Vì câu nói của mẹ vợ, con rể 7 năm không sang chúc Tết
Các cụ nói: “Sẩy chân còn đỡ, sẩy miệng còn biết đá đưa đường nào” chẳng sai bao giờ. Chỉ vì một câu nói của mẹ tôi mà 7 năm nay, chồng tôi không bước chân sang nhà bố mẹ vợ.
Tết nào thấy gia đình người ta dâu rể sum vầy, hạnh phúc, tôi lại thấy chạnh lòng.
7 năm trước, tôi bất ngờ chuyển dạ, sinh con sớm hơn dự kiến, lại vào đúng dịp Tết.
Năm đó, nhà nội ở xa, nhà ngoại ở gần nên vợ chồng tôi cùng con mới sinh dọn qua nhà ngoại ở để ông bà tiện chăm sóc. Đồng thời, gia đình tôi cũng ăn Tết bên ngoại cho ấm cúng.
Chồng tôi sinh ra ở nông thôn nhưng anh rất khó tính, hay tự ái trong khi đó mẹ đẻ tôi thì xởi lởi, tốt bụng nhưng có hay nói nhiều, thiếu cân nhắc. Mọi chuyện xích mích cũng xuất phát từ đây.
Cứ lúc nào đông đủ cả nhà, ngồi bên mâm cơm là mẹ tôi lại kêu ca, than vãn chuyện thực phẩm đắt đỏ, vật giá leo thang… Bà kêu theo kiểu thói quen chứ không có dụng tâm gì.
Chồng tôi nghe thế, lại lấy làm khó chịu cho rằng bà nói cạnh khóe chuyện vợ chồng tôi ăn bám, khiến ông bà khó khăn. Đôi ba lần biết ý, tôi cũng nhắc khéo để mẹ tế nhị khi nói chuyện hơn. Nhưng cũng chỉ được vài ba ngày, tính bốc đồng, hay than vãn của mẹ tôi lại tái phát, không nhìn thấy mặt thì thôi, chứ nhìn thấy mặt hai vợ chồng là bà lại "mở máy".
Mẹ tôi tính tình phóng khoáng, bà đi sắm đồ Tết cho bố tôi là sắm luôn quần áo cho con rể.
Hôm đó, bà mua cho chồng tôi chiếc áo sơ mi mới. Về nhà bà hí hửng bảo chồng tôi thử đồ. Chồng tôi mặc chiếc áo đó khá đẹp, vừa vặn, phải nói mắt thẩm mỹ của mẹ tôi khá tốt.
Đang vui vẻ, mẹ tôi nhanh nhảu nói: “Anh cũng nên thay hết mấy cái áo cũ nhàu nát đi, mang tiếng lấy vợ thành phố mà ăn mặc lôi thôi quá người ta cười cho. Hôm nào anh chở mẹ đi chợ, mẹ sắm cho anh ít đồ nữa”.
Nghe mẹ vợ nói thế, đang vui vẻ chồng tôi đùng đùng cởi áo ra, tôi có nói hết lời anh cũng nhất quyết không mặc.
Anh trách mẹ tôi chê gốc gác nông thôn nghèo khó của anh. Anh có lòng tự trọng, nghèo nhưng anh tự mua được quần áo, không cần mẹ tôi phải lo.
Vừa sinh con xong, mệt mỏi, về nhà mẹ đẻ tưởng sẽ thoải mái tư tưởng ai dè tôi phải sống trong tâm trạng căng thẳng, áp lực, vừa sợ bố mẹ phật ý, vừa sợ chồng giận dỗi, không hài lòng.
Có hôm, bà ngoại bế cháu, chỉ vui miệng bảo: “Cha bố cu của bà, lớn phải lên nhanh nhẹn, học giỏi kiếm nhiều tiền lo cho mẹ mày nhá, chứ đừng có lười ăn lười học rồi vô dụng như mấy đứa nhà quê chân đất nhá”.
Tôi nhìn bà, bà biết mình lỡ lời nên không nói nữa. Nhưng chồng tôi thì tím mặt, cả tuần không thèm nói nửa lời với ai. Đi làm về anh chui vào phòng, bố tôi có rủ đi mua cây cối, nhậu nhẹt cũng từ chối.
Đỉnh điểm có hôm, bà vui miệng kể chuyện con rể nhà hàng xóm bị bố mẹ vợ đuổi ra khỏi nhà vì tội hỗn láo. Bà phán một câu xanh rờn: “Cái ngữ chó chui gầm chạn, ăn ở không biết điều. Nhà mẹ có người như thế, mẹ cũng đuổi thằng cổ”.
Chồng tôi đang ăn cơm, sa sầm mặt bỏ luôn bát cơm. Tết nhất năm ấy, chồng tôi vùng vằng, nhất quyết bắt tôi về quê chồng.
Anh bảo: “Đây là tôi chiều cô, về cho bố mẹ cô chăm lúc ở cữ chứ tôi nào phải loại ăn bám, chó chui gầm chạn gì mà mẹ cô cứ cạnh khóe suốt ngày như thế. Ở thế này chỉ vài hôm là tôi phát điên. Tốt nhất là cô thu dọn hành lý, cả nhà về quê”.
Chỉ còn 5 ngày nữa là sang năm mới, chồng tôi lấy lý do bà nội ốm, nhất quyết thu dọn hành lý, vợ chồng con cái tay xách nách mang về quê nội.
Từ đó đến nay đã 7 năm, chồng tôi không bao giờ đặt chân sang nhà vợ, kể cả ngày lễ Tết. Dù tôi có khuyên bảo thế nào anh cũng một mực giữ nguyên quan điểm.
Tôi phận làm con, làm vợ, bên nào cũng nặng, chẳng biết phải cư xử thế nào cho phải?
Theo Huongthuy@....
Vietnamnet