Cuộc “đào tẩu” ngày Tết của các “nàng Mị”

(Dân trí) - Như đã thành thông lệ, cứ năm hết Tết đến lại thấy nhan nhản cả trên mạng lẫn ngoài đời lời than vãn của chị em về chuyện sợ Tết, chuyện đầu tắt mặt tối chuẩn bị Tết.

Cuộc “đào tẩu” ngày Tết của các “nàng Mị” - 1

Tôi cũng không ngoại lệ, là phụ nữ tôi đã trải qua những điều trên. Nhưng đó chỉ là quá khứ. Tết của tôi đang dần nhẹ nhõm, vui vẻ hơn nhờ những thay đổi tích cực.

Đầu tiên là chuyện sắm Tết. Mọi năm tôi cứ đợi đến gần sát Tết mới cắp làn đi chợ sắm một loạt, rồi lại thiếu ngược thiếu xuôi, lại tất tưởi đi mua thêm rất mất công và thời giờ. Trong khi các tụ điểm mua sắm thì đông đúc, bon chen mà tôi chỉ có một thân một mình tay xách nách mang vì chồng cận Tết rất bận, phải gấp rút thu xếp công việc ở công trường.
Những năm gần đây tôi lên danh sách đồ cần chuẩn bị từ tháng 11 âm rồi cứ cuối tuần lại rủ chồng cùng mình đi mua sắm. Nhờ vậy tôi có cảm giác được chia sẻ công việc nội trợ, chứ không còn là sự ấm ức như xưa khi mọi việc mua sắm đổ dồn lên mỗi mình.

Thời buổi này hàng Tết về rất đa dạng từ sớm. Cứ túc tắc như thế đến ngoài 20 âm, tôi đã ngồi rung đùi ở nhà cắn hạt dưa vì đồ Tết đã sắm đủ. Những món có thể mua từ sớm hơn nữa như áo quần, cây cảnh, chăn màn mới tôi sắm luôn từ đợt giảm giá 11/11 và Noel.

Tiếp theo nữa là chuyện Tết lệch ở nhà chồng. Ở nhà tôi Tết rất ấm cúng, bố vào bếp làm cùng mẹ con tôi mọi việc. Nhưng nhà chồng tôi thì ngược lại, đàn ông mấy ngày Tết chỉ đi nhậu và dẫn bạn về nhà nhậu. Tôi cùng chị dâu cả và mẹ chồng bận rộn trong bếp cả ngày.

Chồng tôi ngày thường cũng không phải hạng mê nhậu, bỏ bê việc nhà cho vợ nhưng hễ Tết đến, trở về với gia đình anh là anh như lột xác thành một thiếu gia lêu lỏng ham chơi.

Tôi nấu nướng vất vả lại thấy chồng bê tha thì càm ràm anh mỗi khi hai vợ chồng đụng mặt. Nét mặt tôi trong những ngày Tết quả thật cũng không vui vẻ gì cho cam. Có lẽ thái độ tiêu cực đó đã đẩy tôi xa rời các thành viên nhà chồng.

Thế rồi em dâu út xuất hiện, đã giúp tôi thay đổi thái độ và cách ứng xử. Dù mới về làm dâu nhưng em rất khéo léo, luôn vui vẻ. Bằng sự khéo nói của mình, em đã thuyết phục được mẹ chồng đơn giản hoá chuyện ăn uống, cái gì mua được thì không cần tự làm.

Chú út từ ngày lấy vợ cũng hạn chế nhậu trong mấy ngày Tết, đi đâu vợ chồng cũng dắt díu nhau đi cùng.

Tôi học tập thím út, "trang điểm" cho mình bằng nét mặt tươi vui, nụ cười nhẹ nhõm rồi lựa lúc chồng vui vẻ thì đề nghị chồng đưa vợ con đi chơi Tết cùng.

Có lần mấy mẹ con tôi đang sửa soạn váy áo để cùng bố đi chơi xuân thì mẹ chồng vào phòng bảo tôi ở nhà dọn mâm cơm mời mấy người họ hàng vừa đến. Tôi đã khéo léo từ chối, dù mẹ không vừa ý nhưng tôi thấy mình được hơn là mất.

Được đưa các con đi hít thở bầu không khí mùa xuân và gặp gỡ mọi người, nếu chỉ mình chồng tôi đi các con sẽ phải ở nhà để bố còn rảnh rang nhậu.

Được những phút giây gia đình nhỏ tíu tít bên nhau. Được gắn kết hơn với những người thân, người bạn của chồng. Được khuyên chồng không bia rượu vì không ai nỡ ép một người đàn ông đang lái xe đưa vợ và hai con nhỏ đi chơi phải uống nhiều.

Đôi khi ta cũng phải học cách nói không, để có được những điều ý nghĩa hơn. Mẹ chồng khi thấy các con dâu năng đi chơi Tết không còn thường xuyên ở nhà phụ bà nấu nướng nữa thì cũng bỏ dần thói quen hễ cứ ai đến nhà lại mời ở lại ăn uống, hễ chồng hay con cái đưa bạn nhậu về nhà là phục vụ tận tình dù cho hội nhậu có ngồi đến khuya.
Mẹ bảo luôn các con trai bây giờ mẹ già rồi, các con dâu thì có nhu cầu đi chơi Tết, một mình mẹ lo không xuể nên các con muốn ăn nhậu thì tự lao vào bếp. Nhờ vậy những cuộc nhậu lê thê ở nhà chồng tôi đã vơi bớt.

Thấy mẹ chồng tư tưởng ngày càng hiện đại, năm vừa rồi mấy chị em dâu rủ cả mẹ chồng đi chơi xuân, mẹ phấn khởi hẳn, tủm tỉm bảo: "Bao năm chỉ cắm đầu trong bếp không biết Tết là gì, giờ đi ra ngoài nhiều mới hiểu sao giới trẻ gần đây cứ hay hát Mị còn trẻ Mị muốn đi chơi".

Quỳnh Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm