Công thức 6 cái lọ giúp con tiêu tiền đúng cách từ nhỏ và thành công khi lớn lên

“Tôi đã dạy các con tiêu tiền để thành thói quen. Nhìn thái độ đối với đồng tiền của con tôi thấy vui vì đã có ý thức "cho đi", thích "học hành" và bắt đầu chịu trách nhiệm với bản thân cao hơn" - bà Bùi Minh Tú, chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ.

Nhiều người có tiền đã tiêu tiền phung phí, không tích lũy để xứng đáng với những gì họ làm ra. Vì vậy tôi đã dạy các con mình tiêu tiền theo quy tắc 6 chiếc lọ. Trước đó tôi đã làm cho mỗi con 6 chiếc lọ, và nhân kỳ nghỉ Tết dài ngày (để phòng tránh dịch Corona), tôi bắt đầu hướng dẫn các con thực hành phân bổ số tiền "thu hoạch Tết".

Khi con gái vào phòng khoe có đôi bông tai mới, và ôm theo "tổng kiểm kê tài sản" được hơn 1,7 triệu đồng tiền lì xì, tôi đã gọi cậu con trai ôm tiền lì xì ra theo, rồi bảo các con cùng ngồi để hướng dẫn con chia 6 chiếc lọ sao cho đúng. Con gái liến thoắng:

- Con biết 10% hưởng thụ là "ăn chơi" là muốn làm gì làm, má không được có ý kiến. 5% "cho đi" con thấy cũng đủ rồi, không cần thêm.

Công thức 6 cái lọ giúp con tiêu tiền đúng cách từ nhỏ và thành công khi lớn lên - 1

Từ nhỏ nên dạy con chi tiêu số tiền hiện có theo quy tắc 6 chiếc lọ. Ảnh minh họa

 

Tôi nhìn cách tiêu tiền của con trên tờ giấy, ngạc nhiên hỏi:

- Sao con cho đi có 5% (lọ giúp đỡ người khác) mà chi tiêu vui chơi (lọ hưởng thụ) 10% - thế có cân bằng không? Rồi 10% cho phát triển bản thân (lọ giáo dục) con sẽ làm gì?

Thấy con tần ngần chưa trả lời được, tôi hướng dẫn:

- Con muốn để dành tiền đi học đại học thì bỏ vào lọ "giáo dục" (còn gọi là phát triển bản thân). Đầu tư học tập phát triển bản thân rất quan trọng, kẻo khi đi làm rồi nhiều người không muốn đầu tư vào học nữa. Khoản 10% này sẽ dành cho nâng cấp mình ở mọi khía cạnh, như má đầu tư cho học hành nhiều lắm, ít nhất phải 50% chứ không phải là 10% (như nguyên tắc 6 cái lọ).

Tôi nói thêm với con về "nhu cầu thiết yếu" gồm ăn uống chi tiêu chiếm 55% nhiều quá, vì các con còn nhỏ chưa phải chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu nhiều như thế. Vì vậy má phụ trách 55% này của con, và con có thể phân bổ tỷ lệ lại theo mục tiêu riêng (như khi con lớn sẽ có tỷ lệ chi tiêu hàng ngày). Má vẫn bỏ tiền chợ vào đây, rồi chi ra để con hiểu được mức chi tiêu của mình.

Bắt đầu chia lọ, tôi hướng dẫn con không cần chia theo thứ tự như trong bảng hướng dẫn, mà chọn lọ "cho đi" đầu tiên để bỏ vào: 5% cho đi là 90 ngàn đồng, con có thể bỏ vào 100 đồng cho tròn.

Con gái nhíu mày chút xíu, rồi mỉm cười bỏ đúng 90 ngàn đồng. Con trai bỏ vào vô tư hơn vì rất hào phóng.

Tiếp đó là lo "Đầu tư tự do tài chính", các con còn bé chưa biết cụ thể nó là gì, nhưng tạm hiểu là "cần tái đầu tư những gì mình có".

Rồi tới lọ "Phát triển bản thân" hai con trẻ bỏ vào rất tự tin - má rất vui khi nhìn thấy sự ham học của các con....

Lọ "Tiêu dùng dài hạn" được bỏ vào sau cùng, vì khi nào sửa nhà các con sẽ mua sắm đồ riêng.

Cứ thế tôi dạy con chia số tiền đã có ra 6 cái lọ. Còn dư lại 170 ngàn, tôi hỏi con phân bổ thế nào? Con gái liền lấy 20 ngàn bỏ vào lọ "cho đi", 100 ngàn bỏ vào đi học và… vừa cười vừa bỏ thêm 50 ngàn vào phần được tự do tiêu xài.

Các con đang lớn khôn, nhìn thái độ của các con đối với đồng tiền tôi thấy vui vì biết các con đã có ý thức "cho đi", tuy chưa cần cho nhiều. Các con thích "học hành" và bắt đầu chi tiêu độc lập, chịu trách nhiệm với bản thân cao hơn.

