Góc tâm hồn

Đừng đợi đến lúc mẹ xa

(Dân trí) - Chị năm nay ngoài bốn mươi mà già hơn tuổi nhiều. Chỉ bảo mình mau già vì hay lo toan, nhất là về con cái, đặc biệt cái thằng út của chị. Nó lúc nào cũng làm cho chị như đang ngồi trên đọt tre.

Đừng đợi đến lúc mẹ xa



Ở nông thôn, làm quanh năm cũng chỉ đủ ăn là cùng. Thương con, chiều con nên chị đã mua cái xe máy cho nó. Có xe máy nó đi suốt ngày. Chị ở nhà cứ nghe tiếng xe nổ ngoài đường là ngỡ con về. Có hôm mười một mười hai giờ đêm vẫn không thấy bóng dáng nó về, chị lại tưởng tượng cảnh ngả xe, đánh nhau liên miên trong giấc ngủ chập chờn.

Chị bảo nước mắt chảy xuôi. Chị kể ngày xưa mạ chị thương chị mà chị đâu biết, đâu có quan tâm, xem đó là chuyện thường của những gia đình có con cái. Thế nên chị hay làm nũng, hay làm mình làm mẩy, tìm đủ cách để thỏa lòng ương bướng.

Chị nhớ ngày xưa gội đầu bằng bồ kết. Cứ vài ngày một lần là mẹ chị nấu, pha chế rồi gội cho chị. Ngày đó con nít sài đẹng nhiều lắm. Đặc biệt là chấy trên tóc nhiều vô kể. Những trưa hè, chị ngồi nơi bậu cửa, mẹ ngồi đằng sau vén từng nhúm tóc để bắt chấy cho chị. Mỗi lần bắt được con chấy là mẹ chỉ bỏ vào miệng cúp theo kiểu giết tận gốc của nó! Mẹ bắt chấy trên tóc con rồi bỏ vào miệng cúp là chuyện bình thường. Còn với chị lúc đó, chưa lần nào bắt chấy trên tóc mẹ chứ đứng nói bỏ vào miệng mà cúp.

Cho đến ngày chị lấy chồng. Những trưa hè chị cũng bắt ông chồng của mình ngồi bên cửa sổ để bắt chấy. Bắt được con nào chị bỏ vào miệng cúp. Chị cảm thấy xấu hổ khi muốn trở lại cái ngày xưa, lúc còn mẹ để một lần bắt chấy cho mẹ. Bắt được con nào chị sẽ bỏ vào miệng mà cúp.

Đến bây giờ chẳng còn ai ngồi bắt chấy cho nhau nữa. Các loại dầu gội đầu đã tống khứ những con chấy - chứng nhân lịch sử một thời cơ cực đã qua. Trong chị, hình ảnh người mẹ hiền lành luôn thường trực khi những đứa con cứ lần lượt xa nhà hay bỏ chị một mình trong khu vườn rộng.

Câu chuyện của chị họ tôi khiến nhiều người suy nghĩ. Tự trong đáy lòng mình, khi nhắc về người mẹ nhiều người luôn cảm thấy mình có lỗi. Đó là những cái lỗi mà không một người mẹ nào không tha thứ. Đó là những lỗi mà khi mỗi con người có gia đình, có con cái rồi mới thấu hiểu nỗi lòng cha mẹ. Nhưng liệu khi có gia đình rồi, mỗi chúng ta có còn cơ hội để sửa cái lỗi nhỏ nhoi đó hay không?

Thường thì lúc đó, mỗi chúng ta tự cài cho mình một bông hồng trên ngực áo, chiêm nghiệm về cuộc đời, thời gian và dòng nước mắt có đúng theo cái quy luật chảy xuôi...

Yên Mã Sơn