Giặc bên Ngô...

Ngày tôi lấy chồng, mẹ hỏi: “Mấy anh chị em chồng của con thế nào?”. Tôi trả lời: “Dạ, thì cũng... vui vẻ”. Mẹ lườm tôi một cái rõ dài: “Chỉ có vậy thôi sao? Về nhà người ta rồi, phải biết tánh ý của mỗi người để sống cho hòa thuận”.

 
Giặc bên Ngô...   - 1


Ngoài miệng vâng vâng dạ dạ nhưng trong bụng tôi nghĩ: “Đâu có sống chung đâu mà để ý chi cho mất công. Lâu lâu gặp nhau tỏ ra lịch sự, dễ thương là được rồi!”. Mẹ lo tôi trẻ người non dạ, không khôn khéo trong cách cư xử.

 

Gia đình chồng tôi gốc ở tỉnh. Ba mẹ chồng vẫn sống dưới quê, chỉ có mấy anh chị em chồng lên học ở thành phố rồi ở lại làm việc luôn. Ngày tôi cưới, họ đã cùng nhau gom góp mua được một căn nhà cấp 4, rộng khoảng 80m2 ở một quận gần trung tâm thành phố. Chồng tôi cũng có phần “hùn” nhưng không nhiều lắm. “Nghị quyết” của gia đình chồng (nói đúng hơn là của hai bà chị chồng - hai “cổ đông” lớn trong việc mua nhà) là cưới xong, chúng tôi sẽ “ra riêng” (có nghĩa là ở nhà thuê), vì nhà cửa ọp ẹp, lại đông người. Thêm nữa, tính chồng tôi hơi ỷ lại, giờ đã đến lúc phải “tự lập” với vai trò trụ cột gia đình. Tôi có hơi ấm ức trong lòng nhưng bụng bảo dạ: “Thôi thì ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng. Biết đâu ở chung đụng chạm còn mệt mỏi hơn. Thà tốn tiền thuê nhà cho tự do”. Tôi thấy mấy chị hay la rầy chồng tôi nên nghĩ họ cũng không ưa mình mấy...

 

Một năm rưỡi sau tôi sinh con trai đầu lòng. Nghe tôi nhập viện, chị chồng tất tả vào thăm. Mấy ngày đầu mẹ tôi ở dưới quê chưa lên kịp, chị và em gái chồng thay nhau chăm sóc tôi rất chu đáo. Dù đã có một cháu trai - con của chị lớn, nhưng cả nhà đều rất vui mừng chào đón thành viên mới. Xuất viện, tôi đưa con về nhà ba mẹ như nhiều người vẫn làm.

 

Trong thời gian ở lại đó, cứ nghĩ tới việc đưa con về nhà thuê để tiếp tục đi làm là tôi lại cảm thấy không yên tâm. Căn nhà không mấy tiện nghi do ngân sách của chúng tôi có hạn, vào mùa nóng thật là khủng khiếp. Thêm nữa, tìm người giúp việc cũng không dễ. Hai vợ chồng thì không nói gì vì ở cũng quen, chỉ tội nghiệp đứa con bé bỏng.

 

Đầy tháng thằng bé, ba mẹ và mấy anh chị em chồng tôi đều xuống thăm. Vui nhất là khi tôi nghe được “nghị quyết” của gia đình chồng (đúng ra lại là của... hai bà chị chồng): Khi nào trở lại thành phố thì dọn về nhà ở cùng mấy anh chị em. Tôi như cất được gánh nặng trong lòng vì nhà đã được xây lại, thêm nữa là lần đầu sinh em bé nên tôi cũng lo lắng trong việc chăm sóc con, ở chung thế này chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ quý giá của mấy chị.

 

Hai tháng sau, mẹ con tôi quay lại thành phố và “chiếm cứ” căn phòng được chị kế nhường cho. Nhà chỉ có hai phòng ngủ với toilet trong phòng, một phòng dành cho gia đình chị lớn. Chị kế thường hay mắng yêu con trai tôi: “Ba mươi tuổi đầu mình mới có được cái phòng riêng, chưa đầy nửa năm là “thằng chó con” này đã nhào vô đuổi mình ra”. Chẳng biết có phải vì vậy không mà bây giờ thằng nhỏ rất thân với cô Ba, nhiều tối còn vác gối qua ngủ cùng chị.

 

Dần dần, tôi nhận ra chẳng có khoảng cách nào giữa tôi và các anh chị em chồng. Có chuyện vui buồn mấy chị em cùng thủ thỉ với nhau. Những lần bất hòa với chồng, tôi cũng tâm sự với mấy chị. Thấy tôi có điều gì chưa phải, mấy chị góp ý ngay. Còn chồng tôi sau đó cũng được “làm việc” tới nơi tới chốn. Nhiều người đến chơi cứ tưởng chồng tôi là... em rể. Mấy đứa trẻ trong nhà càng lớn càng dễ thương, trở thành sợi dây gắn kết tình cảm giữa chúng tôi. Đôi khi chúng cũng bị phạt nhưng chẳng ai thấy phiền lòng vì biết con mình đang được uốn nắn. Nhà đông người nên lúc nào tụi nhỏ cũng được chăm sóc và dạy dỗ chu đáo.

 

Tình thân làm cho chúng tôi chẳng phải bận tâm tính toán chuyện tiền nong với nhau. Ngoài những khoản cơ bản cần đóng góp hàng tháng, lâu lâu tôi lại mua cho mấy chị khi thì cái áo, lúc cái giỏ hay hộp trang điểm. Thỉnh thoảng tôi lại cho cô út vài trăm “dằn túi”. Mọi người cũng không để tôi bị thiệt. Tiền khám bệnh mua thuốc cho thằng nhỏ tôi gửi lại mấy chị cũng chẳng lấy. Thi thoảng, mấy chị em hay nhờ nhau mua giúp cái này cái kia nhưng đến lúc gửi tiền lại thì “thôi, souvenir luôn đó!”.

 

Cả ba mẹ tôi lẫn ba mẹ chồng đều rất vui mỗi khi lên thăm vì thấy chúng tôi sống vui vẻ, hòa thuận. Đặc biệt, mấy anh chị em chồng không gọi ba mẹ tôi bằng “bác” theo lệ thường mà gọi là “chú, thím” vì ba mẹ chồng tôi lớn tuổi hơn. Điều này làm ba mẹ tôi rất... hài lòng, vì hiểu đó cũng là cách thể hiện sự thân mật.

 

Cũng như nhiều cặp khác, vợ chồng tôi có những điều chưa thể hòa hợp. Đôi lúc tôi rất buồn nhưng nghĩ lại mình đã rất may mắn khi có được gia đình chồng tình cảm như vậy. Điều đó không quyết định mối quan hệ vợ chồng nhưng rất quan trọng. Tôi chợt nhận ra rằng, các “bà cô bên chồng” không phải lúc nào cũng ghê gớm hơn giặc bên Ngô, nếu không muốn nói là cực kỳ dễ thương. Tôi cũng hiểu, mình phải học và biết cách cư xử để giữ mối quan hệ đó luôn tốt đẹp.

 

Theo Thủy Tiên

Phụ Nữ Online

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm