“Đổi tính” tuổi xế chiều

“... Khi còn một năm nữa đến tuổi “cổ lai hy”, ông “lột xác” thành người phong tình. Cứ ra khỏi cửa là ông diện thật bảnh với mái tóc xịt gôm bóng lộn...”.

“Đổi tính” tuổi xế chiều - 1

 

Nhiều năm nay, ông Biên (Hà Đông, Hà Nội) được coi là người mẫu mực. Tuy vợ vừa nhiều tuổi hơn, vừa kém nhan sắc, lại ốm yếu nhưng ông vẫn rất đứng đắn, chưa bao giờ có điều tiếng gì.

 

Thế mà gần đây, khi còn một năm nữa đến tuổi “cổ lai hy”, ông “lột xác” thành người phong tình. Cứ ra khỏi cửa là ông diện thật bảnh với mái tóc xịt gôm bóng lộn.

 

Ông thường buông lời tán tỉnh, gọi em xưng anh với các cô gái trẻ đáng tuổi cháu, đang bán hàng gần nhà. Một số cau mặt trách mắng, số khác mỉa mai trêu cợt, nhưng ông Biên vẫn khoe với mọi người rằng, gái trẻ rất “khoái” mình. Cả khu phố lôi chuyện của ông ra “buôn dưa lê” khiến người nhà xấu hổ. Gia đình liên tục xảy ra cãi vã vì con cái góp ý, trách bố làm xấu mặt vợ con. Tuy nhiên, ông Biên nói: “Kệ tao, chúng mày đứa nào yên phận ấy rồi, cũng phải để tao thoải mái chút chứ”. 

 

Các con của bà Hồng, 65 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội, cũng bực bội vì hai năm gần đây, bà bỗng điệu đà quá mức. Từng là người rất tiết kiệm, mọi thứ đều nhịn để dành cho con, giờ bà Hồng hoang phí đến sợ. Bà nhuộm tóc lòe loẹt, may một loạt váy, mua áo bó, giày cao gót, toàn loại màu sắc rất trẻ hoặc hoa văn “xì tin”. Con cái phàn nàn thì bà nổi giận: “Tao chịu khổ bao nhiêu năm rồi, giờ sắp xuống lỗ tội gì không hưởng thụ!”.

 

Trong khi đó, gia đình chị Huệ ở TP. Hải Dương lại rất ngại với hàng xóm vì bà nội chị suốt ngày sang nhà họ chơi và buôn chuyện. Ở tuổi 89, cụ vẫn khỏe và minh mẫn, nói năng gãy gọn đâu ra đấy, trừ tật “ham chơi” mới phát sinh. Ngoài giờ ăn và ngủ, cứ “sểnh” ra là cụ sang mấy nhà xung quanh nói đủ thứ chuyện, kể cả giữa trưa hay lúc đêm khuya, dù người ta chán ngấy vì bị làm phiền. Không ngăn được, con trai cả của cụ phải nghĩ ra việc cho mẹ làm, nào đổ đỗ xanh vào đỗ đen cho cụ nhặt, nào lôi đồ đạc ra cho cụ lau. Nhưng bà lão cứ lừa lúc con không để ý là “bỏ trốn”, thậm chí trèo cổng để đi chơi nếu con khóa cửa.

 

Đừng ngại thiên hạ cười

 

Theo nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu, hôn nhân và gia đình, chuyện người già đổi tính rất thường gặp, và việc khuyên nhủ rất ít hiệu quả. Những trường hợp từ đứng đắn trở nên “đa tình”, từ tằn tiện bỗng thành hoang phí ... đều bắt nguồn từ sự tiết chế bản thân trong mấy chục năm qua. Suốt thời tuổi trẻ, họ kiềm chế những ham muốn, nhu cầu của mình để lo cho gia đình hay để phù hợp với các chuẩn mực xã hội, tạo thành những ấm ức mà khi về già, chúng vượt qua tầm kiểm soát của lý trí và họ không muốn kìm nén nữa.

 

Một số chuyên gia cho rằng, các biểu hiện trên là triệu chứng của một vấn đề tâm lý. Chúng không gây hại với sức khỏe, mà chỉ gây phiền toái cho con cháu và những người xung quanh. Việc trị liệu sẽ đem lại kết quả. Tuy nhiên, bà Hà cho biết, không dễ thuyết phục người già rằng họ bất thường và cần điều trị. Tốt nhất con cháu nên lựa lời khuyên giải theo hướng vì lợi ích của các cụ.

 

Nếu hành vi của bố mẹ làm phiền hàng xóm hoặc khiến họ đàm tiếu, nên khéo léo giải thích cho họ hiểu tình trạng của các cụ để họ thông cảm và biết cách cư xử. “Đừng vì sợ người ta cười mà tệ với bố mẹ già, vì người ta chỉ cười khi mình ăn ở không đúng đạo thôi. Nếu hành xử trên cơ sở vì sự an vui của bố mẹ hơn là sĩ diện của mình, người con sẽ không còn thấy mất mặt hay khổ sở”, bà Hà nói.

 

Theo Lam Giang

Đất Việt