Cú đỡ từ tầng 12 và lời "thức tỉnh" từ một ông bố

Nguyên Hoài Phong

(Dân trí) - Đỡ cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12, anh Nguyễn Ngọc Mạnh được gọi tung hô là anh hùng. Nhưng điều kỳ diệu này được làm nên bởi trái tim của một ông bố.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh đỡ cháu bé rơi từ tầng 12 được đưa ra mổ xẻ, phân tích về mặt kỹ thuật, kỹ năng, sức mạnh, vận tốc, sự quả cảm, nhanh nhạy, chính xác... Tất cả những điều đó từ người đàn ông này phải nói được làm nên bởi trái tim của một con người thiện lương, và hơn hết là trái tim của một ông bố.

Cú đỡ từ tầng 12 và lời thức tỉnh từ một ông bố - 1

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người cứu sống cháu bé rơi từ trên lầu cao xuống

Khi phát hiện ra cháu bé đang treo lơ lửng từ trên tầng cao sau tiếng la hét thất thanh, anh Nguyễn Ngọc Mạnh, đang ngồi trong xe tải gần đó lập tức bật tường, nhảy lên mái tôn cách đất 2m ở dưới sân tòa nhà.

Khoảnh khắc này chỉ diễn ra trong hơn một phút và lúc đó, anh Mạnh chia sẻ, anh chỉ nghĩ đến điều duy nhất: cháu bé cũng như con mình ở nhà. 

Theo lời mẹ anh Mạnh kể, tối hôm đó, về đến nhà, anh ôm ghì bé gái đầu, rồi lại quay sang ôm con cô con gái thứ 2 mới 6 tháng tuổi với cảm xúc nghẹn ngào.

Sau này anh giải thích, khi trở về nhà, anh thấy mình thật hạnh phúc vì con mình vẫn an toàn, các con đang trong vòng tay mình.

Sự xúc động, cảm phục dành với anh Mạnh tạo nên một nguồn cảm hứng không chỉ hành động của anh hướng đến đứa trẻ đang lơ lửng trên tầng cao chót vót. Khi mọi người tìm được Facebook của anh, thêm rất nhiều lần nữa, chúng ta lại  xúc động về một ông bố làm nghề lái xe tải chuyển nhà, chuyển hàng hóa. 

Có thể nhìn thấy niềm hạnh phúc trong mắt anh khi chơi với con, làm ngựa cho con cưỡi, cắt tóc cho con, dạy con học chữ, ngay cả khi ngồi ăn uống cùng bạn bè anh vẫn bận... ôm cô con gái. 

Những hành động đời thường của ông bố này truyền cảm hứng về lòng tử tế, nhân ái, về sự quả cảm. Và hơn cả, còn đánh thức tình phụ tử, mẫu tử đến mọi ông bố bà mẹ, về trách nhiệm, về tình yêu của người làm cha làm mẹ. 

Có biết bao nhiêu đứa trẻ bị bỏ rơi, bỏ bê bởi chính bố mẹ. Có những ông bố từ bỏ giọt máu của mình từ trong bào thai, có những bà mẹ vứt bỏ con ngay sau khi con vừa chào đời. 

Bố mẹ lao vào kiếm tiền, công danh, quay cuồng đủ trong các mối quan hệ, thú vui xã hội. Nhiều đứa trẻ đang nằm ở vùng ưu tiên cuối cùng từ chính những người sinh ra mình. 

Nhiều phụ huynh sinh con, nuôi con nhưng than không có thời gian cho con là bởi là khi họ đặt con sau các ưu tiên khác. Trong khi, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương chia sẻ: Nếu xem con cái là sự nghiệp, bố mẹ ắt sẽ tự tìm được thời gian. "Chìa khóa" trong việc giáo dục con cái nằm ở sự thức tỉnh và yêu thương. 

Sau sự việc của anh Mạnh, chắc chắn nhiều gia đình ở chung cư, nhà cao tầng sẽ hốt hoảng, vội vã lắp lưới an toàn. Thậm chí, các quy định kỹ thuật về an toàn nhà ở cũng sẽ phải xem xét lại. Nhiều người thở phào vì nhà mình lắp lưới an toàn lâu rồi.

Tuy nhiên, lưới an toàn nhất với mọi đứa trẻ chính là trách nhiệm, quan tâm là sự chia sẻ, quan tâm, là sự đồng hành của bố mẹ. 

Là việc cha mẹ con cái cần được thụ hưởng lẫn nhau một các tốt đẹp, năng lượng nhất. Không thể là cảnh bố mẹ dán mắt vào điện thoại rồi bỏ mặc đứa con khóc gào hay vô cảm bên cạnh, cũng không thể là cảnh bố mẹ thả con cho tivi, điện thoại để mình được rảnh tay. 

Cú đỡ từ tầng 12 và lời thức tỉnh từ một ông bố - 2

Nhiều đứa trẻ đang bị bỏ rơi, bỏ bê bởi chính bố mẹ (Ảnh minh họa)

Ở nhiều diễn đàn, nhiều đứa con đang vật lộn kêu gào: "Có bố có mẹ mà sao cô độc quá!" Vâng, chúng đang bị bỏ rơi ngay trong gia đình mình.

Lưới an toàn nào giữ nổi những đứa con khi các con muốn nhảy lầu, tự vẫn, trầm cảm, chán chường, mất niềm tin... Mà trong đó, theo các nhà xã hội học phần lớn, xuất phát từ yếu tố gia đình, cha mẹ.

"Tôi không phải là siêu nhân hay anh hùng, tôi là người bình thường". Ông bố Nguyễn Ngọc Mạnh không mong chờ sự ca tụng, vinh danh từ việc làm "rất đời" của mình. Sự thôi thúc hành động trước hiểm nguy với một đứa trẻ, có thể thấy bố này mong là mọi đứa trẻ được bình yên và an toàn - trước nhất phải là trong vòng tay cha mẹ. 

Như cái ôm thật chặt anh dành cho hai con sau sự việc, như anh mong muốn sự việc lắng xuống để anh trở về cuộc sống bình thường, chạy xe lo cho vợ con.