Nghẹn lòng ảnh đại diện lạnh lẽo của đứa bé "mẹ lấy chồng, có thêm em"

Hoài Nam

(Dân trí) - Hai bức ảnh đại diện của bé trai 10 tuổi được người mẹ chia sẻ làm nhiều người nghẹn lòng.

Người mẹ đi bước nữa, vừa sinh thêm một đứa con, đứa con trai riêng của chị 10 tuổi. Mới đây, nhìn thấy ảnh phông nền trên điện thoại của con và hình bìa trên Zalo, người mẹ giật mình.

Một bức ảnh con thuyền độc mộc giữa khung cảnh mênh mông lạnh giá. Bức còn lại hình ảnh chú chim cánh cụt đứng lẻ loi, vô định giữa trời băng tuyết. 

Nghẹn lòng ảnh đại diện lạnh lẽo của đứa bé mẹ lấy chồng, có thêm em - 1

Người mẹ chia sẻ hai bức ảnh đại diện của cậu con trai riêng (Ảnh chụp lại màn hình).

Nhìn vào hai bức ảnh có thể trào lên cảm sự cô đơn, trống vắng, lạc lõng, lạnh lẽo, không biết đi đâu về đâu... 

Chia sẻ hai bức ảnh của con, người mẹ đầy tâm trạng lẫn thắc mắc: "Tự dưng mình thấy nhói lòng. Hay mình lo xa?". 

Nhìn vào hai bức ảnh đại diện "một bầu trời cô đơn" của đứa trẻ trong hoàn cảnh mẹ đi bước nữa, có thêm em nhiều người không kìm được nước mắt.  

Nghẹn lòng ảnh đại diện lạnh lẽo của đứa bé mẹ lấy chồng, có thêm em - 2

Nhiều người nghẹn lòng khi nhìn bức ảnh đại diện của đứa trẻ 10 tuổi "mẹ đi bước nữa, sinh thêm em".

Không ít người cũng bày tỏ, tuổi thơ đã từng trải qua cảm giác cô đơn, trống trải tột cùng đó. Đó là khi bố/mẹ mất hoặc họ đi bước nữa, rồi sinh thêm con, vui vẻ với niềm hạnh phúc mới... Còn đứa trẻ ở đó, cảm thấy mình bị bỏ rơi, lạc lõng như người thừa. 

Mẹ có thêm em, nếu không được chuẩn bị về tâm lý đứa trẻ đã có thể rơi vào trạng thái bất ổn. Ở đây, đứa trẻ phải đối diện với nhiều cú sốc như bố mẹ ly hôn, mẹ đi bước nữa, mẹ có thêm em với người đàn ông khác... 

Phải xem bức ảnh như một lời kêu cứu của đứa trẻ. Sự nhạy cảm, lo xa của người mẹ lúc này là cần thiết để dành cho con sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với con nhiều hơn, nhất là việc tổ chức cuộc sống gia đình tạo cho trẻ sự gắn kết, giúp bé thấy được giá trị, sự quan trọng và vai trò của mình.

Bố mẹ sau hôn nhân đổ vỡ, đi bước nữa có khi vô tình bỏ rơi đứa con giữa hạnh phúc mới. Trong khi lẽ ra chúng cần được quan tâm, bảo vệ nhiều nhất thì có thể bị bỏ quên, không thể hòa nhập với cuộc sống mới của bố mẹ, thậm chí có thể bạo hành. 

Rất nhiều đứa trẻ sống trong cảnh bạo hành, thậm chí bị "dì ghẻ" bạo hành đến chết hoặc bị bố dượng đóng đinh vào đầu thời gian qua cũng phần nào xuất phát từ sự lãng quên, vô tâm và cả tàn nhẫn của chính bố mẹ ruột. 

Một bác sĩ tâm lý ở TPHCM cảnh báo, những đứa trẻ bố mẹ đi làm xa gửi cho ông bà, trẻ mồ côi, bố mẹ ly hôn đi bước nữa... là những nhóm đối diện với nhiều nguy cơ như bị bạo hành, sang chấn tâm lý vì thiếu sự quan tâm. Điều này có thể ảnh hưởng cả cuộc đời các em về sau. 

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay không chỉ trẻ thiếu vắng bố mẹ, bố mẹ đi bước nữa mới đối diện với các nguy cơ không an toàn. Đáng sợ không kém, các chuyên gia cảnh báo là con trẻ hiện nay cô đơn ngay trong nhà mình, ngay cả khi sống bên cạnh bố mẹ, hàng ngày ăn ngủ cùng nhau. Nơi an toàn nhất có thể lại là nơi nguy hiểm nhất. 

Nghẹn lòng ảnh đại diện lạnh lẽo của đứa bé mẹ lấy chồng, có thêm em - 3

Nhiều đứa trẻ quằn quại trong nỗi cô đơn ngay cả khi tưởng là đủ đầy nhất (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM từng chia sẻ bức ảnh "cả nhà đi du lịch" của một đứa trẻ. Bức ảnh vẽ cảnh gia đình ngồi trên bãi biển, bố mẹ đều cầm điện thoại, đứa trẻ tay cầm quả bóng bay nhìn lơ đãng... Đứa trẻ ấy lạc lõng ngay khi ở bên cạnh bố mẹ, trống trải ngay lúc tưởng là sung sướng, đủ đầy nhất. 

Chuyên gia tâm lý này phải thốt lên, giây phút gia đình đi du lịch nghỉ ngơi bên nhau còn như vậy, thì trong đời sống thường nhật, hãy tự hỏi chúng ta bỏ rơi con trẻ đến mức nào?  

Nhiều đứa trẻ lao vào game, chat sex, trầm cảm, tự vẫn... xuất phát từ sự cô đơn, trống trải, bị bỏ rơi ngay trong gia đình. 

Biết bao nhiêu đứa trẻ trong đời sống hiện đại đang quằn quại trong nỗi cô đơn, mồ côi bố mẹ ngay khi còn bố mẹ, ngay khi bố mẹ ở bên cạnh.