Giữa những hoang mang, sợ hãi, cho mẹ "ôm và xin lỗi con"!
(Dân trí) - Lại thêm một đứa trẻ tự vẫn kết thúc cuộc sống, tiếp tục đẩy nỗi hoang mang, lo sợ trong mỗi ông bố bà mẹ tột cùng. Mẹ nhận ra mình cũng đang "không ổn" với con...
Mấy nay, mẹ đón con sớm hơn. Trước khi vào trường, mẹ cởi áo khoác, váy chống nắng, dặm thêm son môi, cười một cái trước gương xe.
Mẹ xin lỗi con! Lâu nay bao nhiêu năng lượng tươi xinh, nhiệt huyết mẹ đưa hết ra cho người ngoài, cho công việc, chỉ mang về cho con những nhàu nhĩ, mệt mỏi, vội vàng, giục giã... Thậm chí, mỗi khi mẹ căng thẳng với đồng nghiệp, công việc, cãi nhau với ba con... cũng trút lên con.
Mẹ cười tươi với cả thiên hạ mà luôn khắt khe, cau có với con mình. Mẹ quên mất rằng, con mới là người cần mẹ tươi tắn, giàu năng lượng nhất...
Mẹ xin lỗi con! Mẹ luôn giục con "về ngay, trễ rồi". Có khi nào mẹ ở lại chạy nhảy vui đùa cùng các con, hỏi han bạn này bạn kia để có thể biết bạn này đang thích bạn kia, bạn nọ đang thất tình...
Mẹ xin lỗi con! Mẹ luôn khoe mình làm bạn với con nhưng không có mối bạn bè nào ứng xử với nhau bằng mệnh lệnh, bằng tâm thế bề trên, bằng sự chèn ép, bằng cái chỉ tay vào mặt hay những lời chê bai. Không có tình bạn nào mà một phía luôn phải xin lỗi người kia chưa biết đúng sai, còn một phía mặc nhiên sai.
Mẹ xin lỗi con! Mẹ luôn nói, mẹ không gây áp lực, cần con vui vẻ, khỏe mạnh nhưng trong hành động, ánh mắt đều ngược lại. Mẹ la hét, cáu gắt, thậm chí ném sách vở khi kèm con học. Mẹ còn thăm dò bạn nào điểm cao hơn con, vặn vẹo khi con điểm thấp, liên tục nhắc con phải cố lên. Mẹ thở dài khi con thất bại hay kể cả khi con làm đổ đồ.
Mẹ làm ngơ để cố tính không biết rằng, ánh mặt thất vọng hay tiếng thở dài đó của mình trở thành nỗi sợ hãi của mọi đứa trẻ, có thể hạ gục mọi sức lực trong con.
Mẹ xin lỗi con! Giao tiếp chính trong gia đình mình lâu nay chỉ quanh quẩn chuyện ăn, chuyện học với bầu không khí vội vàng, nặng nề. Bố mẹ quay cuồng công việc, về nhà lại cơm nước, bếp núc, còn con xoay với sách vở, bài tập...
Mẹ xin lỗi con! Mẹ đã khước từ con kể cả những lúc con gào lên "Mẹ cất điện thoại đi" để chơi với con. Nhu cầu được nói chuyện, được lắng nghe của con đã bị mẹ dập tắt ngay từ sớm.
Khi mẹ đang say sưa lên mạng tranh cãi, lập luận, dùng mọi ngôn từ sắc bén nhất để phản bác, tấn công những người trái quan điểm những chuyện bên tây bên tàu, chuyện đại gia - tiểu tam, dạy người khác phải sống thế này, dạy con ra sao.... thì có thể con mình đang cô đơn quằn quại ngay chính trong nhà, ngay khi ở bên cạnh bố mẹ.
