Dạy con các giá trị đạo đức theo từng độ tuổi

(Dân trí) - Phẩm chất đạo đức sẽ giúp con phân biệt đúng sai, phải trái và ở mỗi giai đoạn phát triển, cha mẹ hãy chú ý tận dụng thời điểm vàng để mang đến những bài học đạo đức phù hợp cho con.

Dạy con các giá trị đạo đức theo từng độ tuổi - 1
Truyền tải các giá trị đạo đức cho con chưa bao giờ là điều dễ dàng

Trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh vẫn còn quá nhỏ để biết tới khái niệm đạo đức. Trẻ khóc, cười thực chất đều phụ thuộc vào cảm giác và nhu cầu. Vì vậy, cha mẹ trong giai đoạn này nên chú ý tới cảm giác của con, ví dụ như đói, khát, cô đơn, sợ hãi, đau đớn… để chăm sóc tốt nhất cho con.

Trẻ từ 2-3 tuổi

Ở độ tuổi này, trẻ đã có khả năng nhận biết về quyền lợi và nhu cầu. Tuy nhiên, trí não trẻ vẫn chưa thể phân biệt đúng sai nên đa phần, trẻ chỉ có thể làm theo lời cha mẹ.

Vì vậy, cha mẹ nên sớm đặt ra các quy tắc để con mình tuân thủ. Ví dụ, con không thể hiểu tại sao đánh bạn, ném đồ chơi lại là sai trái nhưng bạn có thể khiến cho con hiểu, con sẽ bị phạt nếu thực hiện các hành vi này.

Trẻ từ 3-5 tuổi

Trong lứa tuổi mẫu giáo, trẻ đã có khả năng nhận thức và học tập từ gia đình, trường lớp. Vì vậy, các quy tắc ứng xử và thậm chí việc đặt ra các kỷ luật có ý nghĩa quan trọng giúp định hình hành vi cho trẻ.

Ở trong giai đoạn này, cha mẹ cần chú ý “làm gương” cho con vì con đã có thể hiểu được mối quan hệ giữa hành vi - kết quả, đồng thời con cũng hiểu được sự khác biệt giữa “trẻ con” - “người lớn” và sẽ noi gương “người lớn” để hành động.

Trẻ từ 7-10 tuổi

Bước vào độ tuổi đi học, trẻ sẽ bắt đầu đặt ra các câu hỏi về người lớn, về việc gì nên hay không nên làm. Trẻ cũng hiểu được thế nào là lẽ phải, công bằng và tầm quan trọng của các quy tắc ứng xử.

Do đó, cha mẹ không nên áp đặt con cái vào các quy tắc cứng rắn mà nên lựa chọn những cách ứng xử phù hợp và giải thích rõ nguyên nhân, hậu quả của từng hành vi để con cân nhắc, thực hiện.

Trẻ ở độ tuổi dậy thì

Đây là giai đoạn trẻ đến gần sự trưởng thành nhất và bắt đầu tự hình thành những giá trị đạo đức cho bản thân đồng thời không ngừng đặt câu hỏi, phân tích những gì mà người lớn đưa ra.

Đặc biệt, con bạn sẽ bắt đầu nhận ra được những quyết định của mình sẽ có tác động như thế nào đến môi trường xung quang và muốn được mọi người thừa nhận. Khi đó, cha mẹ không thể chỉ đơn giản “dạy dỗ” con về các giá trị đạo đức mà phải hiểu rõ được những tác động mình có thể đem lại cho con và đôi khi còn phải tập làm “bạn” với con.

Trà Xanh

Theo MOM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm