Con tôi vào lớp một

Từ thoải mái về thời gian, tinh thần, bé phải chuyển qua “làm việc” thực sự, phải tập trung chú ý trong cả tiết học dài. Lớp một không đơn giản. Bởi thế, trước khi đi học, bé nên được tập các thói quen sau:

Tập trung chú ý

 

Ở mẫu giáo, các bé lớn được tập khả năng tập trung chú ý tăng dần theo thời gian để đến cuối năm, bé có thể học trong 40 phút mà không cảm thấy quá gò bó. Cha mẹ cũng thường được các cô giáo nhắc nhở phối hợp chuyện này.

 

Phân biệt được “hiệu lệnh” của cô giáo

 

Ở lớp mẫu giáo, các bé được cô nhắc nhở đến tận nơi, đến tên từng bé, hoặc từng nhóm một. Bắt đầu lớp một, hiệu lệnh của giáo viên thường đưa ra cho cả lớp, ví dụ: “Các con lấy vở tập viết ra nào”.

 

Vì vậy, vào năm mẫu giáo lớn, cha mẹ nên phối hợp với nhà trường, giải thích cho con hiểu rằng bé sẽ gặp các tình huống như vậy để bé làm quen. Rằng lên lớp một, làm anh chị “nhớn” rồi nên bé không cần chờ nhắc đến tên mình mới làm nữa.

 

Động tác tay khéo léo

 

Vào lớp một, bé bắt đầu tập viết, động tác cầm bút viết có tác động đến các cơ nhỏ ở bàn và ngón tay, nếu bé không quen với các hoạt động tay thì rất chóng mỏi, gây ra chán viết.

 

Vì vậy, bắt đầu từ mẫu giáo nhỡ, việc tập cơ tay cho bé là điều cần được chú ý nhiều, cách tốt nhất là tập vẽ, tập nặn, cắt đồ chơi.

 

Bắt đầu từ 3 tuổi, bé đã khá thành thạo trong việc cầm nắm. Bạn hãy khuyến khích bé làm những việc này đều đặn hằng ngày để bé tập luyện.

 

Rèn luyện tính kỷ luật

 

Ở tuổi mẫu giáo, bé được sống khá thoải mái theo nhịp và theo cá tính của bản thân. Vào lớp một, bé phải chấp hành kỷ luật về giờ giấc và các nội quy trường lớp khá nghiêm ngặt. Nếu được chuẩn bị, bé sẽ đỡ cảm thấy “khổ sở” và bị gò ép hơn.

 

Biết khái niệm “trường tiểu học”, “lớp 1”

 

Để làm được việc này, cha mẹ nên nói dần dần cho con biết những việc con sẽ phải làm, những hoạt động cơ bản diễn ra tại lớp một.

 

Để giúp trẻ có cái nhìn tích cực, cha mẹ nên nói cho con những điểm hay khi đi học, ví dụ bé sẽ được coi là người lớn hơn, được học đọc và học viết, sẽ biết thêm nhiều điều.

 

Tuy nhiên, cha mẹ cũng đừng nói quá tốt kẻo bé có thể sẽ thất vọng nếu sự thực không được như vậy.

 

Tự trẻ có thể sẽ đặt nhiều câu hỏi cho cha mẹ, ví dụ “cô giáo của con có hiền không?”, “các bạn sẽ thế nào?”.

 

Cách tốt nhất là trả lời trẻ bằng những điều thật cụ thể, không nên thêm bớt hoặc nói những gì mà chính bản thân cha mẹ cũng không biết.

 

Tại các nước phát triển, trẻ mẫu giáo lớn thường được dẫn đến làm quen với sinh hoạt của các anh chị lớp một trong khu vực chừng ba, bốn lần để các bé có được một số khái niệm cơ bản về việc học lớp một.

 

Tại Việt Nam, việc làm quen mang tính chất có tổ chức như vậy dường chưa được quan tâm. Vì vậy, cha mẹ có thể tự cho con đến làm quen nếu có thể.

 

Thuận tiện nhất là những bé đã có anh, chị đi học trước rồi. Nếu không, cũng nên thỉnh thoảng dẫn bé đến ngôi trường bé sẽ học để làm quen dần.

 

Hòa đồng với các bạn

 

Ở trường mẫu giáo, nhiều bé còn chưa có tinh thần bạn bè nghĩa hiệp. Bé vẫn coi mình là “trung tâm của vũ trụ”, đặc biệt là các bé con một hoặc được chiều chuộng quá mức trong gia đình.

 

Bé ở tuổi mẫu giáo có thể chưa cần tham gia vào cuộc sống tập thể mà không cảm thấy bị lạc lõng, cô đơn.

 

Khi lên lớp một, nếu vẫn coi mình là “trung tâm vũ trụ”, bé có thể bị bạn bè xa lánh, khó hòa hợp. Vì vậy, cần giáo dục con một số đức tính căn bản của một trẻ lớn là biết chia sẻ và sống hòa hợp với bạn bè.

 

Không nên học trước chương trình

 

Việc học trước sẽ làm bé thấy chán khi đi học chính thức, lại lấy đi mất của bé một phần tuổi thơ.

 

Bé sẽ phải bớt phần thời gian để chơi, để khám phá cuộc sống theo đúng tuổi. Bạn đang bắt bé phải “chín ép” (trừ phi bé có trí tuệ phát triển vượt bậc).

 

Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì cần phải tôn trọng câu “có thì, có thục” trong việc nuôi dạy trẻ, trước khi quyết định dạy trẻ một điều gì mới.

 

Hầu hết các nhà nghiên cứu giáo dục hiện nay đều cho rằng, kết thúc trường mẫu giáo, trẻ có trí tuệ phát triển bình thường chỉ cần thuộc được các mặt chữ cái và các con số là đạt yêu cầu. 

 

Theo Lamchame.com

 

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái