Để trẻ nhiễm HIV được yên tâm đến trường
(Dân trí) - Sáng 22/5, Ủy ban Phòng chống AIDS tại TPHCM phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức phát động chương trình chăm sóc trẻ nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn thành phố. Qua đó cố gắng đem lại những gì tốt đẹp nhất cho các em.
“Cho con đi học, đừng bắt con ở nhà, con có tội gì đâu…” chị Nguyễn Thị Nguyệt, đại diện nhóm Nắng Mai, hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền và chăm sóc những người bị nhiễm HIV tại quận 4 thuật lại lời khẩn khoản của em bé có cha chết vì HIV bằng giọng thương cảm. Em đã chuyển trường đến lần thứ 3 mới được đi học nhưng vẫn phải sống trong sự nghi ngại của mọi người.
Khi bố em mất, phụ huynh lớp em sợ hãi, không muốn cho con họ học chung với em. Sức ép từ phụ huynh quá lớn, hiệu trưởng của trường đành phải cho em nghỉ. Bị nghỉ học giữa chừng, em buồn lắm, nài nỉ mẹ phải làm sao để tiếp tục đến trường.
Thương con, lo cho tương lai của con, người mẹ đèo con hơn 10km xin học một trường khác. Thế nhưng tai tiếng vẫn cứ đeo bám, nên chỉ được một thời gian, hiệu trưởng cũng đành cho em thôi học.
Thấy con khóc suốt, người mẹ lòng quặn thắt, lại đem con đến một trường xa hơn và giấu bặt chuyện có người thân bị nhiễm HIV. Dù vậy, em luôn bị thầy cô nghi ngờ về lý lịch cá nhân có liên quan đến người bị nhiễm HIV/AIDS.
Dì Mười, Trung tâm Mai Hòa (Củ Chi), cho biết: Vì sự kỳ thị của nhiều phụ huynh nên các em bị nhiễm HIV thuộc trung tâm phải học tại nhà. Các em chỉ được đến trường nếu không ai biết. Cháu nào chẳng may bị phát hiện thì đành cho nghỉ hoặc chuyển trường.
Bằng giọng trầm buồn, dì Mười tâm sự: “Phụ huynh có con học chung với trẻ bị nhiễm HIV rất tức giận. Họ đòi chuyển trường, chuyển lớp. Thậm chí còn buộc nhà trường phải cho các em nghỉ học”.
Chính dì Mười cũng băn khoăn, nhiều khi cho các cháu đi học mà lòng lo lắng không yên. Lo có chuyện gì xảy ra thì không biết phải xử lý thế nào. Điều mà dì lo nhất là các cháu ngày càng lớn, không thể cấm các cháu giao tiếp. Nếu không được dạy bảo cẩn thận thì hậu quả khó lường.
Cần những tấm lòng và sự chia sẻ của xã hội
Để chia sẻ những bất hạnh mà các em phải gánh chịu, UBND TPHCM đã đồng ý cho Ủy ban Phòng chống AIDS TP thực hiện chương trình Chăm sóc trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn.
Theo đó, chương trình tập trung vào 6 nhu cầu cơ bản của trẻ như chăm sóc sức khỏe, được hỗ trợ thực phẩm/dinh dưỡng, giáo dục, tâm lý - xã hội, có nơi trú ngụ và bảo vệ. Những hoạt động này tập trung vào việc xây dựng bộ máy tổ chức điều hành, kế hoạch triển khai chi tiết, tổ chức thành công chiến dịch truyền thông tạo sự đồng thuận của xã hội đưa trẻ đến trường, học tập sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường.
Theo ông Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch thường trực UB Phòng chống AIDS: “Việc phụ huynh băn khoăn, lo lắng khi con học cùng trẻ OVC, xét về mặt tâm lý, tình cảm là chính đáng. Chính vì thế đòi hỏi các tổ chức, đoàn thể, các trường học… phải cố gắng phối hợp vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức để tất cả các bậc phụ huynh hiểu và không còn hoang mang”.
Ông Giang khẳng định: “Điều quan trọng là không phải đưa các em về những trung tâm như Tam Bình, Mai Hòa… mà làm sao để trẻ có thể sinh hoạt tại nhà, tại cộng đồng. Đây là điểm mới. Tuy nhiên, phải nâng cao tính bảo mật cho trẻ để hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến đời sống các em”.
Bà Phạm Thị Bích Hạnh, đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Vấn đề về trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được tuyên truyền 2 năm trong ngành. Không những phải hiểu biết về căn bệnh mà quan trọng nhất là phải biết cách chăm sóc các cháu. Trong trường học, mỗi giáo viên phải nắm rõ điều này”.
Đặc biệt, bà Hạnh nhấn mạnh quan điểm của Sở GD&ĐT là tất cả trẻ bị nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bới HIV/AIDS đều phải được đi học. Các trường thuộc Sở phải tiếp nhận và có biện pháp giúp đỡ các em.
Tuy nhiên, điều phụ huynh quan tâm nhất là biện pháp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm giữa các em. Ông Dương Hoàng Tuấn, hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Hiệp, quận Thủ Đức nhấn mạnh: Trong nhà trường chỉ có 1 khả năng lây cao nhất là xây xát chảy máu. Về vấn đề này, trường đã tổ chức huấn luyện nên toàn thể giáo viên đều có khả năng sơ cứu. Nhà trường cũng trang bị hơn 50 hộp cứu thương để các em sử dụng khi cần thiết.
Để tránh sự phân biệt đối xử, chỉ có BGH, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ y tế biết việc các em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Theo báo cáo của Ủy ban phòng chống AIDS thì hiện nay sau 19 năm, số trường hợp nhiễm HIV ở TPHCM ngày càng tăng. Tính đến cuối năm 2008, đã có 44723 người nhiễm HIV được phát hiện, trong đó có 7312 người đã chết.
Từ năm 2005, TPHCM triển khai thành công chương trình phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trên toàn thành phố, hàng năm cứu được khoảng 100 -150 trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Tuy nhiên, số trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV vẫn ngày càng nhiều. Theo đó, nếu ước tính số trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bới HIV (gọi tắt là trẻ OVC) bằng 1,5 lần số người nhiễm HIV thì hiện tại có khoảng 60.000 trẻ OVC. Có thể số trẻ OVC sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới do ngày càng có nhiều người nhiễm mới và hàng năm vẫn có khoảng 600 bà mẹ nhiễm HIV sinh con. |
Hoài Lương