Cuộc điện thoại cuối cùng của mẹ
(Dân trí) - Cuộc đời này, chúng ta còn gặp cha mẹ được bao nhiêu lần?
Bà chậm rãi thắp nén hương lên ban thờ ông, thì thầm: "Còn 3 hôm nữa là tròn 20 năm ngày giỗ ông rồi, ông thấy thời gian trôi có nhanh không?".
Hai mươi năm qua, bà đã thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình. Cái ngày ông nắm tay bà trên giường bệnh, bà vĩnh viễn không bao giờ quên:
- "Anh xin lỗi vì bỏ em đi sớm quá... Các con nhờ vào em... Nếu có hạnh phúc tìm tới thì đừng từ chối...".
Bà bặm môi nén tiếng khóc đang cuộn lên trong lòng, mỉm cười gật đầu cho ông an tâm. Nhưng khi thắp nén nhang đầu tiên lên ban thờ, bà đã tự thề sẽ ở vậy suốt đời để nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành.
Lương nhà nước không đủ lo cho ba mẹ con, bà xin nghỉ việc, ở nhà kinh doanh. Bà thuê kiốt trong chợ, sáng sớm nào cũng cùng hai con bê hàng, dọn đồ, tối muộn lại cùng nhau dọn dẹp, rồng rắn về nhà cơm nước đến tối mịt mới xong.
Nhà bà bao giờ cũng sáng đèn muộn nhất xóm vì bà bận kiểm hàng, hai đứa con chăm chỉ học bài đến khuya. Ngày đó tuy vất vả nhưng hạnh phúc biết bao. Chúng nó ngoài đến trường thì đều quanh quẩn bên bà vô cùng ngoan ngoãn.
Cái ngày cháy chợ, vốn liếng không cánh mà bay, bà phải lần hồi nấu cơm bày ra quang gánh để bán vì chỉ có cách này mới không cần đến quá nhiều tiền vốn.
Trong số khách quen của bà có một cô gái ngày nào cũng rẽ qua mua một suất ăn cầm về. Một ngày cô nói với bà:
- Bác ơi, sếp cháu rất thích đồ ăn bác nấu, cô ấy bảo rằng ăn cơm của bác giống như được ăn cơm của mẹ. Cô ấy muốn mời bác về công ty nấu ăn hàng tháng, bác không cần phải gánh hàng đi bán rong nữa, có được không?
Bà mất mấy ngày suy nghĩ, bàn bạc với hai con và quyết định nhận lời. Sáng đi chợ, nấu cơm cho công ty, chiều tranh thủ dọn dẹp, làm tạp vụ. Công việc tuy bận rộn, vất vả nhưng sự chăm chỉ, hết lòng của bà rất được mọi người thương yêu. Bà được hưởng cả lương nấu ăn và lương tạp vụ nên cuộc sống cũng tạm đủ để bà lo cho hai con và chắt chiu dành dụm được chút ít.
Mới đó mà đã 20 năm. Hai đứa con bà đã dựng vợ, gả chồng cho chúng nó xong xuôi, êm ấm.
Thằng lớn lấy vợ là con một. Thông gia nhà bà bị bệnh nên chúng nó phải ở bên ấy chăm nom bà cụ. Con trai, con dâu thương bà một mình, muốn bà về bên đó để chúng nó tiện chăm sóc nhưng bà ngại làm phiền con, đã đủ thứ áp lực lo toan lại lo chăm hai bà mẹ thì khổ thân nên bà bảo bà vẫn khỏe, ở đây còn hương khói cho ông.
Con bé út của bà thì đi làm dâu xa, lâu lắm mới về thăm bà được một lần. Bà nhớ con nhớ cháu mà chỉ biết bảo chúng nó thi thoảng gửi hình gửi ảnh bà ngắm cho đỡ buồn.
Chỉ còn ba ngày nữa là đến giỗ ông, tự dưng bà cứ thấy lòng cồn cào chộn rộn. Mấy nay bà thấy người không khỏe. Không hiểu sao mỗi lần thở bà lại nhói nơi tim. Chắc tại bà nghĩ nhiều quá. Nghĩ xem ngày giỗ ông nấu những món gì khi xưa ông thích, rồi con cháu đứa nào thích ăn món gì bà cũng đều nhớ hết để nấu cho chúng nó ăn.
Tự nhiên bà thấy mệt quá. Chắc tại do bà nôn nhớ chúng nó. Chỉ còn mấy ngày nữa thôi bà lại được gặp đông đủ các con, các cháu, nhà lại có dịp tụ tập đông vui, bà thích cảm giác đó vô cùng. Tối nay bà chẳng muốn nấu ăn, chỉ thấy nhớ chúng nó. Bà gọi điện cho thằng cả, nó bảo:
- Con đang bận tiếp khách, mẹ gọi cho vợ con bảo cô ấy video call cho ngắm hai đứa cháu yêu cho vui.
Bà gọi cho con dâu thì dâu bảo:
- Bọn trẻ đi học hết, mẹ có khỏe không?
Nó hỏi thăm sức khỏe bà nhưng bà không dám nói mệt sợ chúng nó lo. Bà lấy gối chặn lên ngực cho đỡ tức ngực, lại cố bấm số gọi cho gái út. Nó bảo:
- Còn có ba ngày nữa là con về rồi, mẹ cứ nghỉ ngơi, đừng mua nhiều đồ quá, con đã sắm hết đây rồi.
Bà mỉm cười:
- Ừ, ba ngày nữa gặp con nhé. Mẹ mong các con lắm.
Bà buông thõng điện thoại xuống. Một cơn đau tim thắt nghẹn làm bà không thở được. Đầu đau dữ dội. Bà định nhấc người dậy dặn ông 3 hôm nữa nhớ về ăn cơm cùng cả nhà nhưng tay chân bà không nhúc nhích nổi.
Trong một thoáng bà tự nghĩ rằng mình quá già rồi, không điều khiển được cơ thể nghe theo mình nữa. Xong bà lại nghĩ, nằm tạm chút, hết cơn đau bà sẽ dậy soạn mấy chồng bát đĩa sẵn ra. Rồi bà từ từ nhắm mắt lại, cứ thế thiếp đi.
Sáng hôm sau hàng xóm không thấy bà mở cửa quét sân như mọi ngày. Các con bà về sớm hơn dự kiến nhưng không phải để cùng với bà làm cỗ giỗ ông. Họ quỳ xuống khóc, gọi "mẹ ơi" nhưng bà không nghe được tiếng các con bà gọi nữa.
Giá như hôm đó họ biết bà mong nhớ họ nhiều đến thế thì có thể họ đã không bỏ lỡ những giây phút cuối cùng được ngồi bên mẹ, người đã hết một đời vì họ, chỉ biết đến hy sinh.
Thời gian của mẹ như chiếc lá, chỉ chờ một cơn gió thổi qua.