ớt chẳng cay/ Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng", nhưng "cuồng ghen" tới độ có hành động tàn ác thì rất đáng lên án, cuối cùng thì chính người vợ phải gánh chịu hậu quả nặng nề: Gia đình tan nát, bản thân có khi tù tội, con cái xấu hổ, nheo nhóc; cho dù không bỏ nhau thì những ông chồng bị cắt "của quý" cũng suốt đời oán hận, ghê sợ người vợ "quỷ cái" của mình... Bởi thế, các bà vợ thời nay cần phải "học" cách ghen... thông minh hơn, tức là ghen một cách bình thản, thâm thúy và sâu cay chứ đừng làm "bà hỏa" thiêu trụi cả gia đình trong cơn nóng giận.

Theo Yên Phong
Lao Động