Cuối cùng, cũng bởi chữ yêu
(Dân trí) - "Có người vì những bữa ăn thiếu thốn đạm bạc mà ly hôn, nhưng cũng có người gia tài nghìn tỷ vẫn quyết ra tòa để dứt khoát đường ai nấy bước. Vậy nên người ta xa nhau có lẽ không hẳn bởi vì nghèo hay bởi vì giàu, mà lý do chính là vì người ta đã không còn thương nhau nữa..."
“Thằng Tú nó vừa mới ly hôn rồi. Ngày trước bác cũng nói với nó, con bé trông ăn diện thế kia chắc gì chịu được cảnh khổ mà nó không chịu nghe”. Bà nói với tôi, rồi khẽ nén một tiếng thở dài nhè nhẹ.
Đứa bé chưa đầy một tuổi ngồi trong vòng tay bà nội, vừa mút tay vừa cười như chẳng thèm bận tâm đến việc từ nay sẽ chẳng còn được mẹ ẵm bồng chăm sóc nữa.
Bà góa chồng từ trẻ, khi cái thai trong bụng mới bắt đầu tượng hình. Nhà nghèo, mẹ con rau cháo nuôi nhau, chưa từng dám một lần nghĩ đi thêm bước nữa. Cũng vì khó khăn, con trai bà nghỉ học từ năm lớp 10 theo người ta đi phụ xây. Năm 20 tuổi nó xin mẹ cho đi học lái xe rồi vào làm cho một hãng taxi.
“Nó yêu con bé là nhân viên bán hàng cho một hãng thời trang. Hai đứa quấn quýt nhau lắm. Ngày nó đưa con bé về chơi bác đã thấy lo lo. Con bé xinh và ăn diện lắm. Bác có nói nó, nhà mình nghèo, nên lấy đứa cùng cảnh nhưng biết làm ăn, chịu thương chịu khó một chút. Nhưng con bé một hai nói rằng nó chịu khổ được” - bà kể.
Khi người ta yêu, chuyện vá trời lấp bể cũng có thể hứa được, huống chi là chịu khổ cùng người mình yêu. Hai người lấy nhau, những ngày mật ngọt nhanh chóng qua đi, thay vào đó là nỗi lo cơm áo gạo tiền vì có con nhỏ. Anh chồng tranh thủ chạy xe suốt ngày suốt đêm đến nỗi chẳng còn thời gian cho vợ. Cô vợ thì ở nhà chăm con, tính tình trở nên cáu bẳn.
Cô bắt đầu khó chịu, thở than rồi giá mà… giá như… khiến chồng phát cáu. Trong con mắt cô, chồng không lo nổi cho vợ con nhu cầu tối thiểu nhất là ăn là mặc thì là đồ bỏ đi. Mà thu nhập tài xế taxi thì đủ sống đã may mong gì dư giả. Cô bắt đầu buông lời nặng nhẹ, cho rằng mình mù quáng mới lấy anh làm chồng. Những bữa cơm trở nên nặng nề, những khó chịu chất chồng lên nhau nặng trĩu trong căn nhà nhỏ như mắt muỗi.
- “Một ngày, thằng Tú về bảo với bác vợ nó muốn bỏ nó. Con bé nói nó còn trẻ, nó không thể sống cảnh như vậy đến già. Một cuộc sống nghèo túng chật vật không phải là ước mơ của nó. Thằng bé nói xong, không kìm được nỗi khổ đau, nước mắt ứa ra, thương mình thì ít mà thương con nhỏ thì nhiều. Bác bảo con, nếu nó không thương con nữa, níu kéo cũng chẳng ích gì, cứ để nó đi với điều kiện nó phải để con nuôi đứa trẻ. Vậy là chúng nó ly hôn, nhẹ nhàng chia ly như khi chúng đến với nhau. Sống với nhau thì gọi là vợ chồng, không cùng nhau nữa thì là người dưng, đơn giản vậy thôi, cháu nhỉ”.
Người đàn bà ngồi cạnh tôi, tuổi chưa đầy năm mươi nhưng tóc trên đầu đã bạc gần quá nửa. Cả đời bà không dám mong cầu hạnh phúc của riêng mình, cốt chỉ mong con mình ấm êm. Giờ thì đứa con trai duy nhất của bà đã lỡ dở một cuộc hôn nhân khi chưa đầy ba mươi tuổi.
Lúc nào bà cũng nói vì nhà nghèo quá nên cuộc hôn nhân của con trai bà mới buồn đến vậy. Tôi thì không nghĩ thế, thiếu gì người khổ cực mà họ vẫn bên nhau đấy thôi. Thiếu gì cuộc hôn nhân bắt đầu từ tay trắng mà vẫn ấm êm hạnh phúc qua bao vất vả thăng trầm. Thiếu gì cuộc hôn nhân bằng nhung lụa vàng son mà rồi cũng chia ly trong nước mắt. Con dâu bà chắc không còn yêu chồng nên mới không muốn cùng chồng gánh vác hôn nhân. Cũng tại không thương nên mới đành lòng xa rời con nhỏ.
Có người vì những bữa ăn thiếu thốn đạm bạc mà ly hôn, nhưng cũng có người gia tài nghìn tỷ vẫn quyết ra tòa để dứt khoát đường ai nấy bước. Vậy nên người ta xa nhau có lẽ không hẳn bởi vì nghèo hay bởi vì giàu, mà lý do chính là vì người ta đã không còn thương nhau nữa. Bởi thương nhau thì nằm ngủ trên rơm cũng ấm, mà không thương nhau thì đệm ấm chăn êm cũng lạnh lùng.
Khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, người ta sẽ thường hỏi nhau “vì sao mà họ bỏ nhau thế?”. Khi mình yêu một người, chấp nhận một người, nào phải mình không biết người đó giàu nghèo ra sao, nào phải mình không biết người đó hay dở chỗ nào. Chỉ là yêu thì cho qua hết, chấp nhận và đón nhận được hết. Rồi sau khi sống chung, khi tình cảm đã nhạt phai dần ta lại thấy đó là những nhược điểm khiến ta muốn vứt bỏ. Có nhiều lý do để một cuộc hôn nhân bắt đầu thì cũng có chừng ấy lý do để một cuộc hôn nhân kết thúc. Nhưng lý do lớn nhất, chính đáng nhất, ấy chính là bởi không còn thương yêu.
Còn yêu thì còn bao dung, hết yêu thì một chút khách sáo cũng không còn. Yêu thì chia nhau một ổ bánh mì, hết yêu thì cả gia tài cũng không màng đến. Yêu thì sẵn sàng hiến dâng cả tính mạng mình, hết yêu thì tìm cách đoạt mạng người mình từng yêu thương nhất.
Chẳng hẳn tại nghèo, chẳng bởi tại giàu. Cuối cùng, chỉ bởi còn hay mất một chữ "Yêu".
Lê Giang