Mẹ xin lỗi con! Đó là khi ba và mẹ cãi nhau, chì chiết, hét vào mặt nhau để mặc con ngơ ngác, co rúm, sợ hãi. Cho dù mẹ đã đọc được trong một nghiên cứu, việc bố mẹ căng thẳng, cãi nhau trước mặt con gây chấn thương cho trẻ ngang với một chiến binh chịu bom đạn trong chiến tranh.
Mẹ xin lỗi con! Mỗi lần con bị cô la, đánh nhau với bạn, hay lúc buồn con khóc, lúc con chán, con mệt, mẹ lại đẩy con xuống vực: "Có gì mà phải buồn!", "Con trai không được khóc, mạnh mẽ lên!"...
Đi làm kiếm tiền, mẹ than mệt, mẹ kể công, bắt con phải hiểu, phải biết ơn biết nghĩa. Còn các con, ăn rồi chỉ mỗi học nên không được mệt, không được chán.
Mẹ và nhiều người lớn khác đều đã từng là trẻ con nhưng không hiểu trẻ nhỏ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực. Có khi còn nặng nề hơn vì trẻ chưa có khả năng ứng phó.
Mẹ xin lỗi! Mẹ không ghi nhận những nỗ lực và cả phủ nhận những khó khăn của con!
Ngoài kia, liên tục những vụ việc học trò tự tử làm bố mẹ càng hoang mang, lo sợ. Và rồi người lớn lại say sưa tìm một nơi để đổ lỗi như đổ lỗi cho bố mẹ, cho học hành và cho cả những đứa trẻ là do yếu đuối, là do bất hiếu...
Những khó khăn có thật của các con, nhất là dưới tác động của 3 năm trời chịu ảnh hưởng của đại dịch tiếp tục bị phớt lờ, bị xem nhẹ...
Khi chúng ta căm phẫn, tức giận trước những vụ việc "mẹ kế" ở TPHCM dùng gậy đánh chết bé gái 8 tuổi, bé 3 tuổi Hà Nội bị bố dượng đóng đinh lên đầu tử vong, người bố ở Hà Nội khi kèm con học online đã dùng chổi, đũa đánh con chết... cũng đừng quên, bạo hành không chỉ đến từ đòn roi, từ đinh, từ gậy gộc.
Bạo hành còn đến từ lời nói, ánh mắt, cử chỉ, sự thờ ơ... Nhiều đứa trẻ dù không có một vết xước, vết thâm nào trên người nhưng có thể nỗi lòng tan nát, trái tim thương tổn.
Làm bố làm mẹ không ai có thể nói hay nói tài. Khi chúng ta đang say sưa đổ lỗi, chê trách người này người kia không biết dạy con, chê trách đứa trẻ yếu đuối, hèn nhát... thì bên trong kia, có thể chính con chúng ta cũng đang quay cuồng, vật vã.
Nhìn con sửa mình, mẹ xin được ôm chặt con vào lòng. Để nói với con, mẹ đã không được trang bị kiến thức, kỹ năng để bước vào cuộc sống hôn nhân, để làm mẹ...
Mẹ chưa từng được làm mẹ cho tới khi sinh con. Mẹ cũng ngu ngơ, dại khờ, vấp ngã... Mong con hãy giúp đỡ mẹ, chia sẻ, thông cảm và bao dung cho những ấu trĩ, ngu muội của mẹ.
Một nhà thơ nào đó đã viết:
Đường hy vọng nếu ta về quá chậm
Đau nhức này lại đổ xuống tuổi thơ!
Cách đây không lâu, trước bi kịch hai chị em sinh đôi học tại một trường quốc tế ở TPHCM nhảy lầu, vị hiệu trưởng gửi ngay lời nhắn nhủ tha thiết đến các phụ huynh hãy dành thời gian lắng nghe, yêu thương và quan tâm tới sức khỏe tinh thần của trẻ nhiều hơn.
"Hãy lắng nghe con! Ôm chúng và cho chúng biết bạn yêu chúng", ông viết.
Vậy mà, mẹ lại quên! Mẹ xin lỗi con và xin được ôm con vào lòng.