Nỗi lo Tết... lệch
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết âm lịch nhưng chị đã lo nơm nớp. Nhất là năm nay, 2 chị gái chồng ở bên Úc nhắn sẽ đưa gia đình về Việt Nam ăn tết, rồi em trai chồng trên thành phố cũng hứa chắc nịch đợt này đổi ca trực, cả nhà rồng rắn về quê nội từ hôm tất niên.
Mẹ chồng chị suốt ngày rỉ rả nói cười, chỉ mong nhanh nhanh đến tết. Đầu tháng 11 âm, bà đã lên danh sách chuẩn bị các thứ cần mua, tuyên bố sẽ nghỉ bán hàng sớm để tập trung đón tết.
Nghe mẹ chồng tính toán năm nay sẽ gói cỡ ba chục cái bánh chưng, mười cân giò thủ, chục cân giò gà, để ra tết mấy đứa nhỏ mang "sang bên kia" làm quà mà chị hốt hoảng. Chồng chị lúc ấy đang gác chân lên gối ngủ đọc báo, không buồn nhấc mắt lên nhìn chị, gấm gẳng bảo: "Có mấy ngày tết mà kêu như vạc. Đây mà là đàn bà phất tay một cái là xong". Chồng chị vẫn thường nói thế, nhẹ bẫng và thản nhiên.
Năm nào gần đến tết chị cũng có cảm giác sắp quá tải và nghẹt thở đến nơi. Mẹ chồng chị mở một đại lí bán bánh kẹo ngay tại nhà, từ tháng chạp trở đi, hàng họ xô bồ, khách khứa tấp nập, nguyên việc chạy qua chạy lại bán hàng thôi cũng khiến chị xây xẩm mặt mày. Nhưng cực nhất là việc chuẩn bị thức ăn đón tết, nào là gói bánh chưng, gói giò chả,... Mẹ chồng chị tính cẩn thận và tỉ mỉ, thứ gì cũng muốn tự tay làm chứ không mua sẵn.
Trước khi lấy chồng, chị nào có biết gói bánh chưng tròn méo như thế nào, bây giờ chị có thể gói nhanh thoăn thoắt. Từ hai mươi tháng chạp, chị đã phải lân la hết chợ xa chợ gần, sắm sửa đồ khô, đong gạo, mua gà,... Hai sáu, hai bẩy tết thì đưa thịt đi xay nhuyễn rồi đem về giã lại thật dẻo, chân tay đau đến mức rụng rời. Chồng chị chỉ hộ được một chốc một lát là giở chiêu bài: "Anh chạy ra đằng này một tí". Cái một tí ấy là đi đến hết đêm.
Khung cảnh Tết mỗi năm ở gia đình chị chẳng khác nhau là mấy, phụ nữ loanh quanh trong xó bếp, còn đàn ông thì vắng nhà liên miên. Ba chồng chị tết đến là dính chặt lấy chiếu tổ tôm, tới bữa cơm phải gọi như hò đò mới chịu về. Chồng chị thì thoắt ẩn thoắt hiện, thấy đầu không thấy đuôi. Câu cửa miệng của anh là: "Cả năm mới có mấy ngày tết, phải chơi cho đã". Tết là dịp để anh tự cho mình cái quyền được đi sớm về muộn, vợ gọi khỏi phải nghe, say xỉn không cần lý do. Chị có nhỡ mồm nhờ vả việc gì là y như rằng nhận được câu trả lời mười năm như một: "Có ba ngày tết mà kêu như vạc. Đây mà là đàn bà phất tay một cái là xong".
Quê ngoại chị cách nhà chồng không bao xa, đi xe máy chỉ mất non nửa tiếng. Nhưng tết đến, họa hoằn lắm chị mới về nhà được một lát. Năm nào vào đêm ba mươi, sau khi chuẩn bị cơm cúng tất niên xong, chị cũng tranh thủ mấy tiếng trước giao thừa, chạy xe về thăm mẹ, thắp vội nén hương và bầy biện chút quà cáp lên ban thờ, rồi lại sấp ngửa ra về. Từ sáng mồng một cho đến hôm hóa vàng, lúc nào chị cũng tất ta tất tưởi, hết chuẩn bị cơm cúng lại cắm mặt dọn dẹp nhà cửa.
Mấy năm nay, chị đã bỏ thói quen sắm sửa quần áo mới và "tút tát" lại nhan sắc để đón tết, vì chẳng mấy lúc rảnh rang mà trưng diện đi đâu. Trời lạnh thì khoác thêm cái áo gió, tay áo lúc nào cũng vén cao để tiện thu dọn, bình thường thì mặc quần ngủ cho dễ đứng lên ngồi xuống, lúc nào nhà có khách mới vội vội vàng vàng "đổi cảnh". Chị thường gọi mấy ngày tết trong gia đình mình là tết lệch, vì mọi trách nhiệm luôn đổ dồn lên vai phụ nữ, chỉ có đàn ông mới giống đám trẻ con vui cười hớn hở mong tết đến từng ngày.
Theo Thiên Bình
Phụ Nữ Việt Nam