Cuộc điện thoại lúc nửa đêm khiến tôi như bừng tỉnh

Giang Hà

(Dân trí) - Chúng ta từng là trẻ em, nhưng con chúng ta thì chưa từng được là người lớn. Các con hoàn toàn không thể hiểu hết nỗi lòng của cha mẹ và chúng ta cũng không thể đòi hỏi điều đó.

Tôi đang lơ mơ ngủ thì chuông điện thoại reo, nhìn số điện thoại lạ nhấp nháy trên màn hình, định tắt đi. Nhưng rồi nhìn đồng hồ thấy đã hơn 1h sáng, tôi lo lắng nghĩ hay người thân quen có bất trắc gì nên quyết định bấm máy nghe.

Tôi vừa "Alo" khẽ khẽ, đầu dây bên kia liền đáp lời vội vàng: "Bố đừng nói gì cả. Xin bố hãy nghe con nói". Tôi giật mình, tay nắm chắc điện thoại. Đầu dây bên kia bắt đầu có tiếng khóc thút thít.

"Con đang rất buồn và tự thất vọng về chính mình. Kết quả năm học vừa rồi không được như bố mẹ mong đợi. Con đã rất cố gắng nhưng lại cảm thấy càng ngày mình càng không có động lực để học. Hôm nay, bố mẹ đi họp phụ huynh về có lẽ sẽ rất buồn. Con không dám về nhà nên đã sang nhà bạn, bố đừng lo lắng nhé. Con xin lỗi".

Tôi nín lặng, không biết mình có nên lên tiếng hay không. Cuối cùng, bằng giọng nhẹ nhàng nhất có thể, tôi nói nhỏ: "Bố mẹ có buồn một chút thôi nhưng không sao cả. Điểm số cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là con đã cố gắng rất nhiều rồi. Bố luôn tự hào về con. Con cứ ở lại nhà bạn, sáng mai về nhé. Bố yêu con".

Đầu dây bên kia im lặng một lúc, tiếng thút thít đã ngừng. Rồi giọng nói lại cất lên: "Con yêu bố", tiếp đó tiếng "tút tút" vang lên.

Cuộc điện thoại lúc nửa đêm khiến tôi như bừng tỉnh - 1

Những kỳ vọng của bố mẹ nhiều khi lại trở thành áp lực của con cái (Ảnh minh họa: iStock)

Tôi tắt điện thoại, bước sang phòng bên cạnh. Trong ánh đèn ngủ mờ ảo, hai đứa con gái của tôi đang say sưa ôm nhau ngủ. Tôi lần ra sân ngồi, nhìn ngọn đèn đường vàng vọt trong không gian tĩnh lặng nơi con ngõ nhỏ, lòng đầy suy tư.

Sáng nay, vợ tôi cũng đi họp phụ huynh cho hai đứa. Sau khi về, vợ nhìn tôi thở dài. Điểm số của các con không được như cô ấy kỳ vọng. Con gái lớn chúng tôi năm nay lên lớp 8, học lực rất bình thường nên vợ chồng tôi đặt hết kỳ vọng vào cô gái út lớp 5.

Trái với cô chị, cô em tố chất thông minh, từ nhỏ đến lớn đều học rất tốt. Chúng tôi hy vọng con có thể vào trường chuyên. Để đủ điều kiện xét tuyển vào trường, con phải đạt học sinh giỏi toàn diện 5 năm liền. Thế nhưng, kết quả năm cuối cấp lại không như ý.

Trong bữa cơm tối nay, vợ tôi có than phiền về chuyện này, con bé chỉ im lặng cúi đầu ăn, không nói gì. Không muốn không khí nặng nề, tôi đã ra hiệu vợ im lặng. Dù sao thì cũng thi rồi, có buồn bã hay mắng mỏ con cũng không thay đổi được gì nữa.

Làm cha, làm mẹ, ai cũng muốn dành cho con mình những thứ tốt nhất, luôn mong muốn con mình giỏi giang hơn người. Con học giỏi, đó là nỗi tự hào không hề nhỏ của những ông bố bà mẹ.

Hôm nay, lướt Facebook, tôi thấy không ít bảng điểm của nhiều bậc phụ huynh đăng lên với niềm tự hào về thành tích của con. Cùng với đó, có lẽ không ít trong gia đình, mọi thứ sẽ tồi tệ hơn vì những lời chỉ trích, mắng mỏ.

Cuộc sống nhiều áp lực, bố mẹ lắm nỗi lo toan. Niềm vui của bố mẹ nhiều khi rất giản đơn. Chỉ cần con mình ngoan ngoãn, giỏi giang, mọi phiền muộn coi như tan biến. Những hy vọng, mong cầu đã biến thành nỗi áp lực với những đứa trẻ.

Con gái đầu của tôi đã từng mắc trọng bệnh. Thời điểm con trong cơn ngặt nghèo, vợ chồng tôi chỉ cầu nguyện mong con được sống, ngoài ra không đòi hỏi gì hơn. Vì vậy, dù con gái có học lực trung bình, chúng tôi vẫn cho rằng chỉ cần con khỏe là được.

Nhưng đến con gái thứ hai, chúng tôi lại khác. Vì con thông minh từ nhỏ nên mọi hy vọng và kỳ vọng chúng tôi lại trao hết vào con. Và vì hy vọng nhiều, kỳ vọng cao nên thất vọng là không tránh khỏi.

Nghĩ tới nghĩ lui, tôi lại nghĩ đến cuộc gọi nhầm ban nãy. Nghe giọng cô bé chắc cũng bằng tuổi con gái đầu của tôi. Hẳn cô bé đã gánh trên vai quá nhiều kỳ vọng và áp lực của bố mẹ nên mới sợ hãi, lo lắng như vậy. Lo lắng và sợ hãi đến mức không dám về nhà, đến số điện thoại của bố mình cũng bấm nhầm.

Bố mẹ cô bé giờ này không thấy con về hẳn sẽ rất lo lắng. Nỗi lo lắng chắc sẽ lớn hơn nhiều nỗi thất vọng. Và điều họ nghĩ đến bây giờ có lẽ chính là sự an toàn của con chứ không phải điểm số.

Tôi hy vọng, sáng mai khi cô bé về nhà, bố mẹ cô bé sẽ đón con bằng những cái ôm.

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.