Công thức 6 cái lọ giúp con tiêu tiền đúng cách từ nhỏ và thành công khi lớn lên - 2

Quan trọng là cha mẹ cần giúp con phát triển thành thói quen, học cách tiêu tiền cho hợp lý trên tổng số tiền mình có. Ảnh minh họa.
 

 

Trong cuộc sống người lớn có nhiều cách để kiếm tiền, nhưng chỉ cần tiêu sai một bước thì sẽ sai cả đời nếu không nhận ra sớm. Vì vậy mỗi người ngoài học cách kiếm tiền cần học cả cách tiêu tiền sao cho hợp lí.

Trẻ nhỏ có khả năng tiếp thu rất cao, biết lắng nghe và luôn hào hứng khi học được những điều mới. Quan trọng là cha mẹ cần giúp con phát triển nó thành thói quen, học cách tiêu tiền cho hợp lý trên tổng số tiền mình có.

Quy tắc tiêu tiền 6 chiếc lọ (phương pháp quản lý tài chính JARS của T.Harv Eker giúp quản lý tiền bạc kể cả khi bắt đầu với 100 ngàn đồng):

Lọ 1 (10%): Quỹ Tự do tài chính - nhằm đầu tư và tạo ra thu nhập thu động - là mục tiêu để có thể sống thoải mái, tuyệt đối không được tiêu tiền quỹ này vào nhu cầu cá nhân, mà chỉ dùng để "nuôi" khoản tiền này để nó "đẻ thêm" tiền cho bạn (như đầu tư dự án kinh doanh để tạo thu nhập thụ động hàng tháng... và thiếu có thể vay nợ, nhưng phải có nền tảng, không vay ngân hàng kiểu "xây nhà trên đất người khác").

Lọ 2 (10%): Quỹ Hưởng thụ (còn gọi vui là quỹ ăn chơi, ưu tiên đầu tư cho bản thân như mua món đồ yêu thích, tự thưởng buổi spa trọn gói, chuyến du lịch…). Khuyến khích tiêu hết tiền của quỹ này ngay 1 tháng. Không dùng quỹ này bù vào quỹ khác. Nếu đi du lịch xa, hoặc dùng một dịch vụ đắt đỏ… có thể tiết kiệm quỹ trước khi dùng.

Lọ 3 (5%): Quỹ Cho đi (để giúp đỡ bạn bè, người gặp khó khăn, làm từ thiện…), là một cách cảm ơn cuộc sống. Hãy cho đi để nhận lại nhiều hơn.

Lọ 4 (10%): Quỹ Đầu tư bản thân (còn gọi là Quỹ Phát triển bản thân - chỉ dành đầu tư giáo dục để phát triển bản thân (tham gia các khóa học kỹ năng, mua sách tài liệu…) kẻo sẽ bị thụt lùi với xã hội nếu không ngừng cải thiện bản thân hàng ngày. Hay nói cách khác là cách đầu tư tốt nhất chính là đầu tư vào học tập, bởi không phát triển có nghĩa là bạn đang chết.

Lọ 5 (10%): Quỹ Tiêu dùng dài hạn (gồm Tiết kiệm dài hạn và Tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp). Nên chia 10% làm đôi, khi cảm thấy đã tiết kiệm đủ cho quỹ khẩn cấp (khoảng 6 tháng chi tiêu hàng ngày), thì tập trung Tiết kiệm dài hạn (như mua nhà, mua ôtô, học đại học).

Lọ 6 (55% số tiền): Quỹ Tiêu dùng ngắn hạn (còn gọi là quỹ Nhu cầu thiết yếu chi cho việc ăn uống, nhà ở, chi phí đi lại, thanh toán điện, nước…). Nếu không đủ hãy tìm cách gia tăng thu nhập, hoặc đơn giản hóa các nhu cầu (như không đi taxi mà dùng các phương tiện công cộng, không đi ăn ngoài mà tự nấu nướng ở nhà…).

Nguyên tắc cần nhớ

- Hãy thêm tiền vào các quỹ liên tục mỗi ngày.

- Tiền trong quỹ hưởng thụ cần phải được tiêu hết mỗi tháng (hưởng thụ phải có chất lượng, thấy hạnh phúc). Nếu thừa cần chăm sóc bản thân nhiều hơn, nếu thiếu cần cân đối lại chi tiêu, tăng thu nhập để không tiêu lẹm khoản khác.

- Không dùng tiền của quỹ này để tiêu trong quỹ kia. Nếu thiếu quỹ nào thì hãy để dành để tiêu vào tháng sau khi có đủ tiền (không vì quỹ khác thừa nhiều mà lấy ra để bù vào).

Hãy nghiêm khắc với bản thân thì quản lý tài chính cá nhân mới nhanh đạt mục tiêu mong muốn.

 Theo Bùi Minh Tú

Gia đình và Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm