Con rể mệt mỏi khi sống chung với mẹ vợ

Lâu nay mọi người vẫn nói cảnh nhiều nàng dâu mệt mỏi khi sống chung với mẹ chồng, nhưng việc sống chung với mẹ vợ của những chàng rể cũng đau đầu chẳng kém…


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mệt mỏi vì sống chung mẹ vợ nhiều lời

Phụ nữ lấy chồng, theo chồng và phụ thuộc hoàn toàn vào danh phận nhà chồng được coi là hợp với lẽ đời. Vậy nhưng, có những hoàn cảnh trớ trêu khiến nhiều chàng rể về nhà vợ, đi theo vợ nên mới xảy ra lắm mâu thuẫn, mệt mỏi. Đọc tâm sự của các chàng ở rể trên diễn đàn mạng xã hội hiện nay như: “Hội những người ở rể” thì thấy rằng, khi người đàn ông sống cảnh ở rể, không chỉ bị người ngoài nhìn vào bàn tán ở rể chẳng khác nào “núp váy vợ” mà chính những chàng rể cũng cảm thấy khó chịu và gặp nhiều rắc rối vì phải ở nhà vợ. Nhiều ông chồng tâm sự: “Ở nhà vợ nhục trăm đường”, “tôi phải ly hôn vì mẹ vợ lắm điều”…

Thảo sinh ra ở đất Thủ đô. Nhà có hai chị em gái, chị lại lấy chồng và sinh sống tận trong Nam nên bố mẹ rất cưng chiều. Còn bố mẹ chồng của Thảo mất khi anh vừa mới biết điểm thi Đại học. Một mình lên thành phố học, anh bám trụ lại đất thành phố và kiếm được một công việc ổn định. Tuy nhiên, đồng lương ít ỏi nên lấy nhau đã nhiều năm mà vợ chồng anh chưa dành dụm đủ tiền mua nhà.

Thấy con gái ở trọ, nhà cửa chật chội, thiếu thốn lại bụng mang dạ chửa, bố mẹ Thảo xót nên đề nghị vợ chồng Thảo về sống cùng. Mới đầu chồng Thảo từ chối vì không muốn nhờ cậy hay dựa dẫm mang tiếng ở rể. Nhưng nhìn vợ mang thai ốm nghén nặng lại không có người chăm sóc, anh Đạt – chồng Thảo đành đuối thế chấp nhận chuyện ở rể. Hơn nữa, cũng vì vợ anh năn nỉ về ở cùng bố mẹ cho vui mà vợ chồng tiết kiệm số tiền hàng tháng thuê nhà để dành sau này mua đất.

Những ngày đầu chung sống, mọi chuyện cũng cơm lành canh ngọt. Hàng tháng vợ chồng anh đưa cho mẹ vợ 2 triệu đồng để thêm thắt chi tiêu trong nhà. Anh cũng rất hiếu thuận và yêu quý mẹ vợ. Những lúc rảnh rỗi anh không ngại ngần phụ vợ, bố mẹ vợ việc nhà. Thế nhưng, dần dần mọi chuyện cũng chẳng được êm xuôi, tất cả cũng chỉ vì mẹ vợ lắm điều.

Lâu nay anh Đạt vẫn nghe nhiều đến mối quan hệ phức tạp giữa mẹ chồng – nàng dâu khi sống chung chứ chẳng nghĩ rằng phận ở rể như anh có ngày phải đối mặt với sự khó ưa của mẹ vợ. Nhiều lúc anh phải thốt lên rằng, “sống chung với mẹ vợ khổ sở chẳng kém sống chung với mẹ chồng”. Có lần anh đi nhậu về khuya liền được nghe một bài giáo huấn về vai trò của người chồng khi vợ sinh con, phải ở bên vợ chăm sóc vợ nhiều kẻo vợ trầm cảm. Rồi bà hay ca thán đủ điều, nói bóng gió chê bai đủ thứ.

Đi làm về mà chẳng may anh quên để luôn tất ở trong giầy, mẹ vợ nhìn thấy là gọi ngay ra mắng. Việc gì của hai vợ chồng anh, mẹ vợ chẳng bỏ qua mà can thiệp làm anh thấy mình cứ như “người thừa”. Đến cả chuyện vợ chồng “tế nhị”, mẹ vợ anh cũng tham gia. Khi thấy vợ anh gầy chút, bà ca cẩm không ngại ngần thẳng thừng nói mỉa với anh rằng “anh “hành” con bé vừa vừa thôi. Cái gì cũng phải điều độ”. Thậm chí có những lúc mẹ vợ nói cạnh khóe anh về chuyện nhà cửa. Suốt ngày so sánh vợ anh với những người con gái khác của bạn, khi họ lấy được chồng giàu, nhà cửa đàng hoàng... khiến anh chỉ biết cúi mặt im lặng.

Chạnh lòng anh bàn với vợ ra ở riêng như trước nhưng vợ anh không muốn vì bảo con còn nhỏ. Thương vợ, thương con còn nhỏ nên anh Đạt đành chọn cách đi từ sáng đến tối mịt mới về để đỡ va chạm với mẹ vợ và cố chịu đựng, dành tiền mua nhà.

Học cách sống chung

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn, câu chuyện của vợ chồng chị Thảo – anh Đạt như trên không phải hiếm. Không chỉ có cảnh nàng dâu mệt mỏi vì mẹ chồng mà không ít cảnh con rể cũng đau đầu vì định kiến của gia đình vợ.

Mọi người vẫn luôn nghĩ, việc phụ nữ xuất giá về nhà chồng làm dâu là chuyện đương nhiên, hợp đạo lý. Nhưng định kiến về chuyện ở rể vẫn còn khá nặng nề trong suy nghĩ của nhiều người. Điều này xuất phát từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ thời xưa. Xã hội giờ đã thay đổi, quan niệm đó đã rất lạc hậu, lỗi thời nhưng vẫn ăn sâu vào suy nghĩ, nếp sống của nhiều người.

Thực ra, không có người đàn ông nào thích ở rể. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều người đàn ông vẫn chấp nhận ở rể. Khi sống chung, dù rất hợp tính với bố mẹ vợ, các chàng vẫn mang những vướng mắc khó nói trong lòng. Nếu không mặc cảm thì cũng cảm thấy không được thoải mái. Khi sống chung với nhà vợ, nếu không có sự khéo léo người chồng sẽ khó thích nghi và dễ nảy sinh những xung đột như quan hệ nàng dâu – mẹ chồng.

Người Việt ta vẫn có câu “Nhập gia phải tùy tục”. Câu này chính là chìa khóa giúp những thành viên mới như con dâu, con rể. Ở rể hay làm dâu cũng đều giống nhau ở việc phải học cách sống chung đòi hỏi sự phối hợp, nỗ lực đa chiều ở chàng rể, vợ và người thân của vợ.

Cuộc chung sống nào cũng cần sự khéo léo ứng xử của từng người, biết ngó trước ngó sau và vì nhau mà sống. Nếu người con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình; người vợ khéo léo, là cầu nối giữa gia đình mình với chồng, không “ỷ thế” nhà mình khiến chồng chạm tự ái và chia sẻ những khó khăn của chồng khi ở rể. Luôn nói tốt về chồng trước mặt gia đình mình; người thân của vợ đừng quá can thiệp đời sống riêng của hai vợ chồng, coi thường sự ở rể… thì việc ở rể sẽ rất thuận lợi.

“Trường hợp mâu thuẫn giữa con rể - mẹ vợ tiến triển theo chiều hướng quá xấu, việc chuyển ra ngoài là giải pháp tốt nhất. Khi ấy, người vợ nên thuận theo chồng, chung vai gánh vác giai đoạn đầu có thể khó khăn”, chuyên gia An Chất khuyên. u

Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Mọi người vẫn luôn nghĩ, việc phụ nữ xuất giá về nhà chồng làm dâu là chuyện đương nhiên, hợp đạo lý. Thế nên định kiến về chuyện ở rể vẫn còn khá nặng nề trong suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, cuộc chung sống nào cũng cần sự khéo léo ứng xử của từng người, biết nhìn trước ngó sau và vì nhau mà sống. Nếu người con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình; người vợ khéo léo, là cầu nối giữa gia đình mình với chồng, không “ỷ thế” nhà mình khiến chồng chạm tự ái và chia sẻ những khó khăn của chồng khi ở rể. Người vợ luôn nói tốt về chồng trước mặt gia đình mình; người thân của vợ đừng quá can thiệp đời sống riêng của hai vợ chồng, coi thường sự ở rể… thì việc ở rể sẽ rất thuận lợi.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn An Chất

Theo Hà My
Gia đình và Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm