Đến bữa con quấy bế đi dỗ, quay lại nhìn mâm cơm "phần" chẳng nuốt trôi
(Dân trí) - Nết ăn ở cần được rèn giũa trong mỗi gia đình. Đừng để sự tùy tiện theo thói quen truyền đời trở thành sự thiếu tôn trọng, thiếu tử tế với người sống chung với mình, đặc biệt là các thành viên mới.
Trên mạng xã hội, một nàng dâu chia sẻ hình ảnh mâm cơm nhà chồng phần sau ăn khiến nhiều người cảm thấy rất chạnh lòng, bởi mâm cơm lanh tanh bành, xương cá ngổn ngang, cơm canh vương vãi khắp mặt mâm. Đó là mâm "cơm thừa", chứ không phải "cơm phần", nhìn đã thấy mất mỹ quan và không động đũa cho nổi.
Nàng dâu này viết: "Chẳng quan trọng ăn gì, chỉ cần đối xử với nhau tử tế" trước khi vào câu chuyện cụ thể của mình:
"Hồi trước, mỗi khi đi làm về ở bếp đều sẽ có một mâm cơm lanh tanh bành như thế này đợi mình. Lúc ấy mình rất buồn vì nhà chồng có em chồng mà ăn xong cũng không dọn dẹp đi, lại phải để đấy rồi đợi mình đi làm về xong mình dọn.
Tới bây giờ, khi mình ở nhà 24/24 vì dịch bệnh và có lần hỏi vì sao trước kia ăn xong không dọn đi thì em chồng bảo "cơm mọi người phần chị mà" thì mình mới biết là hóa ra đây là cách mà gia đình chồng phần lại cơm cho mình.
Hôm nay cũng thế, thấy con quấy nên mình bế cháu ra ngoài cho mọi người ăn. Đến lúc bố nó ăn xong ra bế con thì mọi người cũng đứng lên hết và để lại cho mình một mâm thức ăn với cơm vương vãi, cá xỉa để nguyên xương trên đĩa và phần bát đũa chưa ăn của mình thì cũng lem nhem.
Nhìn thấy chán, không đụng đũa nổi, bảo làm sao mà trước kia mình cứ nghĩ họ ăn xong không dọn lại đợi đi làm về để hầu, hóa ra là cơm phần mình. Là do mình quá khó tính hay thật sự kiểu phần cơm như thế này không chấp nhận nổi hả mọi người?".
Chia sẻ của nàng dâu nhận được nhiều phản hồi quan tâm của các thành viên mạng xã hội, đa số đồng tình với cô rằng mâm cơm phần người ăn sau như thế này là không chấp nhận được, nói nhẹ thì là do nết ăn ở không được dạy dỗ cẩn thận, sự tùy tiện vô ý vô phép truyền đời từ ông bà bố mẹ sang con cái, dẫn đến mất ý thức về phép tắc lịch sự trong văn hóa ăn uống, nói nặng thì là mâm cơm thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu tử tế đối với người ăn sau.
"Mâm này thì mình đổ cho cún ăn luôn chớ, thiếu ý thức và tôn trọng nhau quá", "Sống như lợn vậy, phải tôi tôi không ăn và cũng không dọn, để đấy qua đêm sáng ra tự dậy mà dọn, nhìn cái kiểu không chấp nhận được, đây là khinh người chứ còn gì!", "Đúng là gia đình thiếu giáo dục từ nóc, nhìn thế kia ai muốn ăn", "Quan trọng là ý thức và nhân cách thôi, nhà tôi có cô giúp việc luôn ăn sau nhưng vẫn để dành ra đĩa riêng từ đầu bữa chứ chẳng phải ăn thừa rồi để lại. Người ta nhìn đồ ăn để cho người ta đàng hoàng người ta còn nghĩ mình gặp được nhà tử tế chứ", "Nhìn cái mâm cơm là không thể nào chấp nhận được, chứ đừng nói là phần lại cho người ăn sau", "Đó không phải là xuề xòa mà là vô giáo dục"... là những ý kiến chỉ trích gay gắt, bức xúc của cư dân mạng đối với nhà chồng cô gái.
Nhiều người vào có ý nhắc nhở lại nhà chồng cô gái về phép tắc trong ăn uống: "Nhà tôi có thói quen thức ăn để cho người ăn sau bao giờ cũng để riêng ra bát, ra đĩa hoặc xếp hẳn ra một mâm để phần ngon chứ không bao giờ để kiểu ăn thừa hay linh tinh thế kia, đấy là những lễ nghĩa phép tắc lịch sự cơ bản nhất từ nhỏ phải được dạy rồi", "ăn thì ăn cho hết, để thì để cho còn".
Cư dân mạng dặn dò cô gái nhớ "rút kinh nghiệm sau này dạy con". Một số thành viên hiến kế cho cô từ giờ trở đi, phải hôm đi làm về muộn thì ăn luôn gì đó ở ngoài, về bảo em chồng dọn mâm cơm đi, hoặc về tự đi nấu mì mà ăn cho nóng, bảo em chồng dọn mâm đi chứ mình không dọn, nhẹ nhàng vậy để nhà chồng còn biết ý.
Vậy mới biết, nết ăn, nết ở là điều cần được quan tâm đúng mức, cần được rèn giũa trong mỗi gia đình. Sự tùy tiện theo thói quen truyền đời dễ trở thành sự thiếu tôn trọng, thiếu tử tế đối với người sống chung một nhà với mình, đặc biệt là các thành viên mới về như các nàng dâu, khi họ còn nhiều điều chưa hiểu hết và chưa thể hòa hợp tốt với gia đình chồng, dễ nảy sinh mâu thuẫn do cảm thấy mình không được tôn trọng.